| Hotline: 0983.970.780

Cậu Tư bán đất

Chủ Nhật 14/02/2021 , 07:10 (GMT+7)

Dằng dai suốt, cậu Tư rồi cũng chịu bán miếng đất ngoài mé sông. Mừng nhất là mợ Tư.

Mợ mừng là vì sắp tới khỏi phải vác cưa xách búa theo cậu đốn cây cặm ngoài mé, rào mê bồ lại rồi vợ chồng hì hục ngụp lặn moi từng tảng đất đắp vào cho bớt lở. Kế đến là mấy đứa con.

Thằng Kim Tiền, con Kim Cương mừng bởi sáng mùng một Tết năm nay khỏi phải thức sớm để theo đi cha thăm đất tổ - điệp khúc vang lên từ chiều ba mươi cho đến lúc giao thừa của cậu Tư.

Anh em nó còn đếm từng tờ lịch trên vách, cầu cho ngày trôi nhanh tới lúc người ta hứa chồng tiền cọc mua đất. Cậu Tư đã hứa, tới ngày đó sẽ mua cho mỗi đứa một chiếc xe đạp mới thay cho chiếc xe đạp hai anh em đi chung mấy năm nay đã dư xếp vào hàng phế liệu.

Miếng đất đó, dưới mười cây đừng hòng rớ! Câu này, cậu Tư nói với người đầu tiên đến coi đất, lâu rồi. Hồi đó vàng ba bốn trăm ngàn một chỉ.

Tính tròn chục cây thì cũng ba bốn trăm triệu cho năm công đất với hơn phân nửa đã là đất biền trồng toàn dừa nước. Phân nửa còn lại là đất vườn nhưng toàn cây tạp. Dừa cũng có vài mươi cây nhưng cao tới mức nhìn trật ót.

Tháng Chạp hàng năm, mợ cùng với hai đứa con đội nắng đi mót giáp vòng cũng chỉ đủ để nấu nồi chè tiễn ông táo về trời. Ngoài ra thì sót lại đôi ba gốc xoài, gốc mít của ông sơ thằng Kim Tiền con Kim Cương trồng, lần đậu trái gần nhất là vào năm nào cũng không ai còn nhớ. Cậu chưa nói xong tiếng rớ thì đã không nhìn thấy người coi đất ở đâu nữa, chỗ người ấy đứng chỉ còn lại một đám bụi mờ.  

Lần thứ hai, là khi biền dừa nước còn lưa thưa vài mươi bụi, lá đốn không đủ cất cái chuồng gà. Quãng đó, hết tàu tốc hành gắn máy xe đến tàu cao tốc thi nhau rượt đuổi bất tận đêm ngày. Sáng trưa chiều cậu Tư từ trong nhà ngó ra, thấy từng đoàn dừa nước xếp hàng trôi tuột ra hướng biển mà chép miệng phán như ngâm thơ: Tụi nó buồn đời bỏ xứ đi, vẫy một cọng lá chào vĩnh biệt cũng không thèm! 

Lần đó, cậu Tư cũng cứ bằng giọng điệu cũ mà rao chắc giá mười cây vàng hai mươi bốn. Xui cho cậu, gặp phải tay khách cộc cằn, trước khi hậm hực bỏ đi còn quăng lại câu: Cái thằng ba trợn! Phụ họa theo lời khách là một tảng đất đánh ùm xuống nước.

Cậu nhìn ra: Có thêm một cái vịnh nữa vừa hiện hình, mà lại vừa vặn ngay chỗ đất của mình. Khách đi không bao lâu thì cậu cũng dời nhà vào trong đê ngăn mặn cho có mùi người. Căn nhà thoi loi ở xóm cũ ngoài sông chịu dời đi sau cùng là nhà của cậu Tư. Cậu dời nhà đi không bao lâu thì gặp tháng mưa dầm, tới lượt cái nền nhà cũng bị sông nuốt trộng cùng với mớ gạch tàu lót nền còn chưa kịp gỡ hết miếng cuối.

