| Hotline: 0983.970.780

Cậu bé ngày ngày ra mộ chuyện trò cùng mẹ

Thứ Ba 20/09/2022 , 07:44 (GMT+7)

Thằng bé mập mạp, da bánh mật khỏe khoắn, nhảy chân sáo từng bước trên con đường đất từ nhà ra mộ mẹ ở ngay sau vườn để chuyện trò.

Nhà của con ở đây

Đôi bàn tay với những ngón tròn lẳn gạt mấy cái lá rơi xuống trên mộ, xoa xoa một lượt cho hết bụi rồi nó rướn người nhảy, phốc lên nóc mộ, nhìn vào di ảnh của mẹ, bắt đầu trò chuyện. Trên khuôn mặt bầu bĩnh là đôi mắt trong veo, giọng nói của nó cũng trong veo. Từ tấm di ảnh trên mộ, chị Dương Thị Hồng Vân, một người đàn bà vắn số vừa qua đời ở tuổi 41 dường như vẫn dịu dàng nhìn xuống.

“Ai trong hình đó?”. Chúng tôi hỏi. Nó trả lời: “Dạ, mẹ”. Với bất kỳ người nào mà thằng bé gặp nó đều luôn miệng dạ như vậy. Tiếng dạ ngọt tựa mía lùi. “Con có nhớ mẹ không?”. Chúng tôi hỏi tiếp. Nó trả lời: “Dạ, nhớ!”. “Con có thương mẹ không?”. Chúng tôi hỏi tiếp. Nó trả lời: “Dạ, thương nhưng mẹ chết rồi con không gọi được. Con nói chuyện với mẹ đặng cho mẹ khỏe lại”. “Con có nghe mẹ nói với con điều gì không?”. Chúng tôi hỏi tiếp. Nó trả lời: “Mẹ nói con đừng ra đây để mẹ con ngủ”.

“Con nói gì với mẹ?”. Chúng tôi hỏi tiếp. Nó trả lời: “Con nói con đang hái rau”. “Ở nhà với cha con có ngoan không?”. Chúng tôi hỏi tiếp. Nó trả lời: “Dạ, có ngoan”. “Con có sợ gì không?”. Chúng tôi hỏi tiếp. Nó trả lời: “Dạ, không”.  “Mẹ không về con có khóc không?”. Nó trả lời: “Dạ, không”. “Con về đi”. Chúng tôi khuyên nhưng nó vẫn giương cặp mắt to tròn, ngây thơ lên mà trả lời: “Nhà con ở đây” (ý nói là ngôi mộ). “Không, con về nhà với bố và anh cơ mà”. Chúng tôi thuyết phục thêm. Thằng bé chùng chình một hồi rồi vui vẻ nói: “Bye bye mẹ! Chúc mẹ ngủ ngon”.

Empty

Cậu bé 4 tuổi Đặng Hữu Phước ngày ngày vẫn ra mộ trò chuyện với mẹ như thế này. Ảnh: Minh Sáng.

Đang bi bô như một con sáo sậu thế mà khi thấy bố tiễn chúng tôi ra xuồng, tưởng là ông cũng đi luôn, nó vùng chạy theo và gào khóc, chân dẫm bịch bịch xuống nền đất, ném mấy đồng tiền chúng tôi vừa đưa cho ra mép sông.

Tên nó là Đặng Hữu Phước-con của anh Đặng Thanh Danh và chị Dương Thị Hồng Vân-cặp vợ chồng cùng sinh năm 1981 sống ở thị trấn Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Lúc chúng tôi gặp thì chị mới mất được 82 ngày, bỏ lại 2 con thơ, đứa nhỏ 4 tuổi tên Đặng Hữu Phước vẫn thường hay ra mộ trò chuyện với mẹ, còn đứa lớn 10 tuổi tên Đặng Đăng Khoa đang học tiểu học.

