| Hotline: 0983.970.780

Cha, con và sân khấu

Thứ Bảy 05/02/2022 , 18:00 (GMT+7)

Ba tôi rất ghét nghệ sĩ thường hay nói câu 'nghề nầy bạc bẽo'. Ba nói không có nghề nào bạc hết, chỉ có con người sống với nhau mà thôi.

Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc.

Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc.

Thời ba tôi - Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn (1913 - 1999) đi diễn, dù ba cấm nhưng tôi cũng lén quơ phục trang dân thường tham gia những vai quần chúng chạy giặc trong những cảnh loạn lạc, từ cánh gà bên này tôi chạy ào qua cánh gà bên kia, ba ngoài sân khấu có thấy cũng trở tay không kịp.

Anh Bạch Long ở riêng, kêu ba má bằng Anh, Chị, coi như được Anh cho phép hát, không vi phạm luật gia đình. Thấy anh Long được làm quân sĩ hầu Vua, tôi nói nhỏ với anh bé Năm (tên gọi quen thuộc của anh Bạch Long) nói với cậu Tư (nghệ sĩ Khánh Hồng) cho em làm với. Ba đứng trong cánh gà, cầm cây roi mây chờ tôi vô để quất, nhưng tôi cứ đừng hoài không vô.

Sân khấu tắt đèn chuyển cảnh khác, đèn sáng lên “thằng quân sĩ” vẫn còn đứng nguyên đó mà không để làm gì. Ba thì không thể chạy ra sân khấu để đét “thằng quân sĩ”. Ba bên nầy, tôi lòn bên kia, tới lớp vai của ba phải ra sân khấu thì lúc đó “thằng quân sĩ” mới chạy vô, nhanh tay cởi đồ trốn dưới gầm sân khấu, ẩn mình trong đó tôi được an toàn. Khi vãn hát thì coi như tôi về ngủ mất tiêu rồi. Tới vãn hát ba quên mất tiêu chuyện hồi tối, tôi mừng húm vì tôi đã từng lãnh roi của ba rồi nên rất sợ bị đòn, vì ba đánh đòn là đau lắm.

Thời của ba không có đạo diễn, chỉ có thầy tuồng, thầy tuồng là người viết tuồng và dựng tuồng luôn, thậm chí hướng dẫn cả diễn xuất cho nghệ sĩ, tức là làm công việc của đạo diễn và biên kịch ngày nay. Các nghệ sĩ ngày xưa kính trọng thầy tuồng lắm.

Sau 75 mới có từ đạo diễn và với nghệ sĩ Sài Gòn thì nghe lạ tai lắm. Không phải đạo diễn nào cũng giỏi và có hiểu biết sâu rộng về nghề nghiệp nói chung và sân khấu miền Nam nói riêng, ngay cả những đạo diễn được đào tạo ở nước ngoài về. Không phải tự nhiên mà ông bà mình có câu “thùng rỗng kêu to”, các nghệ sĩ miền Nam lúc đó dị ứng với các kiểu đạo diễn như vậy, và ba tôi cũng vậy. Nên tôi với ba mới hay có những xung khắc với nhau về đề tài nầy. Tôi nói ba bảo thủ, ba nói tôi non nớt mà háo thắng. Tôi nghĩ ba gàn, ba mắng tôi bướng…

Thời gian thử thách với tôi cũng nhiều, đủ để khi nhìn lại tôi thấy lúc đó mình không phải bướng mà là ngu thì đúng hơn. Dù gì thì về kinh nghiệm nghề nghiệp và cả vốn sống từng trải ở đời ba là một kho tàng vô giá với tôi. Tôi không so sánh ba với những gì mình đã lãnh hội ở nhà trường, ba là một giá trị khác hẳn.

Tính công dân của tôi được hình thành từ ba khi còn là một thằng nhỏ được ba chở trên xe Vespa dạo phố, ba dạy tôi luật giao thông. Ba dạy tôi khi gặp đám tang biết ngừng lại bỏ nón cúi chào. Tin không? Ba còn dám chở chị em chúng tôi đi xem sinh viên biểu tình và giải thích cho chúng tôi nghe những biến động chính trị của thời cuộc.

Mỗi lần ba chở đi xem sinh viên và thầy chùa biểu tình, má nhét vào túi chị em chúng tôi mỗi đứa một cái bao ni lông và miếng chanh (để lỡ có gặp lựu đạn cay thì nặn chanh vào mắt, trùm bao ni lông vào đầu rồi… chạy). Tôi vẫn còn nhớ gặp các thầy chùa tập võ Thiếu lâm ở Viện Hóa Đạo (nhà hát Hòa Bình bây giờ) tôi cứ thắc mắc: “Kì vậy ba, tại sao thầy chùa mà lại học võ đánh người”. Ba cười ngất và giải thích: “Người hiền cũng cần phải biết tự vệ đó con”.

