Theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT, Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Danh mục) bao gồm 861 hoạt chất, với 1.821 tên thương phẩm thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp; 587 hoạt chất với 1.282 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 241 hoạt chất với 702 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ...
Bên cạnh đó, còn có các loại thuốc như: thuốc trừ chuột, thuốc điều hòa sinh trưởng, chất dẫn dụ côn trùng, thuốc trừ ốc, chất hỗ trợ (chất trải) sử dụng trong nông nghiệp; thuốc trừ mối; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trùng kho; thuốc sử dụng cho sân golf; thuốc xử lí hạt giống; thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam bao gồm 31 hoạt chất (23 hoạt chất trừ sâu và bảo quản lâm sản; 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh; 01 hoạt chất thuốc trừ chuột và 01 hoạt chất thuốc trừ cỏ.
Xung quanh việc triển ban hành và triển khai Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT).
Những năm qua, Bộ NN-PTNT đã chủ trương từng bước cắt giảm dần số lượng hoạt chất, tên thương phẩm trong Danh mục. Vậy đến nay, vấn đề này đã có những chuyến biến nào, thưa ông?
Thực hiện chủ trương của Bộ NN-PTNT, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tích cực triển khai rà soát, từng bước loại bỏ dần các loại thuốc BVTV có hại cho con người và môi trường.
Đặc biệt, thực hiện quy định tại Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 của Bộ NN-PTNT về việc mỗi loại thuốc BVTV chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm, số lượng hoạt chất và sản phẩm thuốc BVTV trong Danh mục đã từng bước được cắt giảm.
Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam đã tuân thủ đúng quy định việc lựa chọn hàm lượng có hiệu quả nhất để tiếp tục đăng ký, loại bỏ các hàm lượng không kinh doanh và hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại thấp.
Theo đó đến nay, đã loại bỏ được 1.265 hàm lượng hoạt chất thuốc của 838 tên thương phẩm thuốc BVTV ra khỏi Danh mục. Qua đó, góp phần làm tinh gọn hơn Danh mục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng trong việc lựa chọn các loại thuốc BVTV.
Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục rà soát, xem xét, loại bỏ dần các hoạt chất thuốc BVTV có độ độc cao, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường, cũng như các hoạt chất mà hiện nay thế giới đã cấm, đang cấm để đưa vào danh mục các thuốc BVTV cấm lưu hành tại Việt Nam.
Đối với các loại thuốc BVTV được đăng ký mới trong thời gian qua, đây đều là những hoạt chất BVTV thế hệ mới, ít độc hại, thời gian cách ly ngắn, được đăng ký nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng trên trên nhiều đối tượng như thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh... Đây cũng là những thuốc BVTV mà các nước trên thế giới hiện cũng đang sử dụng phổ biến.
Việc triển khai đăng ký hoạt chất/sản phẩm thuốc BVTV mới tại Thông tư Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT đã được Cục BVTV phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế..., được Hội đồng tư vấn thuốc BVTV rà xoát, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ theo luật định hiện hành cũng như thông lệ quốc tế, nhất là ưu tiên đối với các hoạt chất/sản phẩm thuốc BVTV sinh học, thân thiện với môi trường, có hiệu quả phòng trừ cao nhưng ít độc hại nhất đối với môi trường và sức khỏe con người, thời gian cách ly ngắn...
Trong quá trình xem xét, Hội đồng tư vấn thuốc BVTV cũng đã đề xuất không cho đăng ký đối với 30 loại thuốc có hiệu lực phòng trừ thấp, nền thí nghiệm thấp, khảo nghiệm không đảm bảo độ tin cậy, thời gian cách ly không đảm bảo. Trong năm 2019-2020, Cục BVTV cùng với hội đồng, cũng đã rà soát, đánh giá kỹ và loại bỏ...
Không chỉ làm gọn lại Danh mục, mà trong cơ cấu tại Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT cũng đã tăng mạnh về tỉ trọng số lượng các hoạt chất/sản phẩm thuốc BVTV sinh học, thuốc có độ độc thấp, an toàn; giảm mạnh về số lượng các hoạt chất/sản phẩm thuốc BVTV hóa học, có độ độc cao so với trước đây.
Các dạng thuốc tiến tiến giảm hàm lượng hoạt chất và giảm độ độc của thuốc thành phẩm đã được các doanh nghiệp thay đổi về nhận thức, định hướng và chiến lược kinh doanh, phù hợp với đinh hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Đây cũng là định hướng nhằm phục vụ cho chiến lược xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Bởi để có một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thì trước hết cần phải đẩy mạnh đi trước một bước về nền tảng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
Rau, chè, cây ăn quả là những đối tượng cây trồng có nguy cơ cao về tồn dư thuốc BVTV. Vậy Danh mục mới ban hành theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT đã có những điểm mới nào nhằm từng bước siết chặt quản lí, hạn chế nguy cơ đối với các nhóm cây trồng này?
