| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện thành công của Việt Nam truyền cảm hứng cho bạn bè quốc tế

Thứ Năm 04/01/2024 , 15:37 (GMT+7)

CẦN THƠ 'Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL' được các nhà khoa học quốc tế coi là nền tảng cho những hợp tác trong tương lai.

Sự kiện học tập của Dự án Xuất sắc trong Nông học tại Cần Thơ, Việt Nam (ngày 12-15/12/2023). Ảnh: Quỳnh Chi.

Sự kiện học tập của Dự án Xuất sắc trong Nông học tại Cần Thơ, Việt Nam (ngày 12-15/12/2023). Ảnh: Quỳnh Chi.

Lựa chọn Cần Thơ làm điểm hội tụ

Sáng kiến Xuất sắc về Nông học (EiA) được 15 viện nghiên cứu nông nghiệp quốc tế triển khai tại 6 khu vực trên thế giới. Đây là một trong những chương trình do Liên minh tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) khởi xướng nhằm giúp nông hộ nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu. EiA đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa các giải pháp nông học tới 20 triệu nông dân toàn cầu.

Lựa chọn TP Cần Thơ làm điểm đến của sự kiện gặp mặt năm 2023, đội ngũ quản lý EiA tin rằng, hơn 100 nhà khoa học nông nghiệp quốc tế sẽ được trực tiếp quan sát, trải nghiệm nét truyền thống của lúa gạo Việt Nam, cũng như những tiến bộ kỹ thuật của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều chuyên gia cảm nhận, nét độc đáo của quang cảnh nông nghiệp nơi đây là nhờ tập quán canh tác miền Đông Nam bộ không bị mất đi trong quá trình hiện đại hóa.

Tìm hiểu thêm về sự phát triển ngành hàng lúa gạo nước ta, giới nghiên cứu càng ấn tượng khi được biết, chỉ trong ba thập kỷ, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu gạo, đến nay đã vươn lên vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. 

Giám đốc phát triển của EiA, ông Mandla Nkomo chia sẻ: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nước bạn quả là phi thường! Chúng tôi tò mò về chặng đường ngành lúa gạo Việt Nam đi đến thành công hôm nay. Liệu phương pháp nước bạn áp dụng có thể được nhân rộng ở các khu vực khác trên thế giới? Những thách thức hiện tại là gì và làm thế nào những thách thức này có thể trở thành cầu nối giữa Việt Nam với thế giới? Trên hết, chúng tôi đến đây để học hỏi, tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm đưa ra giải pháp cho các nền nông nghiệp trên thế giới”.

Ông Mandla Nkomo (trái), Giám đốc phát triển của Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Mandla Nkomo (trái), Giám đốc phát triển của Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học. Ảnh: Quỳnh Chi.

Giám đốc Nkomo là người Zimbabwe, hiện đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Nairobi, Kenya. Ở quê hương ông, nông dân trồng lúa nước trời nên kém hiệu quả, năng suất thấp. Thiếu hệ thống thủy lợi, người Zimbabwe lại càng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi chỉ có thể canh tác vào mùa mưa, từ tháng 12 đến tháng 3 của năm kế tiếp.

Khi biết rằng vùng ĐBSCL có thể trồng ba vụ lúa mỗi năm, ông Nkomo không khỏi bất ngờ. So sánh nền nông nghiệp giữa châu Phi và Việt Nam, Giám đốc nhận định, mặc dù hai khu vực đều đối mặt với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, công tác quản lý rủi ro là chìa khóa tạo sự khác biệt. “Zimbabwe cần cải thiện việc quản lý rủi ro. Châu Phi cần sự phối hợp từ Trung ương tới địa phương để giúp nông dân thích ứng với các thách thức hiện thời”, ông nói.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Sự kiện thường niên của EiA, Giám đốc Mandla kể thêm, đây là lần thứ hai ông tới thăm vùng ĐBSCL trong năm 2023. Chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 3, kéo dài khoảng 10 ngày, đã để lại trong lòng ông ấn tượng khó phai. 

Khi quay lại cơ quan tại Kenya, vị chuyên gia đã thuyết phục các đồng nghiệp tổ chức gặp mặt tại Việt Nam. Ông Nkomo tin rằng, trải nghiệm thực tế tại ĐBSCL sẽ giúp giới khoa học quốc tế nhìn nhận tính hiệu quả của ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, cũng như những tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong tương lai.

Các chuyên gia quốc tế học hỏi lẫn nhau, chia sẻ các dự án hoạt động ở 6 khu vực trên thế giới. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các chuyên gia quốc tế học hỏi lẫn nhau, chia sẻ các dự án hoạt động ở 6 khu vực trên thế giới. Ảnh: Quỳnh Chi.

Câu chuyện thành công của Việt Nam

Xuyên suốt ba ngày diễn ra Hội thảo thường niên EiA (từ 12-15/12), không ít lần các nhà khoa học đưa “Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” (gọi tắt là Chương trình) làm chủ đề thảo luận. Sở dĩ sáng kiến của Việt Nam là điểm khởi đầu của nhiều cuộc vấn đáp vì Chương trình điển hình cho sự đồng lòng từ Trung ương đến địa phương, giúp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ. 

Từ góc nhìn quốc tế, các chuyên gia cho rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các tác nhân trong và ngoài nước, đối tượng được hưởng lợi chính là người nông dân Việt Nam. 

Thêm nữa, Sáng kiến EiA đề cao nỗ lực của bộ máy quản lý trong nước. Một trong những thách thức của các nước châu Phi là không có nguồn vốn thống nhất; các dự án thường có vướng mắc về cơ chế đầu tư. Do đó, việc Ngân hàng Thế giới đồng hành cùng Chương trình ngay từ đầu cũng đã truyền cảm hứng giới khoa học quốc tế.

Giám đốc cấp cao Oscar Ortiz phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quỳnh Chi.

Giám đốc cấp cao Oscar Ortiz phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Oscar Ortiz, Giám đốc cấp cao lĩnh vực Hệ thống cây trồng của CGIAR bày tỏ: “Tôi xin chúc mừng Việt Nam và các đối tác đã chính thức khởi động Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là dự án quy mô lớn với mục tiêu cụ thể. Tôi đề xuất các bạn chia sẻ kinh nghiệm rộng rãi hơn với các quốc gia trong khu vực. Hành trình của các bạn là câu chuyện thành công, và tôi cảm ơn Việt Nam vì sự cởi mở trong những năm qua”.

Chuyên gia cấp cao người Peru khẳng định thêm, giới khoa học toàn cầu, thông qua các viện thành viên của CGIAR, sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam. Một trong những mục tiêu ưu tiên là hỗ trợ chính sách và phát triển khối tư nhân để các doanh nghiệp nông nghiệp có thể mang về lợi ích cho nông dân Việt Nam.

Với sự chủ động của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Giám đốc Ortiz tin tưởng rằng, các khu vực khác cũng có thể xây dựng lộ trình phát triển cây lương thực chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường theo cách tương tự. Như vậy, không quốc gia nào phải phụ thuộc vào một loại cây lương thực duy nhất, mà có thể tương hỗ lẫn nhau, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Đổi mới kỹ thuật canh tác lúa vùng ĐBSCL

Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), một trong 15 viện thành viên CGIAR, đã gửi các chuyên gia đến vùng ĐBSCL để hỗ trợ cơ giới hóa quy trình canh tác lúa. Khoảng 4-5 năm trước, Việt Nam chưa có thiết bị phù hợp. CGIAR nỗ lực lấp đầy khoảng trống đó, đưa các công nghệ cần thiết tới Việt Nam. Sau đó, giới nghiên cứu quốc tế trao đổi sát sao với các nhà sản xuất trong nước để điều chỉnh công năng. Họ gọi đây là quá trình “bản địa hóa” thiết bị.

Quốc tế đồng tình với một điều mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nhiều lần tại các cuộc hội thảo, đó là “khoa học công nghệ phải vị nhân sinh”. Trải qua vài năm thử nghiệm thiết bị trong đồng ruộng, nhóm nghiên cứu luôn cẩn trọng. Mục tiêu hàng đầu của EiA là làm sao để quá trình chuyển đổi hệ thống canh tác phải khả thi về mặt tài chính cho nông dân Việt Nam.

Cục Trồng trọt cùng IRRI ra mắt Sổ tay hướng dẫn 'Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở ĐBSCL'. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cục Trồng trọt cùng IRRI ra mắt Sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở ĐBSCL". Ảnh: Quỳnh Chi.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, mô hình hoạt động của EiA nhấn mạnh sự hợp tác liên ngành, liên khu vực và quyền tự do tiếp cận kết quả nghiên cứu. Các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật, dữ liệu; khoa học xã hội, kinh tế, tài chính… Đội ngũ EiA phân tích sâu về tác động tài chính, xã hội của việc chuyển đổi. 

Khi tổng hợp tất cả nghiên cứu lại, nhóm khoa học quốc tế kết luận rằng, kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ có thể là "yếu tố thay đổi cuộc chơi". Sáng kiến này góp phần đổi mới ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện thường niên EiA, IRRI tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng với biến đổi khí hậu” vào ngày 14/12. Tại diễn đàn này, Bộ NN-PTNT đã thể hiện cam kết về xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững với bạn bè quốc tế.

Cũng nhân dịp này, Cục Trồng trọt ra mắt Sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở ĐBSCL”. Cuốn sách là kết quả của chặng đường nghiên cứu 2 năm nhờ tài trợ từ CGIAR và Sáng kiến “Sử dụng phân bón đúng” của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Đây sẽ là cẩm nang của nông dân vùng ĐBSCL những năm tiếp theo phục vụ cho Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.