| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện ở Phú Thọ

Thứ Tư 27/04/2011 , 11:10 (GMT+7)

Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN- PTNT Phú Thọ có nhiều quan điểm giống các đồng nghiệp của Vĩnh Phúc khi lý giải về cái sự khó chuyển đổi từ lúa sang màu.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN- PTNT Phú Thọ có nhiều quan điểm giống các đồng nghiệp của Vĩnh Phúc khi lý giải về cái sự khó chuyển đổi từ lúa sang màu.

>> Gieo neo chuyển lúa sang màu

Anh Sơn nói: “Khó do địa hình đầu vụ hạn giữa vụ úng khiến cây màu hỏng, thất thu. Khó do diện tích đất lúa thường xuyên hạn chỉ manh mún, nhỏ lẻ không chuyển sang tập trung để làm màu được. Khó do tâm lý, tập quán của bà con vẫn thích trồng lúa hơn màu”. Năm hạn điển hình 2010 với 11.500 ha thiếu nước đầu vụ, Phú Thọ dự kiến diện tích không cấy được là 3.100 ha trong đó định chuyển sang màu 2.700 ha mà rốt cuộc chỉ thực hiện được khoảng 1.000 ha.

Tình trạng xôi đỗ lúa màu khiến cho việc tưới dưỡng cả lúa lẫn màu đều nan giải, thậm chí ảnh hưởng lẫn nhau bởi nhu cầu nước mỗi loại cây trồng một khác. Phú Thọ có diện tích 36.000 ha lúa vụ xuân tương đối ổn định, chỉ năm nào điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó lấy nước mới tính đến chuyện chuyển đổi còn năm nay nước nôi thuận lợi, toàn tỉnh cấy được 35.895 ha, cơ bản kế hoạch chuyển màu của địa phương lại “về mo”.

Về Thanh Ba, một trong bốn trọng điểm hạn của tỉnh, tôi được chị Nguyễn Thị Phương Hạnh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện kể lại rằng bình thường hạn chỉ ở vụ xuân nhưng năm 2010 hạn gay gắt cả hai vụ với diện tích 1.200 ha vụ xuân, vụ mùa nước ngầm tụt xuống sâu ảnh hưởng tới 1.100 ha. Ngoài 700 ha có thể khắc phục bằng bơm tát các kiểu, có thể cứu vãn được, chỗ còn lại huyện xác định sẽ chuyển đổi với định hướng đậu tương, ngô, lạc, rau, ở những chân đồi tính đến cả phương án chuyển sang trồng chè.

Trong diện tích thường xuyên khô hạn trên, Thanh Ba xác định khoảng 200 ha chuyển sang màu ăn chắc. Nhưng chuyển đổi lúa sang màu như công phá thành trì với nhiều tầng, nhiều lớp như tâm lý của dân, điều kiện thời tiết, thị trường… nên mỗi vụ chỉ chuyển đổi được chừng 150 ha. “Sợ nhất là sau xuân có những đợt “mưa vàng, mưa bạc” dù chỉ đủ xâm xấp nước mặt ruộng nhưng dân đã gieo vãi, cấy ào ạt. Một tháng sau lại hạn trắng đồng. Năm nào mưa đúng thời điểm gieo trồng, ruộng có nước thì tan tành giấc mộng chuyển đổi. Nói qua, phải nói lại rằng diện tích trồng màu dạng chuyển đổi từ đất lúa thường manh mún nên khó canh tác. Hơn thế, trồng ngô ở vụ xuân năng suất kém, đậu tương xuân áp lực sâu bệnh nhiều, hiệu quả chẳng thể bằng đậu tương đông nên dù tỉnh có cho không giống dân vẫn không mặn mà là mấy”.

Anh Đỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch xã Yên Nội thổ lộ rằng dù địa phương đã ra nghị quyết triển khai việc chuyển đổi, chỉ định rõ năm 2010 chuyển cho được 10 ha nhưng rốt cục chỉ được 4 ha. Đến vận động dân trồng ngô, họ bảo lấy lúa đâu mà ăn? Ăn bằng ngô à? Thế là đồng loạt không nhất trí dù diện tích đó cấy lúa cũng chỉ khoảng 80kg/sào… Chị Nguyễn Thị Hà thuộc khu 5, xã Yên Nội có trên 4 sào lúa, năm ngoái chỉ thu ngót 3 tạ bảo mình còn may hơn nhiều hộ khác thuộc cùng khu đồng khi trung bình năng suất chỉ được 50 kg/sào, thậm chí có nhà không có thu hoạch. Vậy mà những nông dân này vẫn lắc đầu với cây màu, dù khu đồng Thạch này rất cao, đảm bảo không bao giờ lo ngập úng khi mùa mưa tới.