Rau là cây ngắn ngày, gối vụ liên tục, vì vậy bên cạnh việc rà soát, loại bỏ dần các thuốc BVTV hóa học, thuốc BVTV có độ độc cao, thời gian cách ly dài, chúng tôi đã khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa vào thay thế dần bằng các loại thuốc BVTV sinh học, nhất là các loại thuốc sinh học đối kháng để phòng trừ cho các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt là các sâu bệnh hại mới phát sinh.
Theo đó, điểm nhấn tại Danh mục tại Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT, đã có rất nhiều hoạt chất thuốc BVTV sinh học, ít độc, được các doanh nghiệp đăng ký sử dụng trên rau, cây ăn quả, chè. Xu hướng đăng ký thuốc BVTV cũng đã có sự thay đổi rõ nét theo hướng phù hợp với sản xuất, đăng ký phạm vi sử dụng trên lúa ít hơn và tăng nhiều đối với các cây trồng có giá trị kinh tế để đáp ứng nhu cầu của sản xuất.
Rau, cây ăn quả, chè không chỉ là mặt hàng thực phẩm, đồ uống phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân, mà còn là nhóm ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng, dư địa rất lớn của nước ta. Vì vậy, việc rà soát, đưa vào sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, ít độc, có thời gian cách ly ngắn, ít có nguy cơ tồn dư trên sản phẩm sẽ được tiếp tục chú trọng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Cục BVTV đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, HTX nhằm đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên các nhóm cây trồng này bằng các biện pháp thay thế thuốc BVTV như sử dụng bao trái, lưới che - trùm để ngăn sâu hại; sử dụng các pheromone xua đuổi, dẫn dụ sâu hại; tăng cường nghiên cứu, nhân nuôi để sử dụng các đối tượng thiên địch trong phòng trừ các đối tượng sâu hại trên các vùng rau, chè, cây ăn quả...
Đồng thời, sẽ nghiên cứu để có từng nhóm thuốc BVTV dành riêng cho từng từng đối tượng sâu bệnh hại tại từng địa phương nhằm tăng hiệu quả, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV.
Đây cũng là một trong những công tác đặc biệt quan trọng trong việc triển khai giám sát, kiểm tra, cấp mã số vùng trồng nhằm xây dựng các vùng sản xuất, xuất khẩu rau quả của nước ta.
Định hướng tổng thể, căn cơ, dài hơi của ngành nông nghiệp hiện nay, đó là phải giảm dần việc sử dụng thuốc BVTV, tiến tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hiệu quả. Ngành BVTV sẽ triển khai những giải pháp nào về vấn đề này trong thời gian tới, thưa ông?
Tiếp nối những kết quả của các giai đoạn trước, giai đoạn 2016-2020, Bộ NN-PTNT đã tiếp tục triển khai chương trình Quản lí dịch hại tổng hợp (IPM) tại nhiều địa phương trên cả nước và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Nhằm tiếp tục triển khai chương trình IPM có hiệu quả, lan rộng và thực chất hơn nữa trên đồng loạt các loại cây trồng, hiện Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục BVTV triển khai tổng hợp, rà soát tình hình triển khai chương trình IPM trên phạm vi cả nước để tiếp tục bổ sung, giành nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh chương trình này trong những năm tới.
Hiện Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo và giành kinh phí để Cục BVTV triển khai các lớp đào tạo giảng viên, cán bộ nguồn của chương trình IPM cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các tỉnh sẽ chủ động triển khai chương trình IPM theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục BVTV cùng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) triển khai xây dựng một đề án giành riêng về chương trình IPM tại nước ta. Có thể ngay trong năm 2020, đề án về chương trình IPM sẽ được FAO phê duyệt, qua đó sẽ kịp thời bổ sung nguồn lực nhằm sớm triển khai trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đã đề nghị các địa phương thời gian tới, gắn các chương trình khác về sản xuất nông nghiệp bền vững như Chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), các giải pháp "3 giảm 3 tăng", "một phải 5 giảm" với chương trình IPM... để hướng tới mục tiêu chung là một nền nông nghiệp bền vững, giảm tối đa việc sử dụng các vật tư đầu vào như thuốc BVTV, phân bón, giảm lượng giống, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính..., tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!