| Hotline: 0983.970.780

Cây có múi thế chân đất cằn

Thứ Ba 11/05/2021 , 15:51 (GMT+7)

Nhiều diện tích cây lương thực kém hiệu quả tại Phú Yên được chuyển mạnh sang trồng cây ăn quả, đặc biệt cây có múi thu nhập nhiều nơi 500 - 800 triệu đồng/ha.

Cây có múi lên ngôi

Những năm gần đây, nông dân nhiều nơi ở Phú Yên đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất cây lương thực ở những diện tích bấp bênh sang trồng cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam sành, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên cũng đã triển khai mô hình trồng thâm canh bưởi da xanh, cam sành du nhập từ miền Nam về trồng, chất lượng tốt, cung ứng giống để bà con nông dân mở rộng diện tích. 

Ông Nguyễn Thuận, một nông dân trồng cam sành, bưởi da xanh ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) cho hay: Trước đây ông trồng sắn và nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.

Vườn bưởi của nông dân xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh, Phú Yên) bước đầu cho hiệu quả rất cao trên chân đất chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả. Ảnh: Mạnh Hoài Nam. 

Vườn bưởi của nông dân xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh, Phú Yên) bước đầu cho hiệu quả rất cao trên chân đất chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả. Ảnh: Mạnh Hoài Nam. 

Năm 2017, ông quyết định đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ cam sành, bưởi da xanh. Khi mới đầu tư trồng các loại cây ăn quả này, do chưa nắm vững về kỹ thuật, gia đình ông còn gặp nhiều khó khăn vì mỗi năm cây ăn quả chỉ cho ra trái một lần nên việc nắm bắt thời điểm cho ra trái theo ý muốn là cả một quá trình học hỏi kinh nghiệm từ thực tế và áp dụng các phương pháp kỹ thuật khoa học.

Ông Thuận chia sẻ: Để đầu tư 1 ha trồng cây cam sành, bưởi da xanh, gia đình ông đã chi phí đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng cho các khoản mua cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Ông dùng phân hữu cơ và phân vô vơ để bón lót và bón thúc cho cây.

Giống cây ông chọn mua những cây khỏe, có nguồn gốc rõ ràng, không mầm bệnh từ các nhà vườn lớn ở Bến Tre nên cây phát triển rất tốt. Sau ba năm trồng, vườn cây ăn quả với diện tích gần 2 ha của gia đình đã cho thu hoạch, lứa đầu tiên thu hoạch được gần 15 tấn cam, với giá bán sỉ từ 16.000 - 20.000 đồng/kg tại vườn, thu được gần 200 triệu đồng.

Nhận thấy cây cam và cây bưởi cho thu nhập cao, đầu ra tương đối ổn định, ông đã đầu tư thêm vốn để khoan thêm giếng, lắp đặt hệ thống nước tự động để phát triển, mở rộng vườn cây ăn quả của gia đình. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Thuận không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương với thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Bưởi da xanh là cây trồng đã và đang chứng minh được sự phù hợp, cho hiệu quả rất cao tại nhiều nơi tại Phú Yên. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Bưởi da xanh là cây trồng đã và đang chứng minh được sự phù hợp, cho hiệu quả rất cao tại nhiều nơi tại Phú Yên. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Còn ông Nguyễn Thành Cang, ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), trồng 20 gốc bưởi da xanh, cách đây 2 năm bưởi ra trái đầu mùa cho thu nhập 9 triệu đồng, năm rồi thu được hơn 30 triệu đồng. Ông Cang cho biết: Diện tích đất vườn của gia đình rộng gần 4.000 m2, trồng nhiều loại cây ăn quả như bưởi, cam sành, quýt, mít Thái, dừa xiêm lùn, ổi, xoài... Trong đó, cây bưởi da xanh đến nay cho thấy đạt hiệu quả tốt nhất.

Một trái bưởi của nhà vườn ông Cang có trọng lượng bình quân khoảng từ 1,5- 2 kg, bán với giá từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg. Hiện gia đình ông đang đầu tư, mở rộng thêm diện tích vườn bưởi trồng thêm trên 100 gốc mới và cải tạo lại vườn cây ăn quả đã trồng trong thời gian qua.

Theo ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa:  Sau khi hiệu quả của vườn bưởi của gia đình ông Cang, bà con nông dân địa phương cũng học tập làm theo, nhiều gia đình cũng bắt đầu xây dựng vườn bưởi. UBND xã Hòa Thịnh đã xây dựng chương trình khuyến nông với việc hỗ trợ 308 cây giống bưởi da xanh cho 3 hộ nông dân tại địa phương trên diện tích 6.500 m2 và số bưởi này cũng bắt đầu ra trái.

Nhiều mô hình thu nhập từ 500-800 triệu đồng/ha/năm

Nhằm chuyển dịch sản xuất từ cây trồng bấp bênh, kém hiệu quả sang cây ăn quả một cách bền vững, hướng tới giá trị cao, thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên đã triển khai mô hình trồng thâm canh bưởi theo mô hình VietGAP quy mô 3 ha tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) với 4 hộ nông dân tham gia.

Khâu quản lý, cung ứng giống cây có múi đảm bảo chặt chẽ về chất lượng được tỉnh Phú Yên đặc biệt chú trọng trong quá trình phát triển cây ăn quả. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Khâu quản lý, cung ứng giống cây có múi đảm bảo chặt chẽ về chất lượng được tỉnh Phú Yên đặc biệt chú trọng trong quá trình phát triển cây ăn quả. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Hiện tại, cây đang bước sang năm thứ 3, theo đánh giá ban đầu cây sinh trưởng phát triển tốt, đạt yêu cầu đề ra. Cùng với đó, Trung tâm cũng hỗ trợ một số hộ dân trồng thử nghiệm giống cam mới V02, CT36 trên diện thích 5 ha tại huyện Sơn Hòa và 3 ha tại huyện Sông Hinh với số lượng 2.800 cây, trong đó giống V02 là 1.050 cây, giống CT36 là 1.750 cây.

Theo kết quả kiểm tra mô hình của Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên, các giống cam sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao bình quân 80-110 cm, đường kính thân từ 1,5 – 2,5 cm. Đặc biệt tại hộ ông Cao Nguyên Lâm, buôn Queen, xã Ea Ba (huyện Sông Hinh), cây sinh trưởng phát triển tốt hơn các điểm còn lại, chỉ xuất hiện sâu vẽ bùa ở mức độ nhẹ. Bước đầu cho thấy, các giống cam, bưởi thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các huyện miền núi Phú Yên.

Mới đây, cam sành, cam V2, bưởi da xanh của hộ kinh doanh ông Võ Minh Tuấn tại Thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) đã được trao giấy chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Yên năm 2020, sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, ông Tuấn áp dụng thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi da xanh và cam nên được thị trường ưu chuộng. Đây là sản phẩm đầu tiên của huyện được được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Vài năm trở lại đây, các huyện miền núi trong tỉnh đang đầu tư phát triển mạnh cây có múi thuộc họ cam. Một số giống cam sành, bưởi da xanh du nhập từ miền Nam về đã cho thu hoạch, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng.

Một số mô hình cây ăn quả tại Sông Hinh cho thu nhập từ 500-800 triệu đồng/ha/năm. Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên đã cung ứng giống cây ăn quả cam sành, bưởi da xanh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc để bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.