Anh Danh kể lúc vợ mình chết, mọi người khóc quá trời vì thương nhưng thằng Phước vẫn nghĩ là mẹ nó chỉ đang ngủ, đến khi thấy lâu quá, mới bảo bố lay gọi: “Ba thức mẹ dậy đi, sao cứ nằm ngủ hoài vậy?”. Khi người ta bỏ mẹ vào quan tài, đóng đinh lại, nó mới khóc váng lên, kêu lớn: “Ba ơi, uýnh (đánh) mấy ông này đi! Mẹ đang ngủ ngon mà sao lại nhốt vào cái thùng gỗ vậy?”.

Empty

Hai cha con anh Đặng Thanh Danh trên con đường gần nhà. Ảnh: Minh Sáng.

Vốn kiệm lời nên chúng tôi hỏi mãi mà anh cũng chỉ nói có mấy câu về hoàn cảnh của gia đình như sau: “Xưa giờ hai vợ chồng em đi làm, chưa có nhà cửa gì cả, vẫn ở nhờ nhà bên anh vợ. Tích góp định về đây cất căn nhà nhỏ nhỏ để ở nhưng vợ em đổ bệnh, bị ung thư đại tràng, chữa trị 4-5 tháng liền, hết tiền phải mượn mấy anh em khoảng 50 triệu gì đó nhưng cũng không qua khỏi.

Con nhỏ, vợ mất nên em chỉ đi làm thợ hồ, đi làm vườn, ai kêu gì làm nấy, miễn là gần quanh nhà để tiện cho chăm sóc con, ráng lo cho chúng đi học, mỗi ngày như thế em được người ta trả công 300.000đ. Nền đất anh vợ đã cho rồi, em chỉ mong có một căn nhà nhỏ nhỏ nhưng giờ làm cũng phải cỡ trăm mấy, hai trăm triệu, điều đó nằm ngoài tầm tay của em…”. 

Tương lai nào cho hai đứa trẻ?

Ông Bùi Đắc Thắng-Giám đốc Cty CP Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược Liệu Đồng Tháp Mười (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) kể, chị Dương Thị Hồng Vân hồi trước có làm công nhân trong đội trồng cây dược liệu của đơn vị, sau đó thì nghỉ đi lấy chồng. Vùng đất này kinh tế đặc biệt khó khăn nên hầu hết dân đều nghèo, kể cả từ xã mới lên thành thị trấn. Thất nghiệp, lại bệnh tật triền miên, thay phiên nhau người làm nuôi người bệnh nên gia đình chị rất khốn đốn.

Empty

Đặng Hữu Phước đang nói với cha về cuộc ra mộ trò chuyện với mẹ lúc cha đang trả lời phỏng vấn chúng tôi. Ảnh: Minh Sáng.

Tuy không còn là công nhân của công ty nữa nhưng ông vẫn thương, giúp đỡ ít nhiều đồng thời gửi gắm chị cho Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An nhờ chăm sóc nhưng bệnh tình ngày càng trở nặng. Người nhà phải bán hết cái này đến cái nọ để lo đưa chị xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, tốn kém rất nhiều mà cuối cùng hi vọng cũng vụt tắt. “Khi còn sống, chị ấy là người biết tính toán, nhanh nhẹn nên trở thành trụ cột của gia đình. Giờ đây, chị mất đi để lại hai đứa con thơ và người chồng hiền lành nhưng cũng khó bề gánh vác chuyện kinh tế”. Ông Thắng nhận xét về kiếp người ngắn ngủi của chị Vân bằng giọng bùi ngùi, thương cảm.

Còn anh Dương Văn Lực-người anh thứ sáu của chị Vân thì kể, dân trong ấp phần lớn gốc từ tỉnh Bến Tre, vì nghèo khó mà mấy chục năm trước họ phải dắt díu nhau lên đây để lần hồi kiếm kế sinh nhai, cũng là góp một phần vào bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng tràm. Người đi trước được cắt đất dựng nhà, cắt đất làm ruộng nhưng những người sau thì không có. Đa số dân không biết chữ, không biết đi xe đạp, xe máy, giàu thì có xuồng máy, còn trung bình hay nghèo có cái “xuồng năm quăng” tức làm bằng cây tạp nên chỉ một năm là hỏng, phải quăng đi, làm cái khác.

Họ ở trong những căn nhà lá xập xệ, nước lụt có năm ngập tới mái. Đẻ thì rước bà mụ về dùng dao cắt rốn. Chết thì mùa khô chôn ngay trong vườn hay chôn trên đê, còn mùa lũ chỉ đành gác quan tài, treo lên ngọn cây tràm chờ nước rút mới chôn được. Xí nghiệp Tinh dầu Tràm (về sau là Cty CP Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược Liệu Đồng Tháp Mười-PV) là đơn vị lớn nhất vùng, có máy phát điện, có máy cày, đã hỗ trợ rất nhiều cho dân trong việc đào kinh, khai hoang, lập ấp…

Sau này làm lúa thua lỗ triền miên 246 hộ di dân bỏ về quê gần hết, chỉ còn hơn 20 hộ trụ lại trong đó có các anh em nhà anh Lực, họ được nhận vào làm công nhân của công ty. Chỉ thương nhất là người em út tên Vân, gia đình mình đã nghèo, khi theo chồng về quê ở Vĩnh Long cũng nghèo nốt, không có nhà cửa, ruộng vườn gì lại phải kéo nhau lên Sài Gòn làm công nhân.

Empty

Đặng Hữu Phước đang châm lửa cho cha thắp hương. Ảnh: Minh Sáng.

Cần cù làm lụng được một thời gian, họ dành dụm chừng đâu vài chục triệu, anh em trong nhà bàn nhau bảo hai đứa cứ chịu khó làm rồi cho cái nền đất, mỗi người phụ thêm ít tiền nữa để cất một căn nhà nhỏ, cho có mái ấm gia đình. Đi đâu thì đi, về cũng phải có cái nhà, chứ toàn ở đậu tại nhà anh thứ bảy (chị Vân là con thứ tám trong gia đình) mãi thì coi sao đặng?

Thế rồi bất ngờ chị Vân đổ bệnh. Mổ lần một ở Bệnh viện địa phương, chị bị nhiễm trùng, tưởng mười mươi đã chết. Biết vợ chồng chị đã tiêu hết số tiền dành dụm để làm nhà, anh em phải hùn nhau tiền để đưa chị lên Bệnh viện Chợ Rẫy mổ lần hai. Nằm ròng rã một tháng trời, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể nhưng bệnh đã vào ở giai đoạn cuối, chị đã không qua khỏi.

“Số nợ thì Danh thủng thẳng làm rồi lần hồi trả anh em cũng được nhưng nó cần có một mái nhà để lo cho cuộc sống của mấy bố con. Thằng lớn đi học tiểu học, còn thằng Phước thì gửi mẫu giáo, sáng đi tối về nhưng hoàn cảnh nhà nó thế mà người ta tiền vẫn tính sòng phẳng chứ không được miễn giảm gì cả, riêng mỗi tháng đi mẫu giáo mất hơn 800.000đ lận. Chúng tôi có hỏi về nhà tình thương cho Danh thì UBND thị trấn bảo họ biết rồi nhưng không hứa, chừng nào có sẽ cho hay”.

Những lời nói trên của anh Lực tựa cơn gió thoảng mà tôi nghe cứ thấy cay cay nơi khóe mắt, hệt như đi trong cánh đồng bất tận bị vướng hơi của tinh dầu tràm. Tiếng thằng Phước nói, cười trong veo  bên mộ mẹ lại vọng về, ám ảnh cả vào trong những giấc mơ của chúng tôi.

Mọi ủng hộ xin gửi tài khoản của anh Đặng Thanh Danh là bố cháu bé. TK: 68610000274655, ngân hàng BIDV chi nhánh Mộc Hoá. Điện thoại: 0372389526.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.