Những lần cha con tranh luận đối kháng nhau, có lúc tôi sợ mình bị hỗn với ba nên dần dần tôi né, riết thành thói quen không bộc lộ cảm xúc, nghĩ gì làm gì thì cứ âm thầm. Ra trường, trở thành diễn viên của Đoàn kịch Trẻ, cũng không báo với gia đình. Tới lúc thấy tôi đi đêm đi hôm ba mới nói, ủa, nó ra trường rồi hả? Tôi chỉ dạ. Vậy đó, im lặng đôi khi lại là khả năng tự vệ của mình.

Ngồi chung mâm cơm, những gì có thể cùng vui với gia đình thì tôi chia sẻ, những gì không cùng suy nghĩ với mọi người thì tôi giữ cho riêng mình. Tôi rất sợ các thành viên trong gia đình làm tổn thương nhau dù mình vẫn là cục cưng của gia đình và tôi vẫn rất yêu thương gia đình mình, nhưng giống như tên một vở kịch mà nhà văn Ngọc Linh đã từng khoe với tôi ông định dùng để đặt cho vở kịch mới của ông, tôi thấy mình: “Cô đơn trong ngôi nhà của mình”.

Thành Lộc và cha - Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn.

Thành Lộc và cha - Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn.

Lần đầu tôi thấy ba tôi khóc là vào năm 1970, ông đã òa khóc như con nít, như mất mát một thứ gì quý giá nhất trong đời mình. Đó là ngày người anh của tôi, con của Má Lớn dưới Vĩnh Long, trưởng nam của ba, vừa chết trận.

Một người đàn ông như ba khi không còn kiềm chế được, để nổi đau của mình vỡ ra thì nó kinh khủng hơn những tiếng khóc vật vã của phụ nữ nhiều lắm. Có lẽ lúc đó tôi còn quá nhỏ để buồn khóc như ba nhưng nét mặt và tiếng khóc của ba tác động vào tôi rất mạnh, tôi biết chắc rằng nó đã ảnh hưởng rất lớn vào biểu lộ diễn xuất của tôi sau nầy: Đàn ông khóc có khả năng đâm trúng tim khán giả hơn phụ nữ!

Lần thứ hai ba khóc là lúc giữa khuya mọi người trong nhà ngủ yên nên ba không thể khóc lớn, chỉ là tiếng rên khe khẽ, rất khẽ. Tôi ngồi ở một góc tối nhìn ba khóc, tôi muốn đến khóc với ba nhưng không thể vì tôi đã mất thói quen chia sẻ với ba từ lâu rồi.

Đó là ngày cùng một lúc bốn thành viên trong gia đình rời khỏi quê hương trong nổi bức bách, không thể làm nghề. Sau nầy trong diễn xuất của tôi cũng lại ảnh hưởng từ những tiếng rên khe khẽ ấy. Hình tượng nhân vật ông Tư trong kịch "Dạ Cổ Hoài Lang" chính là ba tôi chứ chẳng ai khác.

Ba tôi rất ghét nghệ sĩ thường hay nói câu “nghề nầy bạc bẽo”. Ba nói không có nghề nào bạc hết, chỉ có con người sống với nhau mà thôi. Làm nghề hát mà cứ lên án nghề thì nghề có phụ cũng đáng. Tôi chịu ảnh hưởng quan điểm này của ba nhiều, chỉ có điều với chuyện đời xem ra cụ còn hồn nhiên, ngây thơ hơn tôi.

Ngày đám tang bác Ba Vân (Nghệ sĩ Nhân dân - một nghệ sĩ đã từng được đặt danh hiệu là quái kiệt), linh cữu của ông được quàn tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM, 81 Trần Quốc Thảo, người ta muốn quàn ông ở đó cho xứng tầm. Nói nôm na là nhà nước lo hết, song vẫn chấp điếu để dùng tiền điếu đó trang trải lễ tang. Tôi để ý thấy người ta tính từng đĩa cơm, tách trà đãi khách. Đã chấp điếu để trang trải mọi thứ thì đâu thể gọi là nhà nước lo!

Khi ba yếu, tôi có nói với ba là không thích đưa ba lên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đâu, ngại giống như bác Ba Vân, ba đồng ý vì ba cũng ưng đưa ba về trụ sở Hội Nghệ sĩ Sân khấu ở Cô Bắc hơn. Tuy vậy mà ba vẫn cứ “lạc quan”: “Con yên tâm đi, ba là Nghệ sĩ Nhân dân, thế nào cũng được nhà nước cho được hòm, nhớ không chấp điếu nha con”. Ba tôi không muốn mắc nợ ai nữa, nợ nhân gian thế cũng đã đủ rồi.

Xem thêm
Hàng ngàn du khách tham gia Festival dù lượn tại Mù Cang Chải

YÊN BÁI Ngày 28/4, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức khai mạc Festival dù lượn 'Bay trên miền danh thắng' và phát động phong trào du lịch xanh năm 2024.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Báo Hàn Quốc tiết lộ HLV Kim Sang-sik sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

Ông Kim Sang-sik người Hàn Quốc đang được đồn đoán là tân HLV trưởng ĐT Việt Nam, truyền thông xứ Hàn đã đưa thông tin về việc VFF đang đàm phán với vị HLV này.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất