| Hotline: 0983.970.780

Cát loạn Phú Thọ: Nông dân mất đất dựng lều, nấu cơm trước cổng trụ sở xã

Thứ Hai 01/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Những quyết định cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi liên tiếp của UBND tỉnh Phú Thọ cho các doanh nghiệp đang đẩy người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này đến bước đường cùng…

Người dân Đông Khê tụ tập nhiều ngày trước cổng trụ sở xã để phản đối khai thác cát

Cho rằng chính quyền địa phương “bảo kê” cho hoạt động khai thác cát sỏi khiến hàng chục ha đất sản xuất của nhân dân bị đổ xuống sông, người dân xã Đông Khê (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cầu cứu khắp mọi nơi, thậm chí họ dựng lều, tụ tập nấu cơm ăn ngay trước cổng trụ sở công quyền...
 

Cùng đường

Những băng rôn, khẩu hiệu, những tiếng trống, tiếng chiêng, những gương mặt thất thần, bức xúc vì mất đất, những bữa cơm được nấu ngay tại cổng UBND xã để đấu tranh, những tiếng nói yêu cầu đối thoại với lãnh đạo địa phương nhưng không được giải quyết... Tất cả những vấn đề này xuất hiện ở Đông Khê, một vùng quê nghèo, thuần nông kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ khai thác cát sỏi trên sông Chảy.

Đây là đợt tụ tập đông người để đấu tranh lần thứ 2 của người dân thôn 2 xã Đông Khê trước cổng UBND xã. Trước đó, từ ngày 7/2/2019, người dân mất đất cũng đã nhiều ngày dựng lều lán, nấu cơm trước cổng UBND xã Đông Khê để phản đối hoạt động khai thác cát sỏi gây mất đất sản xuất của họ. Chính quyền địa phương đã hứa sẽ kiểm tra, làm rõ và động viên người dân giải tán, tuy nhiên sau đó các tàu cát lại tiếp tục hoạt động đã khiến người dân mất niềm tin và cho rằng có sự “tiếp tay”, “bảo kê” từ phía cơ quan chức năng...

Hơn 20 người dân đại diện cho khoảng 140 hộ dân cho biết, đã gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nhưng những khiếu nại, kiến nghị của họ từ nhiều tháng trời vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. “Cùng bất đắc dĩ người dân chúng tôi mới phải làm thế này”, ông Phùng Văn Thiệp, người đứng đơn đại diện nhân dân trao đổi với PV NNVN về việc dựng lều, nấu cơm trước cổng UBND xã Đông Khê.

10-54-22_dk2
Bi kịch nông dân mất đất, mất mồ mả tổ tiên vì cát sỏi

Cánh đồng Cây Vải và Đồng Mã là một vùng bãi bồi trù phú ven sông Chảy, tự bao đời nay được ví như nồi cơm của hàng nghìn nhân khẩu chủ yếu sống dựa vào những vụ trồng ngô, lúa và cây ăn quả. Kể từ khi tàu khai thác cát hoạt động, “nồi cơm” của họ liên tục bị đào múc, sạt lở, hoa màu, cây cối lần lượt bị cuốn xuống dòng sông. Những người dân xã Đông Khê dẫn chúng tôi ra đồng để chứng kiến thực trạng mà họ nói “trừ đám lợi ích đang đục khoét khúc sông này thì bất cứ ai nhìn cũng phải xót xa”.

Vụ này nhân dân trồng ngô và cây ăn quả. Một màu xanh mướt chạy dài dọc theo bãi sông, minh chứng rõ nhất về sự trù phú của cánh đồng. Nhưng thành quả người dân tạo dựng hiện đã bị mất mát khoảng gần 10ha do tình trạng sạt lở, cuốn trôi. Vết sạt lở kéo dài cả cây số, cao từ 3 - 4m và dấu tích của cây cối, hoa màu bị đổ xuống sông cứ sau mỗi ngày, mỗi giờ lại càng thêm lan rộng. Chỉ trong vòng một năm, cánh đồng này đã bị lòng sông lấn vào hàng trăm mét. Tốc độ sạt lở nhanh đến mức nhiều diện tích cây ăn quả không kịp di dời, nhiều mồ mả của người thân không kịp sơ tán. Gần 20 ngôi mộ bị đất cát vùi xuống sông, người dân huy động tìm kiếm nhiều ngày trời mới mò lại được.

