| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa

Thứ Hai 12/08/2024 , 09:38 (GMT+7)

Ngày 10/8, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng có văn bản hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (giữa) kiểm tra thực tế những hộ nuôi bò sữa tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Ảnh: PC.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (giữa) kiểm tra thực tế những hộ nuôi bò sữa tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Ảnh: PC.

Từ ngày 30/7, trên địa bàn các huyện Đơn Dương và Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện hiện tượng bò sữa bị tiêu chảy cấp làm một số bê, bò sữa chết.

Tính đến 16 giờ ngày 10/8, đã có có 4.495 con bò sữa bị nhiễm bệnh; 193 con bị chết, tăng 21 con bò bị chết so với thời điểm 16 giờ ngày 9/8 (huyện Đơn Dương 144 con, huyện Đức Trọng 49 con).  

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, đoàn công tác của Cục Thú y, Bộ NN-PTNT đã vào hiện trường điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

Được sự tham vấn của Cục Thú y, Phân viện Thú y miền Trung, các chuyên gia đầu ngành và nhân viên kỹ thuật của các công ty chăn nuôi bò sữa trên địa bàn cả nước..., Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Lâm Đồng bước đầu đã có hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa và đề nghị trung tâm nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai thực hiện.     

Theo đó, tách bò chưa tiêm vacxin viêm da nổi cục ra khỏi đàn bò đã tiêm phòng để theo dõi quản lý. Tách bò bệnh, không để tiếp xúc với đàn bò khỏe; bò khỏe được nhốt ở khu vực ô chuồng riêng đầu hướng gió, đường thoát phân, nước tiểu. Hàng ngày vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống sạch sẽ, tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Người dân truyền nước điện giải cho bò sữa bị bệnh. Ảnh: PC.

Người dân truyền nước điện giải cho bò sữa bị bệnh. Ảnh: PC.

Trường hợp bò, bê có triệu chứng nhẹ, kém ăn (lơ ăn), sốt dưới 40 độ C, phản xạ kém, giảm sản lượng sữa, tăng nhịp thở, nhu động ruột tăng, xử lý theo 2 trường hợp:

- Đối với bò, bê đã được tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục hoặc các vacxin khác trước đó thì dùng các loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim, trợ lực: Vitamin C, tiêm Vitamin tổng hợp; Caphein natri benzoate, truyền dung dịch Glucoza ưu trương 10 - 30% + điện giải (Lactat Ringer) hoặc hòa hỗn hợp chất điện giải theo hướng dẫn của nhà sản xuất cho bò, bê uống tự do (Vita-Electrolytes, Gluco KC, Nova-Dextrolytes…).

Hỗ trợ tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đường ruột bằng cách trộn men tiêu hóa (Probiotic) có chứa các loại vi sinh vật, nấm men có lợi tại dạ cỏ và đường tiêu hóa như Bacillus subtilis, Saccharomyces… vào thức ăn thô xanh. Tăng lượng thức ăn thô xanh (cỏ, thân bắp - cây ngô…), giảm thức ăn tinh (đậm đặc).

- Đối với bò, bê chưa được tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục hoặc các vacxin khác trước đó thì cân nhắc sử dụng một trong các loại kháng sinh phổ rộng, mẫn cảm với các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, đường hô hấp như: Enrofloxacin, Amoxicillin, Marbofloxacin, Neomycin, Navet-Enro 100, Navet-Cel, Syvaquinol, Ceftiofur, Ceftiofen (Ceftiofure + Ketoprofen), Ceptrixon LA, Marbovitryl, Nova-Enrocin 10%…

Ưu tiên sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ hoặc kháng sinh dòng Fluoroquinolones (Enrofloxaxin, Marbofloxaxin); Oxytetracyclin… theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

Ngành chức năng cũng khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học Interferon (Navet-interferon…) trên toàn bộ bò, bê tại trại đang nhiễm bệnh.

Không được bán, vận chuyển, giết mổ bò mắc bệnh, chết; không vứt xác bò chết ra ngoài môi trường. Tiêu hủy bò chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.

Nhân viên thú y tham gia điều trị không đi lại hoặc hạn chế đi lại giữa các trang trại, hộ chăn nuôi khi không cần thiết.

Xem thêm
Nâng cao sức đề kháng vật nuôi sau bão lũ

Cần coi việc xử lý môi trường chăn nuôi và nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi có tính cấp bách không kém gì công tác phòng chống bão lũ.

Băn khoăn làm lúa 3 vụ/năm: [Bài 1] Áp lực dịch hại, tăng chi phí trên cánh đồng lúa 3 vụ

ĐỒNG THÁP Việc thâm canh 3 vụ lúa/năm ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp đang bộc lộ nhiều hạn chế do áp lực sâu bệnh, dịch hại, đội chi phí sản xuất tăng cao.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất