Dự báo đến năm 2050, để đáp ứng các nhu cầu của nhân loại trong tương lai, như sản lượng lương thực, chất xơ và thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu (tăng 50% so với năm 2012) thì cần bổ sung thêm 35% nguồn nước.
Tuy nhiên nguồn tài nguyên nước ngọt bị suy giảm ở tất cả các khu vực trên thế giới trong 30 năm qua, trong khi chất lượng cũng như nguồn nước sẵn có trên toàn cầu đang xuống cấp ở mức báo động. Những thách thức về an ninh nguồn nước như hạn hán và lũ lụt đang gia tăng do biến đổi khí hậu và đang đặt các nguồn tài nguyên nước của hành tinh vào tình trạng ngày càng căng thẳng.
Nguyên nhân là việc quản lý tài nguyên nước yếu kém, kết hợp với ô nhiễm đã làm gia tăng căng thẳng về nước và suy thoái các hệ sinh thái liên quan đến nước, dẫn đến tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, các hoạt động kinh tế, nguồn cung cấp lương thực và năng lượng, đồng thời làm suy giảm đa dạng sinh học thủy sinh.
Nhân ngày Nước Thế giới năm nay (22/3), cảnh báo về một trong những thách thức toàn cầu cấp bách nhất mà nhân loại đang phải đối mặt là “khan hiếm nước”, giám đốc Bộ phận Đất đai và Nước của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), ông Li Lifeng cho biết: Tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và gia tăng dân số toàn cầu, dẫn đến sự cạnh tranh, xung đột gay gắt để giành lấy nguồn tài nguyên sẵn có ngày càng cạn kiệt và thất thường.
Biến đổi khí hậu dẫn đến các mô hình mưa không thể đoán trước với các biểu hiện cực đoan hoặc đỉnh điểm mới trong hạn hán và lũ lụt, gây khó khăn cho việc vận dụng các quy hoạch tài nguyên nước truyền thống để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng.
Theo các chuyên gia, chính vì “nước là (chìa khóa của) sự sống” và nước đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả kinh tế, tính bền vững của môi trường và công bằng xã hội, nên cần phải thực hiện các hành động cần thiết một cách cấp bách. Và điều này cần được thực hiện tốt nhất theo cách phối hợp và hợp tác.
Tình trạng khan hiếm nước ảnh hưởng đến nông nghiệp và an ninh lương thực ở mức độ nào?
Nước là yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp – các loại cây trồng khác nhau có nhu cầu nước khác nhau để tăng trưởng tối ưu. Và nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong phương trình nước, vì nó chịu trách nhiệm cho khoảng 70% lượng nước ngọt bị rút đi.
Khan hiếm nước có nghĩa là ngày càng ít nước hơn cho sản xuất nông nghiệp, do đó có nghĩa là sẽ ít lương thực hơn, đe dọa an ninh lương thực và dinh dưỡng. Đặc biệt là khi dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9 tỷ người vào năm 2050, rõ ràng tình trạng khan hiếm nước sẽ là mối đe dọa thực sự đối với an ninh lương thực vì loài người sẽ phải trồng trọt nhiều hơn với nguồn nước hạn chế.
Nhận diện các loại khan hiếm nước
Thông thường, các quốc gia hay gặp phải tình trạng khan hiếm nước vật lý hoặc khan hiếm nước kinh tế. Khan hiếm nước vật lý là khi nhu cầu về nước vượt quá nguồn nước sẵn có tự nhiên trong vùng nhất định, dưới dạng nước mặt hoặc nước ngầm, với một chế độ mưa nhất định. Còn tình trạng khan hiếm nước kinh tế thường xảy ra ở những vùng, mặc dù có nguồn nước dồi dào nhưng không có cơ sở hạ tầng đầy đủ để cung cấp nước đáp ứng các nhu cầu khác nhau, như điện, công nghiệp và hầm mỏ, cấp nước sinh hoạt và nông nghiệp.
Do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lượng mưa theo mùa, các quốc gia vốn chỉ dựa vào nông nghiệp nhờ nước mưa giờ đây đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước cục bộ do lượng mưa bất thường làm gián đoạn lịch thời vụ thông thường, gây ra tình trạng mất mùa và dẫn đến mất an ninh lương thực. Điều này có nghĩa là phải nhất thiết tìm cách lưu trữ nước để tưới bổ sung, bù đắp cho sự thiếu hụt ngày càng tăng trong nhu cầu nước của cây trồng do lượng mưa thất thường hoặc không thể đoán trước.
Để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi các phương pháp mới như cây trồng chịu hạn hoặc xen canh với cây che phủ, chẳng hạn như một số loại cây họ đậu sẽ kéo dài độ ẩm của đất để cây lương thực mục tiêu (ví dụ như ngô) tiếp tục phát triển khi lượng mưa đã chấm dứt.