Quá tam - ba bận, ông không xuống giá để người ta mua thì mẹ con tui cuốn gói đi khỏi nhà! Lần này, mợ Tư lẹ làng rao giá trước với cậu. Miếng đất năm công ban đầu giờ đã teo tóp lại còn chừng năm trăm mét vuông. Không còn mót được một cây cà bắp khô chớ đừng nói đến nguyên bụi dừa nước.

Chỗ lở sâu nhất cách khu mộ chỉ bằng bóng ngả ban chiều của cây dừa lão. Người thứ ba đến coi đất cách người thứ nhất cả quãng thời gian đằng đẵng chục năm dư vậy mà cứ ngỡ trong chớp mắt, cả một vạt sông chiều dài mấy mươi cây số như đã bị quỷ ma liếm sạch. Lần thứ ba, người mua chưa kịp hỏi giá cả ra sao thì cậu đã mở lời trước: Ông coi, giá cỡ bao nhiêu thì mới chịu mua cho tui. 

Nghe mấy lời thốt ra từ miệng cậu, mợ Tư thiếu điều trợn trắng. Khách trố mắt nhìn cậu Tư rồi đưa tay tự nhéo vào đùi mình, đau đến mức muốn nhảy dựng, để chắc chắn không phải đang ở trong cơn mơ. Buổi đó hình như cũng đã cuối chạng vạng rồi, đám muỗi no máu bám đầy mà cậu cũng không thèm đập, chỉ vuốt có một lần mà mặt cậu Tư đã sẫm lại.

Gió phất mùi máu từ phía cậu qua chỗ khách gây nên cảm giác rờn rợn. Chắc tại vậy nên ông khách cũng buột miệng: Tui mua gấp đôi giá thị trường, rằm tháng Chạp đặt cọc, giáp tết trả hết!  Mà giá thị trường là bao nhiêu, cả cậu lẫn cậu mợ đâu có biết, bởi từ trước tới giờ cậu mợ chưa từng bán được miếng đất nào.

Đến cả khách, e rằng cũng chỉ là cơn ngẫu hứng trong cuộc bán mua, ai dám chắc, từ nay đến tết cái vịnh trước mặt đã dịu cơn phàm ăn vô độ của mình.

Sau này, người ta sẽ còn bàn tán rất lâu về cuộc mua bán kỳ lạ ấy, kèm theo đồn đoán gần xa rằng: Nếu ông khách đó không giàu đến mức coi tiền như lá thì cũng thuộc dạng thần kinh có vấn đề cộng thêm việc bị kích thích bởi mùi máu muỗi cũng nên.

Khi cuộc thỏa thuận miệng vừa xong, mợ Tư như người đi trên mây. Mợ xé tờ lịch tháng Chạp, lấy cây viết của thằng Kim Tiền rồi bắt đầu viết. Nguyên tờ lịch mợ ghi kín mít với ba cái gạch đầu dòng được tô đậm tới mức sắp thủng ra phía sau giấy.

Gạch đầu dòng thứ nhất, mợ ghi:

Thí dụ, miếng đất của mình bề ngang mười mét, bề vô năm chục mét. Người ta trả gấp đôi giá thị trường là năm trăm triệu, vị chi mỗi mét ngang là năm chục triệu. Thì: Cất nhà mới, hết một trăm năm chục triệu, tính dự phòng thành hai trăm. Chuộc lại năm công ruộng hết một trăm năm chục. Trả nợ cho hai bên nội ngoại với hàng xóm láng giềng: chẵn một trăm. Để dành năm chục đóng mấy chưn hụi chết. Còn lại năm chục triệu thì mua vàng để dành.

Đây là gạch đầu dòng thứ hai:  

Thí dụ, giá thị trường là hai trăm rưỡi triệu. Thì: Xây nhà mới một trăm triệu thôi. Chuộc lại năm công ruộng hết một trăm rưỡi. Khỏi mua vàng.

Còn gạch đầu dòng thứ ba, mợ ghi nhưng lại gạch bỏ:

Người ta đổi ý không mua, chỉ thí dụ vậy thôi.

