| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc cha mẹ già có phải công việc dễ dàng không?

Chủ Nhật 14/07/2024 , 14:45 (GMT+7)

Chăm sóc cha mẹ già không chỉ là trách nhiệm, mà còn là phúc phận của những người con, trên cuộc đời bận bịu mà sự hiếu thảo thường ít được thể hiện.

Người cha và con gái qua nét vẽ Miew.

Người cha và con gái qua nét vẽ Miew.

Chăm sóc cha mẹ già trong những năm cuối đời không hề đơn giản. Bởi lẽ, chăm sóc cha mẹ già ở buổi hắt hiu có thể bào mòn sức khỏe thể chất và tinh thần của những người con, đồng thời cũng dễ khiến tình cảm gia đình rạn nứt.

Bằng sự trải nghiệm của mình, Miew – một họa sĩ truyện tranh Malaysia đã viết bộ sách “I am a caregiver” (Tôi là một người chăm sóc) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cha mẹ già. Bộ sách “I am a caregiver” của họa sĩ truyện tranh Miew được ấn hành tại Việt Nam thành hai tập “Để con chăm sóc cha” và “Để con chăm sóc mẹ”.

Có 12 năm trong vai trò người chăm sóc, họa sĩ truyện tranh Miew phải từng bước chứng kiến cha mẹ rời bỏ mình vì bạo bệnh. Nỗi đau thương ấy đã khiến Miew giam mình trong vũng lầy buồn bã không thể hòa nhập lại với cuộc sống. Cho đến một ngày, cô nhận ra mình có thể kể lại câu chuyện qua những nét vẽ, để đối diện với chính mình và giúp những người khác hiểu thêm về giá trị tình người khi cha mẹ gần đất xa trời.

Cuốn “Để con chăm sóc cha” kể về giai đoạn Miew trở thành người chăm sóc cuối đời cho người cha, khi ông vừa phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Sau khi phát bệnh, sức khỏe của người cha sa sút rất nhanh. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, hiền lành, chẳng mấy chốc, ông đã biến thành một bệnh nhân yếu ớt, cộc cằn và khó chịu. Vì không có sự chuẩn bị, cộng thêm những thay đổi đột ngột lúc lâm chung của người cha khiến Miew mắc kẹt trong tâm trạng vừa hoang mang vừa sợ hãi.

Trong sách, cô viết: “Tình cảnh của người chăm sóc cũng giống như bị khóa trong một chiếc hộp trong suốt vậy. Rõ ràng ngoài trời nắng chói chang, nhưng lại không nhìn thấy chút ánh sáng nào. Rõ ràng ánh mặt trời lẽ ra phải thật ấm áp, thế mà vẫn thấy lạnh lẽo. Bởi vì, bất kể người chăm sóc có cố gắng đến thế nào thì tình trạng cũng khó mà chuyển biến tốt. Sinh mệnh của những người thân yêu cứ khô héo từng ngày, và cuối cùng là đến lúc ra đi. Đó là một hành trình định sẵn là tốn công vô ích, một hành trình đầy những vết sẹo”.

Bệnh tật không chỉ dày vò người bệnh mà còn là một kiểu tra tấn từ từ đối với người chăm sóc. Một trong những vấn đề lớn nhất của người chăm sóc là mất ngủ. Bởi vì khi người thân yêu nằm cạnh mình đang phải chịu đau đớn thì chẳng ai có thể ngủ nổi. Người chăm sóc sẽ liên tục mất ngủ hoặc ngủ chập chờn trong vài tháng liền, thậm chí là vài năm.

Đồng thời, họ phải hy sinh gần như toàn bộ thời gian, thu nhập, sức khỏe… của mình để trở thành tay, chân, đầu bếp, y tá… của người bệnh. Đây là một hành trình vất vả và đau buồn. Thế nhưng, cũng chính trong giai đoạn này, tình yêu thương đã thể hiện sức mạnh không ngờ. Dẫu những cơn mê sảng của người cha đã để lại nhiều tổn thương trong lòng Miew nhưng cô vẫn kiên trì ở bên cạnh ông suốt những ngày tháng cuối cùng.

Sự ra đi của người thân yêu là một vết thương nhưng đồng thời cũng là một bài học mà mỗi người chúng ta phải học trong đời. Cái chết của người cha đã dạy cho Miew về sự vô thường của cuộc sống, để từ đó cô biết cách yêu thương và trân trọng những người bên cạnh mình.

Nếu hành trình chăm sóc cha đã để lại trong Miew những hồi ức u ám, bi thương thì những ngày tháng cuối đời bên mẹ đã cứu rỗi và xoa dịu cô.

Chăm sóc mẹ trên giường bệnh qua nét vẽ Miew.

