| Hotline: 0983.970.780

Xen canh ở Tây Nguyên: Xu hướng tất yếu

Cây trồng phụ, thu nhập chính

Thứ Bảy 20/07/2019 , 08:39 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi về xã Ea Yông, đi đến đâu cũng được nghe người dân bàn tán về sầu riêng khi mà chỉ còn khoảng gần 1 tháng nữa nơi đây bắt đầu thu hoạch.

Tại ruộng nhận khoán cà phê của gia đình chị Trịnh Thị Nga, thuộc đội 19/8, Cty CP Cà phê Phước An, xã Ea Yông, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk, những cây sầu riêng được trồng xen quả lúc lỉu, đều tăm tắp, trọng lượng mỗi quả đã đạt trên 2kg. 

16-57-47_su_rieng_luc_liu_qu_trong_xen_trong_vuon_c_phe_nh_chi_trinh_thi_ng
Sầu riêng trồng xen vườn cà phê của gia đình chị Trịnh Thị Nga cho thu nhập “khủng”. Ảnh: Kim Sơ.

Tiếng nói cười rộn rã, mỗi người mỗi việc, dọn cỏ, cắt tỉa cành tạo tán cà phê, sầu riêng. Không vui sao được khi gia đình chị có thêm một mùa bội thu nữa cùng với giá đang ở mức rất cao.

Chị Nga cho biết: Nhà tôi nhận khoán 0,8ha cà phê của Cty CP Cà phê Phước An từ 1989, qua nhiều thăng trầm với cây cà phê, năm 2004 khi Cty có chủ trương trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê tôi cũng còn nhiều băn khoăn bởi không biết giá cả thế nào và có ảnh hưởng đến vườn cà phê hay không.

Với 0,8ha cà phê Cty hướng dẫn trồng xen 80 cây sầu riêng, gia đình tôi làm theo, không ngờ sầu riêng phát triển rất mạnh còn cà phê thì xanh tốt hầu như không ảnh hưởng gì năng suất mà công chăm sóc lại đỡ tốn nhất là việc tưới nước cho cà phê trong mùa khô.

Những năm đầu do giá còn thấp và cây sầu riêng còn nhỏ nên mỗi năm gia đình chị Nga thu được 200 – 300 triệu đồng, nhưng 2 năm trở lại đây khi giá sầu riêng tăng mạnh ở mức 60.000 – 70.000 đồng/kg thì gia đình thu về gần 1 tỷ đồng từ sầu riêng đó là chưa kể sản lượng cà phê cũng đạt gần 2 tấn nhân.

Riêng năm nay, sầu riêng cho quả rất nhiều, với 70 cây sầu riêng còn lại trong vườn (một số cây bị chết) chị Nga dự kiến thu hoạch khoảng 21 tấn, nếu bán với giá 60.000 đồng/kg thì thu về trên 1,2 tỷ đồng. Nhờ sầu riêng mà chị Nga lo con cái ăn học và mới xây nhà hết 1,5 tỷ đồng.

Còn gia đình ông Y Blet Niê, ở buôn Yung, xã Ea Yông, hợp đồng nhận khoán với Cty 1,35ha cà phê trong đó có 120 cây sầu riêng trồng xen cà phê nhiều năm nay vẫn nghĩ mình đang mơ khi có trong tay cả mấy tỷ đồng thu được từ vườn sầu riêng trồng xen được Cty bàn giao.

Ông Y Blet Niê kể: Được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi nghe và làm theo, mùa đầu cây cho quả bán được giá gia đình thu về hơn 500 triệu đồng chưa kể sản lượng cà phê nhận khoán. Mặc dù là cây che bóng nhưng sầu riêng lại là cây cho thu nhập chính nên gia đình ông và các hộ nhận khoán đều chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ để sầu riêng không bị chết và cho nhiều quả. Trong 2 năm trở lại đây, gia đình ông Y Blet Niê thu về trên 1,5 tỷ đồng từ sầu riêng.

Với gia đình Trịnh Thị Thủy, ở Buôn Jung, xã Ea Yông trước đây hoàn cảnh khó khăn, đất đai ít nên dù chăm chỉ làm lụng suốt ngày trên rẫy đói nghèo luôn vẫn đeo bám.

