| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện kỳ lạ về người phụ nữ nghi bị UFO bắt cóc

Chủ Nhật 10/06/2018 , 13:15 (GMT+7)

Câu chuyện về người phụ nữ mang tên Linda Cortile bị vật thể ngoài hành tinh bắt cóc năm 1989 ở Mỹ đến giờ vẫn là đề tài gây tranh cãi dù được một chuyên gia điều tra UFO kể lại và có nhiều nhân chứng xác nhận.

Những sự vật, hiện tượng huyền bí hay câu chuyện về các sinh vật ngoài hành tinh bắt cóc con người từ lâu đã phân cực thế giới trong những ý kiến và kết luận trái chiều. Câu hỏi liệu có tồn tại sinh vật ngoài hành tinh hay những vật thể bay không xác định (UFO) đến từ bên ngoài vũ trụ hay không đến giờ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Vì sao có rất nhiều người khẳng định họ từng chạm trán sinh vật ngoài hành tinh nhưng bằng chứng về chúng lại vô cùng mơ hồ?

Câu chuyện dưới đây là về một phụ nữ tên Linda Cortile, người tuyên bố đã bị những sinh vật ngoài hành tinh màu xám bắt cóc từ căn hộ của bà ở Manhattan, Mỹ. Như hầu hết các trường hợp khác, những người hoài nghi cho rằng câu chuyện Cortile kể chỉ là hư cấu, bịa đặt. Tuy nhiên, cũng có không ít người tin lời bà, theo Historic Mysteries.

15-10-58_1
Linda Cortile. Ảnh: Real Unexplained Mysteries

Trong suốt cuộc đời mình, Bud Elliott Hopkins được mệnh danh là một trong những nhà điều tra UFO hàng đầu thế giới. Thay vì tìm hiểu những vụ chạm trán, bắt gặp UFO bất ngờ, ông lại dành tâm huyết cho các vụ bắt cóc được cho là do người ngoài hành tinh thực hiện. Ông đã cho ra đời nhiều cuốn sách về đề tài này. Hopkins cũng chính là người đã ghi lại câu chuyện của Linda Cortile, câu chuyện được đánh giá là lôi cuốn nhưng cũng gây tranh cãi nhất trong số các trường hợp nghi ngờ do sinh vật ngoài hành tinh bắt cóc.

Theo lời kể của Cortile, vào khoảng 3h sáng ngày 30/11/1989, bà dường như đã có một trải nghiệm kỳ lạ với những sinh vật ngoài hành tinh màu xám. Thời điểm đó, bà không thể nhớ toàn bộ các chi tiết mà với Cortile, chúng chỉ giống như những mảnh ghép rời rạc. Tuy nhiên, Cortile nhớ đủ để khẳng định rằng bà đã bay khỏi cửa sổ phòng ngủ của mình tại căn hộ trên tầng 12 và tiến vào một chiếc UFO lơ lửng giữa không trung.

Khi vào trong UFO, các sinh vật không rõ từ đâu đưa bà tới một căn phòng trông giống như phòng phẫu thuật. Tại đây, bà bị kiểm tra thân thể. Vì một số chi tiết trong sự kiện ban đầu Cortile không thể nhớ rõ, Hopkins đã phải sử dụng phương pháp thôi miên đối với bà. Kết hợp với ký ức ban đầu của Cortile, những mảnh ghép rời rạc bắt đầu được xếp lại với nhau thành bức tranh lớn hơn. Tuy nhiên, điều khiến vụ việc thực sự gây chú ý lại nằm ở những gì xảy ra một năm sau vụ bắt cóc.
 

Những nhân chứng

Hopkins đã có sự xác nhận từ hai nhân chứng quan trọng thông qua một bức thư được gửi qua đường bưu điện từ hai người đàn ông tên Richard và Dan. Dù bức thư trùng khớp với các chi tiết trong nội dung câu chuyện của Cortile, Hopkins vẫn tỏ ra nghi ngờ. Muốn biết thêm về họ, ông tiến hành kiểm tra lý lịch hai người. Hóa ra, họ là những vệ sĩ.

15-10-58_2
Bud Elliott Hopkins. Ảnh: New York Times

Vào đêm 30/11/1989, họ có nhiệm vụ phải bảo vệ cho một yếu nhân. Ba người đang cùng ngồi trên chiếc xe limousine đi qua cầu Brooklyn thì bất ngờ nhìn thấy một cảnh tượng gây sốc. Cả hai người vệ sĩ đều khăng khăng nói rằng họ trông thấy một phụ nữ lơ lửng giữa không trung và được đưa từ từ lên một vật thể bay trên bầu trời. Không tin vào mắt mình, cả ba đuổi theo người phụ nữ. Tuy nhiên, nó lao vút về phía Sông Đông và biến mất dưới làn nước.
 