 Ngược lại với Yên Nội là Đông Thành. Anh Nguyễn Quyết Chiến - Phó Chủ tịch xã Đông Thành bảo địa phương mình vốn có “truyền thống” hạn hán, lại chẳng có công trình thủy lợi nào vươn tay tới, bị dồn vào chân tường rồi nên buộc phải chuyển đổi. Thêm vào đó, cây lạc được chọn là một cây chuyển đổi chủ lực cũng rất quen thuộc, phù hợp nhiều năm trên đất này. Ngay từ đầu vụ, cán bộ Đông Thành đi kiểm tra hồ đập của xã, tính toán lượng nước còn lại rồi xây dựng kế hoạch chuyển đổi sát với thực tế để chỉ đạo các khu thực hiện. Chi bộ nào làm tốt khen thưởng, chi bộ nào không đạt kế hoạch bị “gọt gáy” ngay. Vụ xuân 2011 Đông Thành trồng được 200 ha lạc trong đó chuyển đổi từ lúa sang lạc được 80 ha. Với năng suất 18 tạ/ha, bình quân 70-80kg/sào, lạc vỏ bán giá trên 30.000đ/kg, hiệu quả hơn nhiều lần so trồng lúa. 

Quy hoạch chuyển đổi chưa tốt

Cục trưởng Cục Trồng Trọt, ông Nguyễn Trí Ngọc: Chuyển đổi lúa sang màu là chuyện cũ nhưng luôn thời sự. Chuyển đổi đất lúa ở những nơi không chủ động thủy lợi, hạn hán sang cây trồng cạn vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa tiết kiệm nước lại không bỏ phí đất. Chủ trương này được các địa phương hưởng ứng cao nhưng kết quả rất hạn chế.

Theo tôi, trước hết là do tập quán thích trồng lúa để đảm bảo lương thực cho gia đình.

 Thứ hai là do lao động nông thôn giờ đi làm ngoài thành thị nhiều bởi thu nhập cao hơn, ở quê giờ toàn phụ nữ và người già. Làm màu đòi hòi nhiều công sức, đầu tư lớn hơn so với trồng lúa nên dân không muốn.

 Thứ ba là sản xuất cây màu phải gắn với thị trường. Diện tích manh mún, khó tiêu thụ đã đành mà bảo quản sản phẩm hoa màu cũng khó hơn nhiều so với thóc.

Thứ tư là chỉ đạo chuyển đổi chưa quyết liệt, nặng về hô hào, hướng dẫn nhưng chế tài cụ thể cho việc thúc đẩy chuyển đổi chưa có. Chưa tạo vùng sản xuất để thuận lợi cho tưới tiêu đồng bộ, cho tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Lỗi này do công tác quy hoạch chưa đến nơi đến chốn. Chúng ta đã làm rất nhiều quy hoạch, ở tầm vĩ mô có quy hoạch tổng thể sử dụng đất nhưng hầu như chỉ chú ý đến việc chuyển đổi đất sang phi nông nghiệp nhiều hơn quy hoạch sản xuất. Chất lượng quy hoạch yếu kém vì không gắn với dự báo thị trường, với phát triển sản xuất. Chế tài thực hiện quy hoạch gần như không có, tư duy quy hoạch thì cũ kỹ.

Lý do cuối cùng dù cây lúa tốn nhiều nước hơn nhưng bởi miễn thủy lợi phí nên dân vẫn thích trồng lúa hơn màu. Một số người nhận định giá các loại cây màu như ngô, đậu, lạc hiện đang rất cao, nhu cầu cực lớn đang là một cơ hội để thúc đẩy việc chuyển đổi lúa sang màu nhưng thực ra giá ngô, đậu, lạc cao, rau màu cũng có thời điểm rất cao tuy nhiên giá lúa cũng cao nên không có động lực chuyển đổi mạnh. Hơn thế, bộ giống của chúng ta giờ khá phong phú nhưng vẫn hạn chế về loại chuyên dụng cho những vùng thổ nhưỡng khắc nghiệt…

Trên mảnh đất của mình, nông dân họ có quyền lựa chọn trồng cây gì nên ta chỉ tác động gián tiếp, định hướng mà thôi.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.