Tà Mung là xã vùng cao nằm ở phía nam huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), trước đây vốn là vùng rừng núi rậm rạp, cư dân sinh sống chủ yếu là người Mông.
Vùng núi cao phía nam dãy Hoàng Liên Sơn này vốn có địa hình núi đất xen lẫn núi đá, thời tiết lạnh, phù hợp với sự phát triển của các loài cây họ thông và có tinh dầu. Tuy nhiên, trong quá trình cư trú từ lâu đời, người dân địa phương đã đốn hạ nhiều cây thông, cây pơ mu để làm cột nhà, làm ván thưng. Ngoài ra việc đốt nương, làm rẫy cũng làm giảm tỉ lệ lớn vùng cây họ thông tại địa bàn.
Hiện nay, theo thống kê của cán bộ kiểm lâm trên địa bàn Than Uyên, cả huyện chỉ còn một cây du sam cổ thụ tại Tà Mung. Trên website Sinh vật rừng Việt Nam đã giới thiệu đặc điểm nhận dạng của loại cây này như sau:
“Cây du sam thuộc họ Thông Pinaceae, bộ Thông Pinales. Cây gỗ, cao đến 35m, đường kính ngang ngực đến 0,6 - 0,8m hay hơn, vỏ thân màu nâu đỏ hay nâu nhạt. Tán hình nón hẹp, cành non có lông, khi già nhẵn, chồi hình trứng có lông hay nhẵn. Lá mọc xoắn ốc, nhưng do gốc vặn nên xếp ít nhiều thành hai dãy, chụm lại ở đầu cành, hình dải thẳng, dài 3 - 6cm, rộng 0,2 - 0,4cm (ở cành non kích thước lá lớn hơn), tròn hay có mũi nhọn ở đỉnh.
Nón cái mọc đơn độc ở đầu cành, dựng đứng, khi trưởng thành hình trụ, dài 12 đến 20cm, đường kính 3 - 6cm. Vẩy hình trứng thuôn, mỏng, mặt trong có nhiều khía dọc rõ rệt. Lá vẩy ngắn, hình thìa, có mũi nhọn ở đỉnh, hơi lộ ở mặt lưng của vẩy. Hạt 2 ở mỗi vẩy, hình thuôn - tam giác, dài 9 - 14mm, rộng 7mm, mặt trong có vài túi nhựa, mang một cánh ở đầu, dài 2 - 2,2cm, rộng 1,2 - 1,5cm, gốc rộng và thót dần về đỉnh, khi chín hơi thò ra khỏi vẩy”.
Cây du sam thường mọc trên núi với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Gỗ du sam trước đó được xếp vào nhóm IA, thuộc nhóm bị đe dọa tuyệt chủng. Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (bậc V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cây du sam ở Tà Mung mọc trên vùng núi đất, nên còn gọi là cây du sam núi đất.
Người Mông ở Tà Mung gọi cây du sam này là cây pơ mu chua. Cây pơ mu chua duy nhất được tìm thấy và bảo tồn ở Tà Mung bây giờ có tuổi đời khoảng 500 năm tuổi. Cây mọc ở sườn núi dốc phía nam của xã Tà Mung, thuộc địa bàn bản Đán Tọ, trên ta luy của suối Nậm Mở chảy về phía Khoen On, thuộc khoảnh 8, tiểu khu 514, nằm trong lâm phần rừng sản xuất thuộc UBND xã Tà Mung quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Tà Mung (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu).
Cây có chu vi gốc là 4,57m, chiều cao khoảng trên 20m. Theo lời kể của bà con ở đây, cây du sam từng bị sét đánh 2 lần vào năm 1997 và năm 2021 khiến cây bị khô một phần thân, tuy nhiên cây vẫn xanh tốt. Hệ thực vật cộng sinh trên tán cây du sam khá phong phú. Tán lá rộng khoảng 20m2. Qua quan sát có thể thấy nhiều loại phong lan, dương xỉ, tầm gửi và rêu bám trên thân cây, cành cây và cả tán lá.
Trong thời kì chiến tranh, Tà Mung là một trong những nơi giặc Pháp ném bom làm cháy hàng ngàn ha rừng, hủy diệt nhiều loài thực vật, động vật. Cây pơ mu chua ở đây là một trong những cây hiếm hoi còn tồn tại sau chiến tranh với sức sống mãnh liệt, trở thành biểu tượng của núi rừng Tà Mung, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông.
Theo người già ở đây kể lại, Tà Mung có 2 cây cổ thụ cô độc gồm cây pơ mu chua (cây du sam) và cây gạo ở khu vực trung tâm xã. Họ cho rằng trong cây cổ thụ có thần, mỗi cây là một vị thần cai quản một vùng đất riêng biệt và giúp người dân ngăn chặn phong ba bão táp. Hiện dưới gốc cây du sam vẫn còn một giàn thờ nhỏ làm bằng thân cây rừng là dấu tích người dân từ nhiều đời đã đến thắp hương xin thần cây phù hộ.
Anh Mùa A Mang, người dân Tà Mung kể rằng: “Cây đã ở đây có lẽ đã cả ngàn năm, từ đời cụ kị anh còn nhỏ đã nhìn thấy. Người dân ở đây thường đến xin thần cây phù hộ khi họ chậm muộn đường con cái, khi bệnh tật ốm đau và đến cầu mưa thuận gió hòa. Các cụ cho là cây thần còn giúp người dân xua đuổi các loài hổ, báo, tà ma, giúp dân ngăn chặn dịch bệnh”.
Cây du sam chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết nhưng luôn bị lâm tặc dòm ngó. Cách đây trên 20 năm, Kiểm lâm Than Uyên đã phải treo biển cấm chặt phá trên thân cây nên mới bảo vệ được cây, tuy vậy vẫn còn những kẻ đẽo vỏ cây nhằm làm cho cây chết dần, vì vậy việc bảo vệ cây đang là nhiệm vụ quan trọng của xã Tà Mung.
UBND xã Tà Mung đã tổ chức khảo nghiệm cây du sam duy nhất này và làm hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội đồng Cây di sản Việt Nam cử hỗ trợ chuyên gia điều tra khảo sát, hướng dẫn làm hồ sơ, tổ chức hội đồng xét và công nhận 01 cây du sam núi đất nêu trên là cây di sản Việt Nam.
Ngày 22 tháng 2 năm 2024, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có quyết định số 84/QĐ-HMTg công nhận cây du sam này là cây di sản Việt Nam. Cây được hưởng các điều kiện ưu đãi theo quy định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Cây du sam Tà Mung là chứng nhân của lịch sử vùng đất này với bao biến động, đổi thay, cây tồn tại và chứng kiến cuộc đời của nhiều thế hệ con người đã đến đây khai khẩn đất đai, lập nên lảng bản...
Mong rằng sau khi có quyết định công nhận cây du sam là cây di sản, địa phương sẽ có chính sách bảo vệ cây phù hợp. Bởi Tà Mung hiện đang là vùng du lịch được du khách quan tâm bởi vẻ đẹp cảnh quan, khí hậu, văn hóa, bây giờ có cây du sam di sản cũng sẽ trở thành một sản phẩm thu hút khách du lịch bởi giá trị lịch sử và sinh thái, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.