Rối loạn tâm trí

Dù chuyện gì đã xảy ra vào đêm tháng 11 đó, nó đã tác động đáng kể tới Cortile và cả hai người vệ sĩ. Hai người đàn ông bắt đầu cho thấy những triệu chứng bất ổn tâm thần. Dan tự cho rằng Cortile có sức mạnh siêu nhiên hoặc khả năng đặc biệt gây ảnh hưởng lên người khác. Nỗi ám ảnh của Dan đối với Cortile mạnh đến nỗi ông thậm chí còn bám theo rình mò bà. Mọi thứ trở nên nghiêm trọng vào ngày 29/4/1991 khi Dan và Richard quyết định bắt cóc Cortile. Họ nhốt bà trong một chiếc xe và thẩm vấn bà trong vài tiếng, giữa ban ngày.

15-10-58_3
Linda Cortile khẳng định mình bị người ngoài hành tinh bắt cóc và đưa vào bên trong UFO. Ảnh minh họa: UFO Insight

Dan không thể chấp nhận những lời chối bỏ của Cortile về vụ bắt cóc đầu tiên liên quan đến UFO. Bà càng phủ nhận, Dan càng tức giận. 6 tháng sau cuộc bắt cóc thứ hai, Cortile bị bắt cóc lần ba bởi Dan. Ông ta đưa bà tới một ngôi nhà ở Long Island và bắt bà mặc bộ quần áo ngủ giống với bộ mà Cortile mặc vào hôm họ thấy bà bay lơ lửng giữa không trung.

Một ngày nọ, Cortile tìm cách trốn chạy nhưng bị Dan đuổi kịp tới bãi biển. Dan liên tục dìm đầu Cortile xuống biển trước khi Richard xuất hiện và cứu bà khỏi tay Dan. Richard đưa Cortile về nhà. Một tháng sau, Richard đến trước cửa nhà Cortile. Ông kể vời bà về việc những hành vi ám ảnh của Dan ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát, thậm chí ông ta đã phải vào bệnh viện tâm thần.

Trong lúc những chuyện trên xảy ra thì Budd Hopkins lại nhân được email khác. Lần này, nó đến từ một phụ nữ tên Janet Trimble. Bà tiết lộ rằng mình cũng đã có mặt ở cầu Brooklyn vào thời điểm Cortile bị bắt cóc lần đầu tiên. Trimple, nhân viên trực điện thoại đã về hưu, cho rằng những gì diễn ra đêm đó chỉ là cảnh trong một bộ phim viễn tưởng. Với thông tin từ 4 nhân chứng, Hopkins quyết định công bố sự việc.

15-10-58_4
Khu căn hộ nơi các nhân chứng nói nhìn thấy Cortile lơ lửng bay trên không trung và bị hút vào UFO. Ảnh: Real Unexplained Mysteries

Năm 2003, Linda Cortile đồng ý tham gia cuộc phỏng vấn với tạp chí La Gazette Fortéenne của Pháp. Tại cuộc phỏng vấn, bà tiết lộ thêm nhiều chi tiết liên quan tới câu chuyện ban đầu. Đáng lưu ý hơn cả là thông tin về một nhân chứng giấu tên mới. Người này là tài xế xe tải cho báo New York Post và có góc nhìn rõ ràng nhất trong số các nhân chứng trên cầu Brooklyn.

Ngày nay, trang web Linda Cortile Case tuyên bố có tổng cộng 23 nhân chứng đã chứng kiến toàn bộ vụ bắt cóc ở Manhattan năm 1989. Tuy nhiên, những người hoài nghi đã chỉ ra vài lỗ hổng trong câu chuyện Cortile kể. Căn hộ Cortile sống nằm khá gần cảng bốc dỡ hàng hóa của New York Post. Vậy nhưng đêm đó, không có công nhân nào báo cáo về việc họ gặp phải những sự việc kỳ lạ.

Gần ba thập kỷ đã trôi qua và vụ bắt cóc bí ẩn ở Manhattan đến giờ vẫn gây xáo động. Điều gì đã xảy ra với Linda Cortile, nếu có, quả thực là một bí ẩn gây tranh cãi.

15-10-58_5
Cầu Brooklyn. Ảnh: VinePair

 

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm