| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện nguồn nước, thích ứng thiên tai vùng châu thổ Cửu Long

Chủ Nhật 15/10/2023 , 08:01 (GMT+7)

ĐBSCL Hơn 300 năm, cư dân châu thổ Cửu Long biến vùng đất ngập nước hoang vu thành cánh đồng lúa phì nhiêu, vườn cây trĩu quả, hình thành nền văn minh sông nước độc đáo.

Đó là lời mở đầu cho câu chuyên "Nước, con người và quản trị vùng châu thổ sông Cửu Long" của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ về câu chuyện 'Nước, con người và quản trị vùng châu thổ sông Cửu Long'. Ảnh: Kim Anh.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ về câu chuyện "Nước, con người và quản trị vùng châu thổ sông Cửu Long". Ảnh: Kim Anh.

Chuyện xưa - quản trị nước vùng châu thổ Cửu Long

Sinh ra ở miền Trung, năm 1972, PGS.TS Lê Anh Tuấn chuyển vào sinh sống tại ĐBSCL. Thời điểm ấy, ông đi theo các ghe thương hồ, buôn bán nơi này đến nơi kia khắp đồng bằng. Hệ thống kênh rạch thông thương nối liền các địa phương với nhau. Cũng chính thời điểm này, đồng bằng trong giai đoạn phát triển nông nghiệp dồi dào.

Tiếp nối câu chuyện, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết người Việt Nam có mặt ở ĐBSCL từ khoảng những năm 1630. Chủ yếu là người dân vùng Ngũ Quảng miền Trung, nghĩa là 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Người dân định cư ở châu thổ Cửu Long và dần thích nghi với điều kiện sông nước, ghe xuồng là phương tiện chính. Bà con di chuyển theo con nước thủy triều, nước xuôi chèo ghe đi, nước ngược lại dừng lại trao đổi buôn bán. Từ đây đã hình thành văn minh trên bến dưới thuyền. Thiên nhiên đã tạo nên đặc điểm hành chính cho ĐBSCL. Người dân sống dọc các con sông, kênh để đi lại, mua bán và lấy nước được dễ dàng, các chợ nổi cũng được thành lập từ đây.

Người dân Châu thổ Cửu Long thích nghi với điều kiện sông nước, ghe xuồng, hình thành văn minh trên bến dưới thuyền. Ảnh: Kim Anh.

Người dân Châu thổ Cửu Long thích nghi với điều kiện sông nước, ghe xuồng, hình thành văn minh trên bến dưới thuyền. Ảnh: Kim Anh.

PGS.TS Lê Anh Tuấn lựa chọn ĐBSCL để định cư và phát triển bởi nơi đây hội tụ đủ các tài nguyên tự nhiên. Tài nguyên nước ở đồng bằng được đánh giá nhiều nhất trong tất cả nguồn nước ở các lưu vực sông tại Việt Nam. Đất đai màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp. Khí hậu ôn hòa, tuy đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu nhưng ông Tuấn đánh giá tài nguyên này vẫn còn rất tốt để khai thác. Hệ sinh vật rất đa dạng tạo ra sản vật dồi dào. Đặc biệt là "tài nguyên vị thế" so với các vùng khác.

Nhật ký ghi chép lại hành trình nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển vùng ĐBSCL của ông Tuấn chỉ ra, chuyện xưa đồng bằng là vùng biển. Phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về theo các trận lũ đã bồi lấp dần một phần đồng bằng. Phần còn lại đến từ những dấu hiệu tự dâng lên. Đến nay, vẫn còn những dấu vết về mặt địa chất cho thấy sự ra đời của đồng bằng.

Phù sa từ thượng nguồn chảy qua đất nước Campuchia và đổ về ĐBSCL, sau đó chia thành 2 nhánh chảy vào sông Tiền và sông Hậu. Nhờ lượng phù sa này đã góp phần hình thành vùng bán đảo Cà Mau và mỗi năm lại lấn dần ra biển.

Ngoài ra, những cánh rừng ngập mặn góp phần giữ lại lượng phù sa, giúp vùng bán đảo tránh khỏi những tác động của sóng biển. Loài cây tiên phong mọc lên trên vùng đất này là cây mắm với bộ rễ có khả năng giữ lại đất.

Theo sau là cây đước tiếp tục vươn ra giữ chặt đất. Song hành cùng những dãy mắm vươn ra biển, đước mọc lên, năng lượng sóng giảm, phù sa lắng lại, cây đước hoàn thành nhiệm vụ.

Sau đó, cây bần với đặc điểm có rễ nhô lên cao để giữ đất, loại cây này tiếp tục thực hiện sứ mạng làm cho nền đồng bằng dâng lên cao, nước mặn dần chuyển thành nước lợ.

Tuyến đường thủy trở thành hệ thống giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đường thủy trở thành hệ thống giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Từ đây, nhiều loại cây mới thích nghi với vùng nước lợ xuất hiện, nhất là dừa nước. Bám vào vùng nước lợ phát triển, dừa nước có khả năng giữ phù sa, tạo môi trường cho cá tôm phát triển. "Mắm trước đước sau, bần theo sát. Sau hàng dừa nước mái nhà ai", sự phát triển của các loại cây thích nghi với điều kiện đồng bằng, giúp vùng đất này đứng vững trước thiên tai và dần đi vào ca dao của người dân Nam Bộ. 

Dòng nước thay đổi

Trải qua quá trình nghiên cứu, PGS.TS Lê Anh Tuấn đánh giá, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lũ lớn về ĐBSCL giảm đi rất rõ, lũ thấp và trung bình tăng lên. Nguyên nhân một phần do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về thấp, một phần ảnh hưởng bởi yếu tố toàn cầu là hiện tượng El Nino.

"Cứ 4 năm sẽ gặp tình trạng này một lần vào năm 2016, 2020 và tiếp theo năm 2024 El Nino sẽ xuất hiện. Và theo quy luật, năm nào lũ thấp, đồng nghĩa năm kế tiếp sẽ khô hạn. Lũ thấp thì cá và phù sa ít, kéo theo hoạt động du lịch cũng suy giảm", chuyên gia Lê Anh Tuấn phân tích.

Hệ thống kênh rạch thông thương, nối liền các địa phương vùng châu thổ Cửu Long. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống kênh rạch thông thương, nối liền các địa phương vùng châu thổ Cửu Long. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài tăng cường các giải pháp thích ứng, tăng cường trữ nước cũng là biện pháp cần thiết được ông Tuấn đưa ra. Dù lũ thấp nhưng lượng nước ở ĐBSCL vẫn cao hơn so với một số vùng khác. Ông Tuấn cho rằng, với những vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm không nên mở rộng sản xuất, vùng nào không thuận lợi nên trở lại sản xuất 2 vụ lúa/năm, tận dụng 1 vụ còn lại để trữ nước.

Với vùng ven biển, địa phương cũng như bà con nông dân nên nạo vét khu đất ngập nước để trữ nước, kết hợp các biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất.

Ngoài ra, từ nay đến hết tháng 11/2023, ĐBSCL sẽ bước vào cuối mùa mưa, khả năng xảy ra những trận mưa rất lớn. Các địa phương cần nắm bắt quy luật này, khuyến cáo bà con nông dân tận dụng trữ nước. Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp cũng cần đảm bảo hài hòa, đa dạng hóa canh tác, điển hình như mô hình lúa - tôm.

Riêng đối với vấn đề sạt lở đang hiện hữu và có những tác động lớn đối với ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn phân tích, sạt lở diễn ra quanh năm, nhiều nhất là giai đoạn cuối mùa khô đến mùa mưa. Nguyên nhân đến từ việc thiếu phù sa bồi đắp, quản lý khai thác nước ngầm và tài nguyên cát chưa tốt. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như xây dựng nhà cặp bờ sông nhiều hơn khiến nền địa chất yếu, tàu thuyền chạy với tốc độ cao...

Chuyên gia đánh giá, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lũ lớn về ĐBSCL giảm đi, lũ thấp và trung bình tăng lên. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia đánh giá, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lũ lớn về ĐBSCL giảm đi, lũ thấp và trung bình tăng lên. Ảnh: Kim Anh.

Quan điểm của ông Tuấn, đường cao tốc cần nhu cầu cát rất lớn, phải nghĩ tới vấn đề làm cầu cạn, đường trên cao, để tiết kiệm cát. Trong xây dựng cần xem xét sử dụng các loại vật liệu thay thế. Mỗi cách làm sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng ông Tuấn nhấn mạnh phải đi theo những hướng này, giải quyết căn cơ bằng pháp luật để ĐBSCL đủ sức vượt qua những tác động của thiên tai.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.