Chấp nhận ràng buộc để yêu thương trọn vẹn
Tôi kết hôn khi đã ngoài 30 tuổi, ở độ tuổi mà nhiều người xung quanh cho rằng chỉ cần “vừa lòng” ai đó để lấy chồng, miễn sao gia đình yên tâm. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tình yêu của tôi với anh không hề vội vàng. Đó là tình yêu chân thành, nồng nhiệt, và anh cũng đáp lại bằng sự say đắm, chân tình.
Chồng tôi từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Khi đến với tôi, anh đã ly hôn được hai năm và đang nuôi con gái 8 tuổi. Mẹ của cháu ra nước ngoài định cư với cuộc hôn nhân mới. Lần đầu gặp con gái anh - cháu Tâm, tôi đã khóc. Cháu Tâm nghĩ rằng sự hiện diện của mình làm tôi buồn, nhưng thực ra, tôi khóc vì nghĩ đến những tổn thương mà cháu phải chịu sau cuộc chia tay của bố mẹ.
Anh an ủi và động viên tôi. Tôi yêu thương hai cha con anh hơn. Tôi nhận ra, anh không chỉ là một người cha tốt, mà còn luôn nỗ lực để bù đắp cho con những mất mát. Những buổi hẹn hò cùng anh và con gái giúp tôi hiểu rằng anh muốn tôi bước vào cuộc sống của hai cha con với tư cách là một phần gia đình.
Khi tôi chia sẻ chuyện sẽ lấy một người đàn ông có con riêng, nhiều người thân khuyên nhủ: "Bạn đã sẵn sàng đối mặt với những thử thách này chưa? Hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, mà còn là trách nhiệm với con riêng của anh ấy". Những lời khuyên đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi biết rằng, nếu kết hôn với anh, tôi phải yêu luôn cả những điều thuộc về anh, kể cả đứa con gái mà anh yêu thương nhất.
Bố mẹ tôi cũng từng ngăn cản. Nhưng điều khiến tôi cảm động là họ không dùng lý do anh từng đổ vỡ hay có con riêng để phản đối. Họ chỉ muốn chắc chắn rằng tình yêu của tôi đủ lớn để chấp nhận tất cả những ràng buộc ấy. Khi tôi chia sẻ nỗi lo này với anh, anh đã rơi nước mắt. Anh ôm tôi thật chặt, nói rằng: “Chỉ cần em đồng ý, chúng ta sẽ cùng vượt qua mọi khó khăn”. Câu nói của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, giúp tôi tin vào lựa chọn của mình.
Khi trái tim thay lời nói
Tuy nhiên, bước qua rào cản ban đầu không có nghĩa là mọi thứ trở nên dễ dàng. Khi mới về sống chung, mối quan hệ giữa tôi và con gái anh không tránh khỏi những xung đột. Có những tình huống, câu trả lời của cháu làm tôi ức chế, thậm chí chạnh lòng: Mẹ cháu không làm thế này bao giờ! Sao cô lại về ở với bố con cháu? Cháu sẽ mách bố cháu đấy!... Cháu cũng cố tình tạo khoảng cách với tôi, vì nghĩ tôi đã chen vào cuộc sống vốn êm đềm của hai bố con. Rồi cả những lúc gia đình vợ cũ của anh đến thăm cháu. Dù hiểu rằng họ chỉ muốn gần gũi cháu, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy lạc lõng. Khoảng cách vô hình đó khiến những quan tâm của tôi với cháu như có ngưỡng chặn lại.
Những lúc ấy, anh luôn đứng giữa, cố gắng làm cầu nối. Nhưng tôi hiểu, anh cũng khó xử: Nếu nghiêm khắc với con, anh sợ cháu nghĩ mình thiên vị tôi; còn nếu bênh con, anh lại lo tôi tủi thân.
Và thật may mắn khi tôi luôn nhận được sự động viên từ bố mẹ mình. Họ khuyên tôi hãy dùng sự chân thành để đối xử với con trẻ. "Con hãy để cháu Tâm cảm nhận rằng, dù cha mẹ không còn ở bên nhau, cháu vẫn được yêu thương và quan tâm", bố mẹ khuyên tôi. Chính bố mẹ đã giúp tôi nhìn nhận vấn đề một cách bao dung hơn. Họ dạy tôi rằng, để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi trong gia đình mới, cách duy nhất là đối xử bằng tình cảm thật lòng, không gượng ép.
Từ đó, thay vì né tránh, tôi học cách đối mặt. Tôi hiểu rằng, Tâm cần thời gian để chấp nhận tôi - một người lạ bỗng trở thành mẹ kế. Và điều quan trọng hơn là tôi muốn yêu thương con bằng tình yêu của một người mẹ, không muốn mình trở thành “mẹ ghẻ” trong những câu chuyện buồn.
Thời gian qua đi, khoảng cách giữa tôi và cháu Tâm dần thu hẹp. Khi tôi sinh con đầu lòng, Tâm vui mừng như chính mình có thêm một người bạn. Cháu tự hào khoe với bạn bè rằng mình đã làm chị. Tôi nhận ra, những nỗ lực của mình trong việc xây dựng mối quan hệ với cháu đã được đền đáp. Cháu đã xem tôi như một người mẹ thứ hai, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ tôi trong việc chăm sóc em.
Hạnh phúc là sẻ chia và đồng hành
Giờ đây, gia đình tôi đã thêm thành viên nhí nữa. Cháu Tâm, giờ là sinh viên năm nhất, không chỉ trưởng thành mà còn trở thành một người chị mẫu mực của các em. Chồng tôi thường khen rằng cháu có nhiều điểm giống tôi trong cách cư xử. Khi được hỏi giống ở điểm nào, anh cười và nói: "Hai mẹ con đều biết cách làm mọi người trong nhà vui".
Giờ đây, tôi hiểu rằng chính tình yêu thương và sự thấu hiểu đã giúp tôi vượt qua mọi rảo cản, xây dựng một tổ ấm trọn vẹn. Hành trình chạm đến hạnh phúc không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng khi tình yêu đủ lớn, mọi rào cản đều có thể hóa giải. Tôi không chỉ yêu chồng, mà còn yêu luôn cả những ràng buộc từ quá khứ của anh. Điều đó đã mang lại cho tôi một gia đình trọn vẹn, nơi mọi thành viên đều yêu thương và trân trọng lẫn nhau.