| Hotline: 0983.970.780

Vùng Bảy Núi quyết liệt phòng chống cháy rừng

Thứ Tư 19/02/2025 , 19:11 (GMT+7)

An Giang Mùa khô năm nay khá phức tạp, nắng nóng xuất hiện gay gắt nên từ đầu năm đến nay, vùng Bảy Núi đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng phòng hộ.

Hiện nay vùng Bảy Núi đang vào đợt cao điểm nắng nóng, lực lượng kiểm lâm đã bố trí ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay vùng Bảy Núi đang vào đợt cao điểm nắng nóng, lực lượng kiểm lâm đã bố trí ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng Bảy Núi - An Giang là khu vực có địa hình đồi núi phức tạp, với tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp lên đến gần 17.000ha. Trong đó, rừng phòng hộ chiếm 68%, rừng đặc dụng 10,9% và rừng sản xuất 21,1%. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh chỉ đạt 3,65% tính đến cuối năm 2024, cho thấy công tác bảo vệ và phát triển rừng đang đối mặt với nhiều thách thức. 

Theo thống kê, năm 2024 đã xảy ra 35 vụ cháy rừng, làm thiệt hại gần 10ha rừng trồng. Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân địa phương phải có các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả hơn.

Hằng năm, vào mùa khô kể từ sau Tết kéo dài đến tháng 3, nguy cơ cháy rừng tại khu vực Bảy Núi luôn ở mức cao do thời tiết nắng nóng kéo dài, kết hợp với hoạt động du lịch, sinh hoạt của người dân và các nguyên nhân khác như đốt dọn thực bì, bắt ong, người dân đi hành hương… Để chủ động phòng chống cháy rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: Diễn biến của mùa khô năm nay khá phức tạp, với nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt. Từ Tết Nguyên đán đến nay, đã xảy ra vài vụ cháy với diện tích nhỏ ở khu vực rừng phòng hộ Núi Dài (huyện Tri Tôn), rừng phòng hộ Núi Cấm, Núi Dài Nhỏ (thị xã Tịnh Biên).

Lực lượng kiểm lâm đặt bảng cảnh báo cấm lửa tại các khu rừng phòng hộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lực lượng kiểm lâm đặt bảng cảnh báo cấm lửa tại các khu rừng phòng hộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước tình hình này, Ban quản lý đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, nâng mức báo động cháy rừng lên cấp nguy hiểm. Lực lượng chức năng được bố trí ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về phòng chống cháy rừng cũng được đẩy mạnh. Người dân sống trong và ven rừng được khuyến cáo cẩn trọng khi sử dụng lửa trong sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt tránh các hành vi như đốt cỏ, rơm rạ, hay đốt nhang, giấy vàng mã không đúng nơi quy định, nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Với sự chủ động và nỗ lực của các cơ quan chức năng cùng sự hợp tác của cộng đồng, công tác phòng chống cháy rừng tại vùng Bảy Núi đang được thực hiện quyết liệt, nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái của địa phương.

 Theo ông Nhân, việc bảo vệ rừng trong mùa khô là một nhiệm vụ cấp bách. Ngành kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các lực lượng kiểm lâm huyện, quân đội, công an và người dân địa phương để xây dựng các phương án phòng chống chữa cháy rừng. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, máy móc chữa cháy, tăng cường kiểm tra giám sát nhằm giảm thiểu rủi ro cháy rừng.

Bên cạnh đó, nhiều người dân tham gia bảo vệ rừng cũng lo ngại về tình trạng xâm lấn rừng, khai thác rừng trái phép và những hành vi bất cẩn dễ dẫn đến cháy rừng.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, một thành viên trong tổ bảo vệ rừng tại huyện Tri Tôn, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tuần tra, cảnh báo người dân về nguy cơ cháy rừng, nhất là trong mùa khô. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vô ý thức, đốt dọn nương rẫy không kiểm soát hay đi bắt ong rừng… sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô này”.

Ông Nguyễn Đức Duy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết vào đầu năm cũng là thời điểm mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng, vì vậy ngành nông nghiệp chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các cấp và người dân cần tăng cường công tác giám sát về phòng chống cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống cháy rừng qua các phương tiện truyền thông, các buổi họp dân.

Lắp đặt các biển cảnh báo cháy rừng tại những khu vực có nguy cơ cao. Sử dụng flycam để giám sát các khu vực rừng trọng điểm. Đặc biệt cần nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy như: Đầu tư thêm máy móc, thiết bị chữa cháy hiện đại như máy bơm công suất lớn, xe chữa cháy chuyên dụng. Thành lập và duy trì lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách tại vùng đồi núi. Xây dựng các tuyến đường băng cản lửa và tổ chức đốt chủ động tại các khu vực có nguy cơ cháy cao.

Công tác phòng chống cháy rừng tại vùng Bảy Núi đang được thực hiện quyết liệt, nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái của địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công tác phòng chống cháy rừng tại vùng Bảy Núi đang được thực hiện quyết liệt, nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái của địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, ngoài việc phòng chống cháy rừng cần quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng đất rừng. Kiểm soát việc chặt phá rừng trái phép, sử dụng rừng không đúng mục đích. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ và tái tạo rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Phát triển mô hình rừng kết hợp du lịch sinh thái, mô hình này không chỉ giúp bảo vệ rừng mà còn tạo sinh kế cho người dân, giảm áp lực lên rừng tự nhiên. Một số khu vực như rừng tràm Trà Sư đã áp dụng thành công mô hình du lịch sinh thái, kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học.

Xem thêm
Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời

Bình Định Có 1.200 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2025 (Q.FAIR 2025).

Liên kết trồng keo gỗ lớn

Quảng Bình Mô hình liên kết trồng rừng keo gỗ lớn tại xã Kim Thủy đã cho thu hoạch khoảng 180 triệu đồng/ha…

Nguy cơ cháy rừng ở Bà Rịa - Vũng Tàu rất cao

Đó là khẳng định của ông Ngô Thanh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa- -Vũng Tàu về tình hình phòng chống cháy rừng trên địa bàn đầu năm 2025.

Hương ước giữ rừng ở xứ sở 'đệ nhất đinh hương'

Nghệ An Nhờ sự đồng lòng gìn giữ, bảo vệ, coi như báu vật của bản, những rừng gỗ đinh hương quý của bản Na Hang đã sinh sôi, vươn lên xanh tốt giữa đại ngàn.

Bình luận mới nhất