| Hotline: 0983.970.780

Tà Mung náo nức mùa chanh leo mới

Thứ Hai 09/05/2022 , 17:08 (GMT+7)

LAI CHÂU Với sự ra đời của 2 hợp tác xã liên kết trồng chanh leo với DOVECO tại xã vùng cao huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con thiểu số nơi đây đang tràn niềm vui.

Xã Tà Mung (huyện Than Uyên, Lai Châu) nằm trên sườn núi Hoàng Liên Sơn, giáp Mù Cang Chải của Yên Bái, là nơi có độ cao trung bình cao nhất huyện Than Uyên (trên 1.300m so với mặt nước biển).

Tà Mung rất cao, rất xa và mùa đông rất lạnh. Nơi ấy, có 100% đồng bào dân tộc Mông, Thái cư trú. Trước đây, điều kiện sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, bà con 11 bản của Tà Mung chỉ biết trồng lúa, ngô, sắn nhưng bây giờ, bà con đã rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó nổi lên cây chanh leo được trồng thử nghiệm tại địa phương từ 2020, bước đẩu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những vạt đồi trồng ngô nay đã được phủ xanh một màu xanh đầy hi vọng mới của cây chanh leo. Ảnh: Hồng Nhung.

Những vạt đồi trồng ngô nay đã được phủ xanh một màu xanh đầy hi vọng mới của cây chanh leo. Ảnh: Hồng Nhung.

Mùa này về Tà Mung, qua bản Pá Liềng, bạn sẽ bị mê hoặc bởi màu xanh của những giàn chanh leo bên lề đường, trên đồi hoặc ngay trong vườn. Hoa chanh leo đang nở, những bông hoa cánh trắng nhụy tím gọi ong bay về vi vu trên giàn, những quả non đang nhú ra xanh bóng. Cuối tháng 4, đầu tháng 5, Tà Mung chuẩn bị đón những cơn mưa sớm, bà con đang làm cỏ ngô, chè và bắt đầu trồng mới chanh leo.

Ngày 30/4/2022, toàn thể cán bộ xã Tà Mung và bà con ở bản Đán Tọ đã tham gia chương trình phát động trồng chanh leo cho mùa vụ mới. Bà con nhân dân tích cực, hồ hởi, ngay trong ngày phát động, tổng số gốc chanh leo được trồng tại đây là 1.000 gốc.

Trước đây, cả xã chỉ có vài hộ trồng chanh leo do bà con chưa tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của loại cây này nhưng đến nay, thấy rõ sự phù hợp của cây chanh leo với điều kiện tự nhiên của địa phương nên bà con đã tích cực hưởng ứng.

Hiện tại, có hai HTX nông nghiệp đã được thành lập trong tháng 4/2022 do anh Đèo Văn Khởi (bản Lun 1) và Mùa A Mang (bản Tu San) làm giám đốc đã đi vào hoạt động. Hai HTX sẽ trồng và quản lý tổng số 35 ha chanh leo của cả xã, có 105 hộ đăng ký trồng mới. HTX Nông nghiệp Quyết Tiến có 55 hộ tham gia, trồng ở 6 bản người Thái, dự kiến trồng trên diện tích 16,35 ha. HTX Nông nghiệp Tà Mung có 50 hộ tham gia, trồng ở 5 bản người Mông, dự kiến trồng trên diện tích 18,72 ha.

Đồng bào thiểu số ở xã vùng cao Tà Mung đang được thổi làn gió mới trong sản xuất theo hướng hàng hóa, giá trị cao từ cây chanh leo. Ảnh: Hồng Nhung.

Đồng bào thiểu số ở xã vùng cao Tà Mung đang được thổi làn gió mới trong sản xuất theo hướng hàng hóa, giá trị cao từ cây chanh leo. Ảnh: Hồng Nhung.

Từ 2020, cây chanh leo đã trồng ở Tà Mung, một số hộ ở Pá Liềng, Tà Mung, Hô Ta đã tham gia trồng thử nghiệm. Trong năm 2020 và 2021, tổng sản lượng chanh leo của xã đạt 120 tấn/năm, trong đó hộ chị Lò Thị Phương ở bản Pá Liềng là hộ đạt năng suất cao nhất. Ngoài ra còn có hộ anh Mùa A Chinh, Mùa A Thênh, Tráng A Kỉ, Tráng A Dao... ở các bản Hô Ta, Tu San cũng tham gia trồng chanh leo và bước đầu có thu hoạch, có kinh nghiệm trong việc trồng loại cây này.

Các cán bộ xã Tà Mung rất vui mừng khi giới thiệu với chúng tôi về hộ nông dân sản xuất giỏi là chị Lò Thị Phương ở bản Pá Liềng. Chúng tôi tìm tới nhà khi chị đang tỉa bớt ngọn và lá chanh leo ngoài vườn. Hiện tại hộ gia đình chị đang trồng 560 gốc chanh leo trên diện tích 0,7 ha, một năm thu hoạch 3 vụ vào tháng 5, 8 và 11 với khoảng 20 tấn quả, hiệu quả sản xuất gấp 7 lần so với trồng lúa, trồng ngô.

Chị Phương nói, cây chanh leo chỉ gặp mưa và rét mới thất thu, mùa hè nào mưa nhiều thì sản lượng giảm một nửa, tuy vậy chanh leo chín bán theo giá thị trường trung bình khoảng 8.000 đ/kg, gia đình chị cũng đạt thu nhập trên 160 triệu đồng/năm. Gia đình anh Lò Văn Nan (bản Pá Liềng), anh Mùa A Chinh (bản Hô Ta) cũng có thu hoạch từ 80 đến 100 triệu đồng/năm từ cây chanh leo.

Những vạt đồi trọc sau mỗi vụ ngô hiện đang được đưa vào trồng cây chanh leo. Ảnh: Hồng Nhung.

Những vạt đồi trọc sau mỗi vụ ngô hiện đang được đưa vào trồng cây chanh leo. Ảnh: Hồng Nhung.

Anh Mùa A Mang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tà Mung khẳng định: Với diện tích trồng mới 1,1 ha trong năm 2022, gia đình anh sẽ trồng khoảng 8.800 gốc, dự kiến thu hoạch khoảng 33 tấn quả, với giá thị trường năm nay là 14.000 đ/kg (đã ký liên kết với doanh nghiệp), anh có thể đạt thu nhập khoảng 460 triệu đồng, trừ tiền đầu tư nhân công, phân bón, dây làm giàn... khoảng 100 triệu đồng, dự kiến có lãi khoảng 360 triệu đồng.

Trong buổi phát động trồng chanh leo, ông Phùng Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tà Mung chia sẻ: “Năm 2022, toàn xã trồng mới trên 35 ha, với hơn 28.000 cây, dự kiến xong trong tháng 5. Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra của 2 HTX với giá ký kết là 14.000 đ/kg. Công ty sẽ cam kết cử cán bộ về hỗ trợ kỹ thuật và đồng hành cùng 2 HTX trong cả chu kỳ phát triển của cây chanh leo.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu cũng có chính sách hỗ trợ cho 2 HTX 100% giống và 50% phân bón cho năm đầu tiên trồng chanh leo.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.