Ngày 26/8, tại Quảng Bình, Bộ NN- PTNT tổ chức họp trực tuyến và trực tiếp với 28 tỉnh, thành phố ven biển bàn giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Quảng Bình.
Đến tháng 8/2023, Việt Nam có 86.130 tàu cá. Tổng số tàu cá đã đăng ký, nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishsbase) là 71.706 chiếc, còn 14.424 chiếc chưa đăng ký.
Diện tích nuôi trồng thủy sản tại các địa phương khoảng 1,16 triệu ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,85 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu ước đạt 4,95 tỷ USD.
Theo quy hoạch, Việt Nam tăng số cảng cá từ 125 như hiện tại lên 172 cảng cá trong tương lai, cùng với đó số lượng tàu cá giảm xuống còn khoàng 83.000 tàu. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và mục tiêu quản lý, truy xuất nguồn gốc được toàn bộ thủy sản khai thác và nuôi biển.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan định hướng, việc gỡ thẻ vàng IUU không phải mục tiêu duy nhất, mà mục tiêu cuối cùng là gìn giữ trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Vì vậy, các địa phương chú trọng chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đối với ngư dân khai thác gần bờ chuyển dần sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời tổ chức có hiệu quả các mô hình đồng quản lý biển.
“Chủ đề cuộc họp là bàn cấu trúc lại ngành thủy sản, chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển ngành thủy sản bền vững. Phải cấu trúc lại thành chiến lược ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản), để làm tốt nhiệm vụ chuyển từ khai thác sang nuôi trồng, Cục Thủy sản đã có đề án hỗ trợ ngư dân chuyển từ khai thác sang nuôi trồng.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho hay, hiện nay có 15 tỉnh đã thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương. Tuy nhiên, việc thành lập kiểm ngư địa phương vẫn còn vướng mắc về biên chế và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Các địa phương sớm kiện toàn và thành lập kiểm ngư địa phương. Đây cũng là lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm hành chính, đồng thời góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã bàn các giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản như: Chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho ngư dân. Chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng nhưng vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng. Công tác đồng quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển các khu bảo tồn biển nhằm mang lại giá trị kinh tế và giúp giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết liệt chống khai thác IUU, sớm gỡ "thẻ vàng'' IUU.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU, ngoài công cụ bằng pháp luật còn có sức mạnh cộng đồng và nguồn lực kinh tế.
Bộ trưởng cho rằng, cuộc họp bàn về câu chuyện cấu trúc lại ngành thủy sản chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững. Cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên hệ sinh thái gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản thì cảng cá rất quan trọng. Làm sao để kết nối được tất cả cảng cá với cảng chính, đầu tư để hiện đại hóa và mở rộng không gian cảng. Cảng cá không phải nơi tàu vào, lên xuống tàu mà là trung tâm cung cấp các dịch vụ đảm bảo và là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, giao lưu, học tập kinh nghiệm cho ngư dân.