| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 06/05/2020 , 05:35 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:35 - 06/05/2020

Câu hỏi về một phiên tòa giám đốc thẩm

Đây là một vụ án nổi tiếng, đã kéo dài đến nay là 13 năm.

Ngày 6/5/2020, bản án “giết người” xảy ra tại bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thanh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) được TANDTC đưa ra xét xử theo trình tự giám đốc thẩm. Phiên tòa sẽ kéo dài từ ngày 6-8/5/2020.

Đây là một vụ án nổi tiếng, đã kéo dài đến nay là 13 năm. Ngày 14/1/2008, 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi đã bị sát hại rất dã man ngay tại nơi làm việc. Chẳng bao lâu, nghi phạm Hồ Duy Hải bị bắt, và sau đó bị cả 2 cấp tòa kết án tử hình vì tội “giết người”.

Ngay sau bản án phúc thẩm, rất nhiều tờ báo và các luật sư đã lên tiếng, vạch rõ những sự vô lý trong cả 2 bản án, như vết máu được cho là máu của hung thủ để lại hiện trường không phải là máu của Hồ Duy Hải. Điều tra viên đã ra chợ mua một con dao để làm... tang vật của vụ án.

Nhân chứng khẳng định người mà anh ta nhìn thấy ở bưu điện Cầu Voi trước lúc xảy ra vụ án không phải là Hồ Duy Hải, nhưng tòa lại dùng chính lời khai đó để buộc tội anh ta...

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng đã hơn một lần có văn bản đề nghị xem xét lại vụ án. Trong năm 2011, cả Chánh án TANDTC lẫn Viện trưởng VKSNDTC đều có thông báo không kháng nghị bản án trên. Năm 2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân xá của tử tù Hồ Duy Hải.

Theo kế hoạch, thì ngày 5/12/2014, bản án tử hình của Hồ Duy Hải sẽ được thi hành. Nhưng bất ngờ, ngày 4/12/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhận được đơn kêu oan cho con của mẹ Hồ Duy Hải, và ông đã ra lệnh hoãn thi hành án để xem xét kỹ đơn, trước khi tước đoạt mạng sống của một con người. Từ đó, Hồ Duy Hải tiếp tục những ngày tháng đằng đẵng trong nhà ngục dành cho tử tù.

Phiên tòa giám đốc thẩm lần này, có thể nói, là được cả nước nín thở theo dõi. Nhưng, có hai câu hỏi được đặt ra.

Thứ nhất là năm 2011, với cương vị Viện trưởng VKSNDTC, ông Nguyễn Hòa Bình đã ký thông báo không kháng nghị đối với bản án tử hình của Hồ Duy Hải vì “hai cấp tòa đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Lần này, với cương vị Chánh án TANDTC, ông lại tự mình làm chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm bản án trên. Vậy thì việc xét xử có khách quan, vô tư không? Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì bị cáo có quyền yêu cầu thay thế HĐXX nếu có căn cứ cho rằng HĐXX không đảm bảo sẽ xét xử một cách khách quan, vô tư.

Cũng theo quy định, thì phiên tòa giám đốc thẩm không có mặt bị cáo. Vậy trong ngục, tử tù Hồ Duy Hải có được biết thành phần HĐXX để thực hiện quyền trên của mình không?

Thứ hai, là nếu Hồ Duy Hải oan thật, thì ông Nguyễn Hòa Bình có đủ dũng khí để vượt qua những lời khẳng định “hai cấp tòa đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật” của chính mình trong thông báo “không kháng nghị bản án” năm 2011 không?