Mợ Tư vừa ghi xong, chưa kịp nhẩm lại thì thằng Kim Tiền đứng sau lưng đã la làng như cháy nhà, rằng: Còn xe đạp mới của tụi con nữa, cha hứa tết này mua rồi mà! Con Kim Cương là con gái nên nết na đằm thắm hơn thằng anh. Nó ra ngoài hè bưng mặt khóc tức tưởi: Khi không mẹ nói xui, lỡ người ta không mua thiệt thì tính sao? Với lại ở đoạn trên, làm gì còn năm chục mua vàng…

Đang tập trung tính toán, tự nhiên bị hai đứa con bất thần phản ứng, nhất là chuyện con Kim Cương phát giác ra ở cái thí dụ đầu tiên mà mợ tràn trề hy vọng nhất lại là một phép tính sai. Mợ Tư đổ giận.

Ngó sang, thấy cậu Tư ngồi trầm ngâm ở bàn trà nhìn xa xăm ra cửa, cơn giận trong mợ như hòn than bắt mồi gió, được dịp dậy lửa. Mợ đi thẳng tới chỗ cậu, dằn mạnh tờ giấy với cây viết xuống mặt bàn, nói cộc lốc: Đó, có giỏi thì tính đi!

Tách trà trên tay cậu Tư đưa lên gần chạm môi đã dừng lại. Không nhìn vào tờ lịch đầy chữ của mợ, cậu cũng không đặt tách trà xuống bàn mà xoay xoay nó trong mấy ngón tay. Mợ Tư ngay sau khi đặt tờ giấy với cây viết trước mặt cậu, đã te tái bước ra sau nhà nằm võng, gác tay lên trán chờ đợi.

Thằng Kim Tiền thì lôi chiếc xe đạp phế liệu ra, giả bộ rờ rẫm đoạn khung sườn nẹp tre mà cậu Tư mới quấn tạm bằng mớ dây cao su ruột xe hồi sáng; con Kim Cương vẫn chưa thôi cơn tức tưởi của nó ngoài hè.

Riêng cậu Tư vẫn không nói gì, tiếp tục chơi trò xoay tách trà giữa mấy ngón tay. Nếu có người bên ngoài để ý nhìn vào thì sẽ thấy, vô tình bốn người họ trở thành bốn điểm mà nối bốn điểm ấy lại sẽ tạo thành một hình tứ giác kỳ lạ với cái điểm – con Kim Cương bị rơi ra khỏi phạm vi ngôi nhà và diện tích của hình tứ giác ấy phủ đặc sệt những tiếng thở dồn, dài ngắn đủ kiểu.

Không một ai chịu nói thêm lời nào nữa.

Cậu Tư nghĩ, đợi thêm một chút thì cũng có lâu lắc gì.

Giờ cậu đang bận trôi về tận lúc mình mới chín mười tuổi, theo chân cha ra vườn bẻ dừa. Cha của cậu chỉ cần nhún mình, rướn chân vài cái là đã ngự tuốt trên ngọn để lựa buồng ngon nhứt rồi chặt phăng cuống, vòng dây chầm chậm thả xuống.

Có lần, cậu Tư bị một trái dừa chuột khoét rớt sượt qua vai mát rượi. Cha cậu xanh mặt, tuột một mạch từ đọt xuống đất để săm soi mình mẩy cậu coi có sao không, rồi hướng về khu mộ miệng lâm râm khấn: Tạ ơn trời phật, tổ tiên phù hộ! Trong lúc đó, cậu còn nhìn thấy ngực của cha đã chằng chịt vô số vết xước đang tươm máu.

Cậu còn bận trôi về giữa lúc xoài, mít trong vườn vào mùa rộ chín, thơm tận từng ngõ ngách trong nhà. Bà nội cậu chậm rãi đi đằng trước, đứa cháu dâu (mẹ của cậu) khệ nệ nách thúng đi phía sau. Bà nội chỉ trái nào, mẹ của cậu mới dám vói lồng tre mà hái. Lúc đi ngang khu mộ, bà nội còn thảnh thơi đứng lại tỉ mẩn nhổ mấy cọng cỏ chui trong kẽ nứt trên mộ ông bà cố với ông nội.

