Cây hồi còn có tên đại hồi hương, bát giác hồi hương, tên khoa học là Illicium verum. Nhưng cần lưu ý không dễ bị nhầm với 2 loại cây có chất độc là hồi Nhật Bản (Illicium anisatum) và hồi núi (Illicium griffithii) đều có chất độc. Đại hồi là cây nhỡ, cao 2-6 m, hoàn toàn không phải tiểu hồi là cây thân thảo nhỏ, nhìn qua rất giống cây thìa là. Ở nước ta hồi được trồng nhiều tại các tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ninh.
Theo Đông y, hồi được dùng chữa nôn mửa, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, giải độc của thịt cá, tay chân nhức mỏi. Mỗi ngày dùng 4-8 g, dạng thuốc hãm, thuốc sắc, hoặc 1-4 g dạng thuốc bột. Quả hồi ngâm rượu cùng với một số dược liệu khác dùng xoa bóp chữa tê thấp, nhức mỏi.
Đối với tây y, hồi cũng được sử dụng quả hồi làm thuốc trung tiện, kích thích tiêu hóa, lợi sữa. Hồi có tác dụng giảm đau, giảm co thắt ruột, được dùng trong các bệnh lý đau dạ dày, ruột. Dùng quá nhiều sẽ bị ngộ độc với các triệu chứng say, run tay chân, xung huyết não và phổi, có khi co giật như động kinh. Tinh dầu hồi có tác dụng giúp dễ tiêu, ức chế sự lên men ruột, long đờm và lợi tiểu nhẹ, là thành phần các thuốc trị ho, thuốc xoa bóp ngoài da, thuốc trị bệnh nấm da và ghẻ.
Đặc biệt ngày nay cây hồi được sử dụng để điều chế thành thuốc Tamiflu chống cúm gia cầm vì nó có thành phần chính để bào chế thành thuốc Tamiflu kháng virus cúm gia cầm. Tuy nhiên, khi thuốc Tamiflu ra đời (cách đây gần 10 năm), tập đoàn Gilead, California (Mỹ) người ta đã dùng cây Quinkina (chứ không phải cây hồi) để dùng làm nguyên liệu chính. Nhưng khi Hãng dược phẩm Roche Holding AG mua lại bản quyền bào chế Tamiflu thì họ đã thay Quinkina bằng hồi. Song chất chiết xuất từ hồi để lấy ra chất dùng sản xuất trong thuốc Tamiflu phải trải qua quá trình chế biến rất phức tạp mới cho ra chất acid shikimic, chứ không giống như thành phần ban đầu. Ngoài ra, trong tương lai, hãng Roche đang có kế hoạch điều chế chất acid shikimic này bằng phương pháp lên men để không còn quá phụ thuộc vào nguồn cây hồi vẫn được trồng lâu nay.