Năm 2005 gia đình hợp đồng nhận khoán 0,7ha cà phê của Cty CP Cà phê Phước An và được bàn giao cây sầu riêng trồng xen. Tuy nhiên giai đoạn đầu do chưa tin tưởng vào cây sầu riêng, việc chăm sóc bảo vệ không tốt một số lượng lớn cây sầu riêng bị chết, chỉ còn lại 21 cây. Sau 5 năm chăm sóc, 21 cây sầu riêng cho thu hoạch và thu nhập cao hơn cà phê.

Năm 2013 chị trồng xen tiếp 30 cây sầu riêng, năm 2018 số sầu riêng trồng thêm bắt đầu cho thu bói. Tính cả cây sầu riêng trồng từ năm 2004 và sầu riêng mới chị thu được 7 tấn quả, bán tại vườn được 450 triệu đồng. Còn cà phê tuy đã bị lão hóa nhưng vẫn thu hoạch được 1,3 tấn nhân. Năm nay chị Thủy dự kiến thu hoạch được 10 tấn sầu riêng, thu về số tiền 600 – 700 triệu đồng.

Ông Trương Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Cà phê Phước An cho biết: Cà phê là cây ưa bóng và cần chắn gió, chính vì vậy khi người Pháp thành lập các đồn điền cà phê tại Tây Nguyên họ bao giờ cũng trồng cây che gió, che bóng. Còn bây giờ trên Tây Nguyên bạt ngàn những rẫy cà phê nhưng việc trồng cây che bóng, che gió cho cà phê chưa được người dân quan tâm đã đẩy những rẫy cà phê nhanh chóng bị suy kiệt, tốn nước tưới trong mùa khô.

16-57-47_chi_trinh_thuy_thuy_dng_ct_ti_to_tn_cho_c_phe
Chị Huệ đang cắt tỉa cành cà phê được trồng xen sầu riêng. Ảnh: Kim Sơ.
Toàn bộ diện tích cà phê của Cty được sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ Certified. Sản phẩm của Cty đã chinh phục được các thị trường khó tính như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ, Singapore, Nhật Bản... luôn mang đến cho đối tác, bạn hàng sự tin cậy và hài lòng, xứng tầm thương hiệu cà phê nhân chất luợng cao.

Vào những năm 2002, 2003 khi giá cà phê xuống thấp tình hình sản xuất và đời sống của công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm cà phê thu được không đủ bù cho chi phí ngày công lao động, lúc này vườn cây bắt đầu già cỗi khiến cho năng suất giảm sút nghiêm trọng. Trước những khó khăn đó cuối năm 2004, ban lãnh đạo Cty đã khởi xướng trồng xen thí điểm cây sầu riêng trong vườn cà phê.

Ông Tuấn cho biết, năm 2004 khi đưa ra mô hình xen canh, do mới lạ nên các hộ dân nhận khoán tỏ ra không tin tưởng và nhiều người sau khi nhận lô đã phá bỏ cây sầu riêng. Còn đối với các hộ không phá thì những năm qua đã trở thành tỷ phú.

Theo ông Tuấn, để vườn cà phê không ảnh hưởng nhiều Cty đã trồng với mật độ mỗi ha 121 cây sầu riêng giống cơm vàng hạt lép (giống Dona).

Hiện toàn bộ Cty có trên 400ha cà phê trồng xen sầu riêng với trên 500 hộ tham gia nhận khoán chăm sóc và hưởng lợi. Trung bình mỗi cây sầu riêng trên 10 năm tuổi sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tạ quả, có hộ đạt 3 tạ quả.

Với giá bán như hiện nay, 1ha cà phê xen canh sầu riêng sẽ cho doanh thu từ 1 – 1,5 tỷ đồng, cá biệt có hộ thu về gần 2 tỷ/ha từ bán sầu riêng.

50% số hộ thu trên 1 tỷ đồng/năm từ sầu riêng

ông Trương Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Cà phê Phước An: Số liệu thống kê không đầy đủ nhưng cũng phải có trên 50%hộ nhận khoán trồng xen có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm từ sầu riêng. Không những vậy cà phê là cây ưa bóng mát, sầu riêng lại là cây có tán rộng, khi xen canh sẽ có tác dụng hỗ trợ cho nhau.

Sầu riêng không chỉ giúp che nắng mà còn tận dụng được lượng nước và phân dư thừa bón cho cây cà phê. Còn đối với những vườn cà phê trồng dưới tán sầu riêng mặc dù đã bị “lão hóa” nhưng năng suất vẫn ổn định từ 1,8 - 2 tấn/ha.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm