Cây Hoàng đàn thường phân bố ở các dải núi đá vôi cao chót vót chạy từ Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan đến Bắc Sơn (Lạng Sơn). Những năm 70-80 của thế kỷ trước, việc khai thác loại gỗ quý hiếm này ngày càng trở nên sôi động và quyết liệt hơn.
Cây Hoàng đàn.
Hoàng đàn là gỗ quý hiếm thuộc nhóm IA, loại gỗ này còn có thể làm thuốc, làm hương liệu, mùi thơm giống như trầm hương.
Với những tính năng quý nên trên thực tế, người dân trồng Hoàng đàn được vài năm đã có thương lái hỏi mua với giá 40 triệu đồng/cây, loại cây giống mới nảy mầm từ hạt có giá 1,5 triệu đồng/cây.
Đến những năm 90, số lượng cây Hoàng đàn ở Khu rừng đặc dụng Hữu Liên (Hữu Lũng) chỉ còn rải rác trên vách đá cheo leo. Tuy nhiên, bất chấp cả nguy hiểm, nhiều người vẫn trèo lên những vách đá dựng đứng để đào lấy rễ loại cây quý này đem bán.
Theo kết quả điều tra, ở Lạng Sơn hiện chỉ còn 82 cây Hoàng đàn của 44 hộ gia đình và Ban quản lý Khu bảo tồn tự nhiên Hữu Liên trồng từ năm 1990 tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng), Vạn Linh (Chi Lăng). Những cây trên đều có chiều cao từ 2 đến 5m và đường kính gốc từ 3 đến 16cm.
Hoàng đàn mọc trong tự nhiên được xác định chỉ còn 27 cây (trong đó có hai cây đang có dấu hiệu bị chết). Tất cả các cây mọc tự nhiên có chiều cao vút ngọn và đường kính gốc nhỏ, trong đó chỉ có 6 cây có nón hạt. Theo quy chuẩn, loài Hoàng đàn Hữu Liên được xếp ở mức rất nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng.
Tỉnh Lạng Sơn đã có đề tài khoa học nghiên cứu phát triển cây Hoàng đàn, tuy nhiên đề tài mới chỉ dừng lại ở mục tiêu điều tra, khảo sát, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về cây Hoàng đàn, làm cơ sở cho các nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát triển bền vững loài cây này tại địa phương.
(Theo Vietnam+)