Chăm sóc mẹ trên giường bệnh qua nét vẽ Miew.

Cuốn “Để con chăm sóc mẹ” là hành trình chữa lành và hồi phục của Miew. Sau khi người cha qua đời, mấy năm sau người mẹ của Miew cũng bắt đầu già yếu và nhiều lần phải ra vào bệnh viện. Lúc này, Miew biết rõ thời gian của mẹ đã không còn nhiều. Vì đã trải qua bài học từ cái chết của người cha, Miew và chị gái đã biết cách để cùng mẹ trải qua những ngày cuối đời một cách ý nghĩa và thanh thản hơn. Những trang sách theo đó cũng nhẹ nhàng, ấm áp và thấm đẫm yêu thương hơn.

Họa sĩ truyện tranh Miew thổ lộ: “Có lúc, tôi cảm thấy sinh mệnh giống như một vòng tròn. Trước kia, mẹ là người lớn, tôi là trẻ con. Bây giờ tôi là người lớn, mẹ lại biến thành như trẻ nhỏ… Trước đây mẹ vẫn yêu dù tôi không hiểu chuyện, bây giờ tôi vẫn chiều mẹ dù mẹ có cố chấp thế nào. Vòng tròn của sinh mệnh như vậy là trọn vẹn rồi”.

Hành trình của người chăm sóc đã định sẵn đau buồn và chia lìa. Thế nhưng, cách Miew đối diện với đau thương giờ đã khác đi. Cô không chỉ biết cách chăm sóc mẹ tốt hơn mà còn học được cách chăm sóc bản thân mình.

Với một người chăm sóc trường kỳ, khi tâm hồn quá buồn đau và mệt mỏi, họ sẽ không còn muốn làm gì cho bản thân nữa, ngay cả những nhu cầu đơn giản nhất của con người như ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… Nhưng sau khi trải qua 12 năm năm ở vai trò người chăm sóc, Miew nhận ra rằng người chăm sóc trước tiên phải biết chăm sóc tốt cho chính mình, nghĩ cách giữ lấy chính mình và duy trì tâm trạng tốt. Bởi vì chỉ khi bạn chăm sóc tốt chính mình thì mới có thể khiến bản thân và người thân cùng vui vẻ vượt qua con đường dài đằng đẵng.

Bộ sách chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cha mẹ già.

Bộ sách chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cha mẹ già.

Bên cạnh câu chuyện cá nhân, bộ sách “Để con chăm sóc cha” và “Để con chăm sóc mẹ” còn đề cập đến thực trạng của nhiều quốc gia châu Á hiện nay, khi trách nhiệm chăm sóc gia đình thường chỉ đặt lên vai phụ nữ.

Sau khi kết hôn và sinh con, phần lớn phụ nữ được mặc định là “người chăm sóc của gia đình”. Theo thống kê, phụ nữ phải gánh vác công việc nhà nhiều hơn nam giới ít nhất là 30%, và phải chịu phần lớn trách nhiệm chăm sóc con nhỏ. Họ cũng phải gánh hầu hết trách nhiệm chăm sóc cha mẹ chồng, trong khi vẫn phải nỗ lực làm việc để san sẻ gánh nặng chi tiêu trong gia đình.

Dù phụ nữ có làm nhiều hay làm tốt đến đâu, trong một xã hội bảo thủ, họ vẫn thường xuyên nghe thấy những lời buồn lòng. Nhiều người cho rằng khi đã làm người chăm sóc, phụ nữ không được phép vui vẻ, không được phép ra khỏi cửa, tốt hơn hết là phải luôn luôn rầu rĩ, đầu bù tóc rối.

Thế nhưng, việc chăm sóc cha mẹ là trách nhiệm chung của những người con chứ không riêng gì phụ nữ. Vì vậy họa sĩ truyện tranh Miew khuyên rằng, nhân lúc cha mẹ còn khỏe mạnh, các thành viên trong gia đình nên có những buổi họp để thảo luận về các vấn đề: chia sẻ trách nhiệm chăm sóc, làm cách nào để đối mặt với bệnh tật, chuẩn bị thế nào cho sự rời đi của cha mẹ...

Suy cho cùng, sinh - lão - bệnh - tử là hành trình mà ai cũng phải trải qua trong đời. Tuy nhiên, nếu không đối mặt và chuẩn bị từ trước, chúng ta sẽ rất dễ dàng hụt hẫng rơi vào những hố sâu phiền muộn. Như họa sĩ truyện tranh Miew đã viết: “Vô thường sẽ gõ cửa bất cứ lúc nào, chúng ta chẳng hề có cái gọi là ngày mai vô tận. Chúng ta biết rõ là vậy, thế mà lại luôn cho rằng hiện tại là đương nhiên, có thể tùy tiện phung phí”.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?