“Nhiều gia đình đã mất đất canh tác, cứ đà này, chỉ một thời gian ngắn nữa, đất đai, hoa màu, mồ mả cha ông chúng tôi sẽ đổ hết xuống sông. Chúng tôi đã phản ánh lên xã, lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương hết lần này đến lần khác nhưng không có kết quả. Dân chúng tôi nghèo lắm, bỏ công bỏ việc để đi đấu tranh thế này không ai muốn cả, nhưng vì con cháu nên chúng tôi phải bảo vệ đất đai của mình”, ông Đinh Công Trường (70 tuổi) lo lắng.

10-54-22_dk3
Ông Đinh Công Trường: “Vì con cháu chúng tôi phải bảo vệ đất đai của mình”

Không chỉ mất đất sản xuất, mất mồ mả, đã có người mất mạng kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho hoạt động khai thác khoáng sản ở Đông Khê. Bà Lý Thị Bích Ngọc có đứa con trai tên Nguyễn Văn Chiến ra bờ sông Chảy để bơi nhưng do đất ven sông bị các tàu cát hút lở, thằng bé vừa bước xuống thì đất sụt và bị rơi vào đúng hố sâu nơi tàu cát đang hút dẫn đến tử vong.

“Kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép, hoạt động khai thác cát sỏi diễn ra suốt ngày đêm, chúng tôi đấu tranh, khiếu nại quá nhiều rồi, nhưng kết quả là bị chính quyền bác bỏ, xã hội đen đe dọa”, ông Phùng Văn Thiệp nói.
 

Bất chấp

Trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, người dân Đông Khê khẳng định, họ đã khiếu nại nhiều lần về quyết định cấp phép của UBND tỉnh Phú Thọ để doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên địa bàn gây ra hàng loạt những hệ lụy mất đất, mất mồ mả tổ tiên và yêu cầu làm rõ “thủ phạm”, tuy nhiên, cả phía chính quyền lẫn doanh nghiệp đều có những động thái bất chấp nguyện vọng chính đáng của dân.

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản mà ông Hoàng Công Thủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký cấp cho Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ ngày 5/7/2017 thì doanh nghiệp trên được khai thác khoáng sản cát, sỏi trên diện tích 10,6ha tại 2 xã Đông Khê và Nghinh Xuyên, huyện Đoan Hùng. Mỗi năm công ty này chỉ được khai thác 30.000m3, tương đương mỗi ngày chỉ được hút 1 tàu cát 100m3. Giấy phép nêu rõ: Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản phải hoàn thành các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê đất theo quy định. Trong quá trình khai thác phải thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục các sự cố về môi trường, sạt lở tầng tuyến khai thác, sạt lở bờ vở sông, công trình thủy lợi, hành lang an toàn đê điều... Thế nhưng, gần 2 năm doanh nghiệp này hoạt động, người dân vẫn không biết chủ doanh nghiệp là ai, chưa có công ty nào liên hệ họp bàn phương án bồi thường cho dân.

10-54-22_dk4
Người dân mất đất tố cáo chính quyền “bảo kê” cho DN

Kể cả khi người dân đấu tranh buộc chính quyền phải ra các văn bản tạm dừng khai thác thì Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ vẫn bất chấp, tiếp tục đục khoét dòng sông, tiếp tục đẩy hàng trăm hộ dân vào những thảm cảnh, bi kịch.

Điển hình, ngày 12/3/2019, Sở TN-MT Phú Thọ có văn bản số 1083/TNMT-KS yêu cầu Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ tạm dừng khai thác cát sỏi sông Chảy, nhưng sau đó việc khai thác cát vẫn tiếp tục diễn ra.

Về phía chính quyền, trước sự phản đối quyết liệt của người dân, xã Đông Khê cho rằng hoạt động khai thác cát sỏi là có giấy phép, huyện Đoan Hùng phân tích nguyên nhân sạt lở “do có mưa lớn”...

Gần 1 năm thanh tra, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa có kết luận

Với các hệ thống sông lớn gồm sông Hồng, sông Lô, sông Chảy, sông Đà trên địa bàn, từ nhiều năm trước tỉnh Phú Thọ đã liên tục cấp phép cho hàng chục doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Thực trạng này khiến người dân ở nhiều địa phương bị mất đất sản xuất, đơn thư khiếu nại, cầu cứu gửi đi khắp nơi.

Ngày 18/4/2018, tại UBND tỉnh Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ.

​Theo Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, Đoàn thanh tra của TTCP sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ; thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2006 đến hết năm 2017; thời hạn thanh tra là 70 ngày.

Theo nguồn tin của NNVN, đã gần 1 năm kể từ thời điểm thanh tra nhưng TTCP vẫn chưa công bố quyết định thanh tra trong khi người dân mất đất vì nạn khai thác cát ở Phú Thọ đang hi vọng những mất mát của họ sẽ được làm sáng tỏ.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.