Mới là mới, cũ là cũ, chuyện rõ như ban ngày, như hai mặt đối lập, như mặt trời và mặt trăng, có cái này thì không có cái kia, tưởng không có chuyện gì đáng nói, đáng bàn, đáng viết.
Hình như là vậy mà ngẫm kỹ lại cũng không hẳn là vậy. Thôi thì tản mạn vài dòng để chia sẻ suy nghĩ về một quyết sách đang được thực hiện trong cả nước:“Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Có ai đó cho rằng, nếu đô thị là nơi thể hiện, tương quan trình độ phát triển kinh tế - xã hội, văn minh của đất nước này với đất nước khác, thì nông thôn là nơi lưu giữ, bảo tồn bao giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá độc đáo, đặc trưng, đa dạng giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Mà như nhiều người đã đúc kết, “văn hóa là điều còn lại khi người ta quên hết tất cả, là điều vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”. Còn văn hoá là còn tất cả, mất văn hoá là mất gốc gác, nguồn cội. Suy rộng ra, những giá trị truyền thống lịch sử dân tộc vẫn luôn ẩn chứa, trầm mặc lưu dấu trong những nếp nhà, không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn.
Văn hoá ở đô thị có sự giao thoa nhất định do sự đón nhận nhiều cộng đồng người từ nhiều địa phương, và cả các dân tộc khác nhau cùng về hội tụ.
Trong khi đó, văn hoá làng xã hình thành đồng thời và song hành với công cuộc di dân, định hình không gian sống và sản xuất của một cộng đồng người.
Trải qua bao ngược xuôi, thăng trầm, văn hoá làng xã đã cố kết con người lại với nhau để đối mặt và lướt qua rừng thiêng nước độc, thiên tai dịch hoạ, sóng to bão lớn, kiên cường đứng vững trước kẻ thù chực chờ xâm lấn. Văn hoá làng xã làm nên con người biết yêu thiên nhiên, yêu thương con người, yêu cuộc sống, cần cù lao động, ham học hỏi,…
Dân tộc mình khởi phát từ cái nôi văn minh sông Hồng, tiến dần vào miền Trung cát trắng rồi tiếp tục xuôi về phương Nam hoang sơ phì nhiêu. Mỗi vùng mỗi khác, mỗi miền mỗi khác. Huyền tích “50 con lên rừng, 50 con xuống biển”, tạo ra thế “lưng tựa vào Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra biển Đông bốn mùa sóng vỗ”.
Mỗi vùng đất có điều kiện thiên nhiên khác nhau, thổ nhưỡng khác nhau, thời tiết khác nhau, nên cách thức hình thành diện mạo làng xã cũng khác nhau. Làng xã miền Bắc khác miền Trung, lại khác với miền Nam. Thôn bản miền núi khác với xóm làng miền xuôi.
Nhà cửa khác nhau, nơi nhà sàn nơi nhà trệt, nơi nhà dài nơi nhà ngắn. Kiểu nhà cũng khác nhau. Không gian ở cũng khác nhau. Nơi thì ở quần tụ trong luỹ tre làng, lấy “cây đa, bến nước, sân đình” làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Nơi thì ở trải dài quanh co theo kênh rạch. Nơi lấy nhà làng làm biểu trưng cho sinh hoạt văn hoá, nơi tiếng cồng chiên, tiếng trống, những điệu múa quy tụ bản làng.
Dù không gian sống làng xã, thôn bản khác nhau nhưng nhắc đến nông thôn là nhớ đến một điều gì đó gần gũi, nhớ đến màu xanh của thiên nhiên, luỹ tre làng, giàn bầu giàn mướp, hàng cau thẳng vút. Nông thôn truyền thống làm dịu mát hồn người nhờ màu xanh của cây trái, hoa cỏ, người quê lớn lên trong cuộc sống chan hoà tình nghĩa xóm làng. “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”, đơn giản vậy thôi mà tình cảm, thân thương lắm.
Khi cuộc sống thay đổi, nhu cầu người làng quê ngày một nâng lên. Đường làng ngõ xóm rộng rãi thông thoáng từ trong làng ra đến ruộng đồng để giao lưu thuận tiện hơn. Cầu nông thôn kiên cố thay thế“cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”.
Ánh sáng từ những bòng đèn điện thay cho những ngọn đèn dầu le lói. Nước cấp hợp vệ sinh thay cho nước lấy từ ao làng. Thiết bị viễn thông có mặt từ đầu làng đến cuối làng. Làng quê thay đổi từng ngày, nhưng cần lường trước sự đổi khác phá vỡ cấu trúc truyền thống, vốn là giá trị tinh thần nuôi dưỡng bao thế hệ người làng.
Nhiều cán bộ xã hay khoe, làng tôi giờ không khác gì đô thị đâu nghen. Nghe qua thì thấy vui vui vì diện mạo nông thôn thay đổi kéo theo mức sống người làng quê cũng thay đổi. Nhưng ngẫm lại nếu nông thôn cũng giống như đô thị thì còn gì là bản sắc làng quê, nơi được gọi là “quê cha đất tổ”, là cội nguồn của mỗi người.
Cuộc sống vận động không ngừng, có những cái cũ không còn phù hợp thì sẽ mờ dần đi hoặc bị mai một dần, nhạt nhoà dần, nhường chỗ cho cái văn minh, tiến bộ. Nhưng, giá trị tinh thần, hồn quê hồn hậu, vẫn giữ được mãi từ thế hệ này đến thế hệ khác?
“Về đây người quê chỉ có tấm lòng”, tấm lòng người quê rộng mở chứ không khép kín trong bốn bức tường nặng nề để rồi “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”.
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới được cụ thể hoá bằng những tiêu chí, nhưng các tiêu chỉ thường nghiêng về những điều hữu hình có thể lượng hoá được: hạ tầng, môi trường, thu nhập,...; còn những tiêu chí vô hình ẩn chứa đằng trong thì đôi khi ít được quan tâm chăm chút.
Nông thôn cần nhiều cái mới nhưng cũng đừng quên đi hay thiếu chăm chút những giá trị tinh thần, truyền thống tốt đẹp, được gửi trao, kế thừa, tiếp nối qua bao đời. Phải “tạo cốt” nhưng biết cách“giữ hồn”.
“Cái mới” và “cái cũ” có thể hoà quyện vào nhau. Thu nhập người nông dân được tăng cao là mục tiêu hướng tới, nhưng tri thức của người nông dân được nâng lên lại càng quan trọng hơn, có tính chiến lược trong tương lai hơn. Nền kinh tế tri thức, nền nông nghiệp thông minh cần đội ngũ nông dân thông minh, chịu khó mày mò, tiếp cận những tri thức, kỹ thuật mới. Vẹn nguyên những giá trị tinh thần, nét đẹp hồn hậu đồng quê, người nông dân tự làm mới mình với phương cách canh tác, sản xuất chuyên nghiệp, xanh sạch, thân thiện với môi trường, nghĩ đến nhu cầu và sức khoẻ của người tiêu dùng. Song hành cùng tinh thần cố kết cộng đồng nông thôn là sự cởi mở đón nhận nếp sống hiện đại, văn minh, cấp tiến, không trông chờ, ỷ lại, không trách phận, than thân, không đổ lỗi cho nghịch cảnh. Người nông dân dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng thích ứng nhanh với sự thay đổi. Điều đó cần được lồng ghép khéo léo, phù hợp vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chứ không thể là đô thị hoá nông thôn một cách nặng nề, khô cứng.