Bà nội còn thủng thẳng phủi phủi đám rêu khô cong cứng đầu không chịu rời khỏi mấy tấm bia. Cậu nghĩ, phải chi bà nội kêu mẹ cậu đặt cái thúng đã trì nặng những trái chín xuống đất đợi một chút thì sẽ không có chuyện buổi chiều cậu nhóng rễ mấy dây trầu của bà nội lên, thành ra cả mùa hạn năm đó bà nội mỗi lần thèm trầu phải chống gậy đi mượn láng giềng vài lá.

Cậu bận trôi, mà không, cậu đã đắm hẳn vào đâu đó giữa ngút ngàn dừa nước ngoài sông, chen chúc đến độ quanh năm không có lấy một bóng nắng. Chỗ tiếp giáp với mé sông, xa xa lại được trang điểm thêm bằng vài rặng bần, cội mắm…

Tới mùa, dân trong xóm còn chèo xuồng đi đâm cá dứa dập dềnh trôi phơi bụng trắng vì say trái mắm. Cậu lại trôi về cái buổi cậu cùng với anh chị em của mình đã dọn sạch mấy bụi dừa nước, chất bẹ dừa rồi phủ lá dừa thành một lớp dày để bày tiệc bên trên. Tiệc chỉ độc mỗi món cơm trái dừa nước, ăn từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau vẫn còn no tới cổ.

Cậu Tư sẽ chìm lút hơn nữa nếu không có tiếng chói tai của con vạc sành vang lên ngay bệ cửa chỗ cậu ngồi. Con vạc sành này ở miếng đất ngoài mé sông bay vô đây chớ đâu! Tự dưng cậu rùng mình nghĩ vậy.

Trong nhà, thằng Kim Tiền chưa thôi rờ rẫm chiếc xe đạp cũ; con Kim Cương sau hồi bị muỗi chích đã chịu chui vô mùng ngáy đều; mợ Tư cũng ngừng đưa võng mà leo lên giường quay mặt vô trong vách, nằm cong người như con tôm.

Chỉ cần liếc sơ qua, cậu dư biết mợ vẫn chưa ngủ cho tới khi nào có cánh tay của cậu đặt lòn bên dưới cổ mợ. Tới chừng đó cậu mới thủng thẳng nhấp từng chút nước trà đã nguội ngắt, cất giọng khàn khàn: Sao cũng được, miễn là nhớ chừa tiền dời mồ mả ông bà vô trong đê!

Trên giường, mợ Tư khẽ trở mình thở đều mà nước mắt chảy dọc xuống gối vì mợ thấy mình vừa mắc một lỗi lầm khó tha thứ, đáng ra, việc mà mợ chưa từng quên thì nên tính trước những việc khác. Vậy là, ở hai gạch đầu dòng đầu tiên, có cái thí dụ nào xảy ra thì cũng không còn tiền mua vàng để dành. Từ đó tới giờ, mợ đã có được dịp nào cầm vài phân vàng trong tay để biết cảm giác nặng nhẹ ra sao đâu. Thôi kệ, mợ Tư cũng quen rồi.

***

Sau này người ta mới bật ngửa, ông khách mua đất của cậu Tư chẳng mắc bệnh thần kinh hay bị kích thích bởi máu muỗi gì ráo trọi.

Chuyện nhiều tiền đến mức nào thì chẳng rõ nhưng khách chịu mua gấp đôi giá thị trường là vì muốn phóng tầm mắt không vướng víu khi nhìn từ phía sông lên mấy chục công đất ruộng nằm kề phía trong đê mà khách mua ngay sau tết.

Mấy chục công ruộng đó, khách dành một góc xây nhà cao ngất để nuôi yến; phần đất còn lại vẫn mênh mông, được xây tường bịt kín mít. Khách lại thuê xe cuốc đào miếng đất mua của cậu Tư thành một con kênh thẳng tắp ra sông để lấy nước mặn vô bên trong tường, qua miệng cống chôn sâu dưới thân đê.

Tới chừng dân tình phát giác thì mấy đám ruộng xung quanh đã cháy lá vàng hoe vì nước mặn nuôi tôm ngấm ra. Diễn biến tiếp theo thuộc về một câu chuyện khác, còn chuyện cậu Tư bán đất vào dịp giáp tết thì xin phép được kết thúc ở đây.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất