Bức ảnh này tôi chụp cách đây hơn 2 năm, lúc Hội An vừa trải qua một trận lụt, phố xá đìu hiu vắng, ảm đạm, tịnh không một bóng người. Những dãy phố im ỉm khóa, không có du khách; nhưng còn người Hội An, họ đã đi đâu?
Nhiều người đã rời phố, họ bán hoặc cho các ông chủ mới thuê lại căn nhà của mình, có rất nhiều giọng nói xa lạ ở đây, đặc biệt là giọng Hà Nội, Sài Gòn, đáp lại mỗi khi ghé vào hỏi han một món đồ. Tiền cho thuê không nhỏ, đủ để chủ nhà có thể sống phong lưu ở một nơi khác. Bạn tôi người xứ Quảng, nói, không dưới một nửa nhà cổ đã bị đổi chủ. Nếu một ngày không còn dân bản địa nữa, hồn Hội An cũng sẽ mất đi, vĩnh viễn. Phố cổ chỉ còn là một nơi tập trung buôn bán dưới những mái nhà cũ – một cái vỏ Hội An.
Bài toán là làm sao để người Hội An ở lại mà neo một mảnh hồn bản xứ nhưng vẫn có thu nhập cao để sống và sống sang trọng trong một không gian bình yên chứ không phải huyên náo rậm rịch? Quá khó, khi vừa muốn làm du lịch lại vừa phải yên tĩnh! Cũng xin đừng nói rằng do từ ngữ không rõ ràng nên dẫn đến hiểu lầm về việc thu phí vào thành phố. Nói như thế là thiếu thuyết phục, vì giấy trắng mực đen vẫn còn đó, tràn ngập trên các báo.
Trở lại, phải hiểu rằng vì sao một căn nhà cổ ở Hội An có giá cho thuê mỗi tháng để kinh doanh lên đến cả trăm triệu đồng. Vì nó hái ra tiền. Từ đâu? Từ du lịch, tức là khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm. Nếu bây giờ muốn một Hội An “bình lặng” thì đồng nghĩa phải hi sinh kinh tế. Thật kỳ lạ khi chính quyền Hội An vừa muốn thu được nhiều tiền nhưng lại vừa muốn hạn chế du khách. Thu tiền vé vào thành phố chỉ có lợi trước mắt, nhưng người dân Phố cổ sẽ chết đứng.
Giá một căn nhà là mấy chục tỉ sẽ tụt xuống chỉ còn dăm mười tỉ, tiền cho thuê mỗi tháng cả trăm triệu sẽ chỉ còn mươi triệu. “Giảm tải” hay “hạn chế du khách” là một tư duy “đi vào lòng đất”. Du khách mỗi năm hoặc nhiều năm mới ghé Hội An một lần, bỏ ra 80 nghìn để mua một tấm vé, chả ảnh hưởng gì đến túi tiền của họ, nhưng nó gây ức chế vì phản cảm bởi một thái độ và hành xử không thân thiện. Người ta sẽ tẩy chay Hội An vì cái quyết định này của chính quyền sở tại.
Hơn ai hết, vì thế, không phải chỉ người dân Việt Nam nói chung nên bày tỏ lo lắng trước trước quyết định này, mà chính người dân Phố cổ càng cần phải lên tiếng, vì quyền lợi của chính mình. Đó là trách nhiệm.
Lý do bảo tồn di sản cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn hơn. Hội An là một thành phố như mọi thành phố khác, chỉ có điều nó cổ hơn, vậy thôi. Chừng ấy du khách chứ nhiều hơn nữa cũng không phải vì người ta đi bộ quá đông trên phố mà có thể làm xuống cấp những căn nhà! Cái cần bảo vệ là văn hóa, là ý thức pháp luật, là hồn cốt văn hóa bản địa... Cái cần “trùng tu” là chính sách đối với dân Phố cổ và khách tham quan. Nhà cổ đa số thuộc sở hữu tư nhân, nếu xuống cấp thì họ đã tự sửa chữa, chính quyền chỉ đầu tư những mảng công cộng. Mà công cộng ở Hội An, một đô thị bé nhỏ, có còn khoảng trống nào nữa đâu để mà phải đổ thật nhiều tiền vào, ngoài những sửa chữa lắt nhắt?
Nên nhớ, Hội An là một di sản, nhưng là di sản sống. Đó là một đơn vị hành chính có hàng ngàn người dân đang sinh sống chứ không phải là một phế tích được rào chắn để chỉ bán vé tham quan. Vì vậy, các quyết định phải được đặt trên nền tảng pháp luật và những đặc thù mọi mặt. Đến đây, cái cần tính không phải là “hạn chế du khách” mà là tạo ra văn hóa “nhập gia tùy tục”. Cái cần nghĩ là làm sao để khách đến Hội An mà vui vẻ chịu móc tiền ra để mua sắm và tận hưởng.
Thêm nữa, Hội An không chỉ đang sống cho Hội An. Nhiều vùng phụ cận/vệ tinh của Hội An nhờ di sản và trung tâm du lịch Hội An mà được hưởng lợi. Thử nhìn qua An Bàng, nếu không có Hội An thì hàng trăm homestay xây ra cho ai ở? Và tất nhiên, không phải chỉ có An Bàng là nơi “đón lõng” du khách của Hội An, còn nào là rừng dừa Bảy Mẫu, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, Cù lao Chàm...; kể cả các huyện thị khác sát nách Hội An như Duy Vinh, Duy Xuyên với các hoạt động du lịch và làng nghề phong phú. Cho nên, phải hiểu rằng khách đến Hội An nhiều thực chất là đến với Quảng Nam và ngành du lịch Quảng Nam với mấy chục điểm mà ở đó Hội An chỉ là trung tâm điều phối. Đừng vội thất vọng việc du khách chưa tiêu nhiều trong lòng Phố cổ, họ sẽ tiêu nó ở những nơi khác trong tỉnh. Vấn đề là làm gì để thỏa mãn nhu cầu chính đáng và đẹp đẽ của du khách khi họ đến với quê hương mình.
Không có một cái gì có thể tồn tại phân lập trong không gian và thời gian. Các vấn đề liên quan đến con người và xã hội lại càng có sự kết nối, đan bện chằng chịt nhưng hài hòa và nhịp nhàng, nếu được thiết kế và vận hành phù hợp với quy luật. Giáo sư Phan Đình Diệu viết, “toàn thể không phải là tổng gộp của các thành phần riêng lẻ, rời rạc, mà là một chỉnh thể thống nhất gồm các thành phần tương tác với nhau, chính qua các tương tác hữu cơ đó mà toàn thể có những thuộc tính hợp trội, đó là thuộc tính của toàn thể mà từng thành phần thành phần không thể có” (trích Một góc nhìn của trí thức, tập II, Nxb trẻ, TPHCM). Đây chính là tư duy hệ thống, một hiểu biết mới của nhân loại đã được áp dụng trong nghiên cứu khoa học lẫn xây dựng và quản lý xã hội nhiều chục năm qua, mà không một chính quyền nào nên cho mình cái quyền không biết đến. Tư duy cơ giới đã cáo chung, nếu vẫn còn giữ lối quản lý xã hội theo kiểu manh mún, cục bộ thì không những không tạo ra được những “thuộc tính văn hóa hợp trội” mà còn phá vỡ đi tính chỉnh thể hài hòa. Hậu quả sẽ không thể đong đếm hết được.
Hai chữ “Hội An” thật đẹp và giàu ý nghĩa. Di sản này cần được quản lý bởi một tư duy tổng thể, tư duy hệ thống, để neo giữ hồn người bản xứ, đồng thời sẽ là nơi thu hút khách, để từ đó “phân phối” cho các điểm đến khắp nơi trong tỉnh. Đừng chỉ nghĩ Hội An là Hội An – một phố nhà cũ dùng để bắt chẹt trí tò mò của khách vãng lai.