| Hotline: 0983.970.780

Dùng máy hiện đại nhất để xác định nguyên nhân bò sữa bị bệnh và chết

Thứ Bảy 10/08/2024 , 09:02 (GMT+7)

Lâm Đồng Cục Thú y sẽ huy động phòng xét nghiệm tốt nhất, chuyên gia giỏi nhất tổ chức lấy mẫu, xác định nguyên nhân dẫn đến bò sữa bị bệnh và chết tại Lâm Đồng.

Đến nay, ghi nhận 150 con bò sữa bị chết trên tổng số 3,7 nghìn con bị nhiễm bệnh. Ảnh: PC.

Đến nay, ghi nhận 150 con bò sữa bị chết trên tổng số 3,7 nghìn con bị nhiễm bệnh. Ảnh: PC.

Mong mỏi tìm ra nguyên nhân

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, trong 2 ngày 8 và 9/8 lãnh đạo Cục Thú y đã đi kiểm tra thực tế tại những vùng trọng điểm bò sữa bị chết, đồng thời đã có những chỉ đạo nhằm nhanh chóng khống chế bò bị tiêu chảy và chết.

Trong chiều 9/8, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cùng Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và lãnh đạo địa phương đã đi kiểm tra thực tế những hộ nuôi bò sữa tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Có mặt tại những điểm nóng bò sữa bị bệnh và chết thời gian vừa qua, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận rất nhiều bò sữa của người dân bị đuối sức, bỏ ăn sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục, những bình dung dịch muối người dân truyền để tiếp thêm sức cho đàn bò còn treo lơ lửng.

Chứng kiến tình trạng trên, đoàn kiểm tra ai nấy đều xót xa và có những lời động viên giúp người dân vượt qua những khó khăn.

Người dân mong muốn các ngành chức năng vào cuộc, giúp đỡ, tìm ra câu trả lời thích đáng cũng như có biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn này. Ảnh: PC.

Người dân mong muốn các ngành chức năng vào cuộc, giúp đỡ, tìm ra câu trả lời thích đáng cũng như có biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn này. Ảnh: PC.

Chia sẻ với đoàn kiểm tra, ông Võ Đình Hiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết, khi chưa tiêm vacxin viêm da nổi cục, đàn bò của gia đình vẫn khỏe mạnh, vắt sữa đều đặn hàng ngày nhưng sau khi tiêm vacxin thì bò bắt đầu biếng ăn và đến ngày thứ 5 xuất hiệu triệu chứng sốt.

Hiện tại, bò hầu như không ăn nên rất yếu, trừ những con không tiêm vacxin viêm da nổi cục những con còn lại đều sốt.

“Khi phát hiện bò có hiện tượng sốt cao tôi đã dùng biện pháp hạ sốt, truyền dung dịch muối để tăng sức đề kháng cho bò để cho vượt qua. Tính đến ngày hôm nay là ngày thứ 5 tôi liên tục làm như vậy nhưng bò ngày càng yếu và chuyển sang giai đoạn tiêu chảy.

Bước đầu đàn bò của gia đình có hiện tượng tiêu chảy lỏng chứ chưa xuất huyết, nhưng mà các chuồng trước họ tiêm vacxin sớm hơn thì có hiện tượng xuất huyết đường ruột và ra máu”, ông Hiệp cho hay.

Theo ông Hiệp, đàn bò của gia đình được nhân viên thú y địa phương theo dõi, kiểm soát hàng ngày, cả buổi sáng và chiều. Tất cả bò của gia đình đều được đo nhiệt độ kể cả những con bò không tiêm vacxin và chỉ ghi nhận nhiệt độ cao, tình trạng bỏ ăn ở những con tiêm đã tiêm vacxin.

“Người nông dân nuôi bò sữa chúng tôi mong muốn các ngành chức năng vào cuộc, giúp đỡ cho người dân, tìm ra câu trả lời thích đáng cũng như có biện pháp hỗ trợ cho nhân dân trong lúc này. Người nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào con bò, giờ thiệt hại như thế này thì trắng tay”, ông Hiệp chia sẻ.

Tập trung khắc phục, xác định nguyên nhân

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, từ khi xảy ra tình trạng đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị tiêu chảy và chết sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục. Đến nay, đã có 150 con bò sữa bị chết trên tổng số 3,7 nghìn con bị nhiễm bệnh. Trong đó, huyện Đơn Dương là địa phương thiệt hại nhiều nhất với hơn 116 con bị chết và hơn 2.200 con nhiễm bệnh.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (giữa) thăm hỏi các gia đình nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương. Ảnh: PC.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (giữa) thăm hỏi các gia đình nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương. Ảnh: PC.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn đang tập trung chỉ đạo, điều chỉnh và có những biện pháp phòng chống để giảm thấp nhất thiệt hại xảy ra.

“Trước mắt, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung cách ly số bò bị bệnh, thực hiện tiêu độc khử trùng toàn diện, cử cán bộ thú y đến hỗ trợ cho các hộ gia đình, đồng thời hỗ trợ hóa chất để tiêu độc khử trùng và các loại vật tư, nước, chất dinh dưỡng… để giảm bớt thiệt hại thấp nhất”, ông Hoàng Sỹ Bích nói và cho biết thêm, từ ngày 8/8 Cục Thú y cùng các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức phân tích, kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân xảy ra dịch bệnh, đồng thời tập trung điều trị, xác định nguyên nhân gây bệnh trong thời gian vừa qua. 

Để khẩn trương tổ chức xác định nguyên nhân và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngày 9/8, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo Cục Thú y, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tập trung các biện pháp khắc phục.

Cục Thú y cùng các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tập trung điều trị, xác định nguyên nhân gây bệnh trên đàn bò sữa trong thời gian vừa qua. Ảnh: PC.

Cục Thú y cùng các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tập trung điều trị, xác định nguyên nhân gây bệnh trên đàn bò sữa trong thời gian vừa qua. Ảnh: PC.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Bộ NN-PTNT đã trực tiếp chỉ đạo Cục Thú y thành lập đoàn công tác vào Lâm Đồng kiểm tra tình hình, lấy mẫu xét nghiệm và huy động phòng xét nghiệm tốt nhất của ngành thú y Việt Nam, các chuyên gia giỏi nhất để tổ chức lấy mẫu, xác định bằng được nguyên nhân dẫn đến bò bị bệnh, bị chết tại tỉnh Lâm Đồng.

“Bộ NN-PTNT cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể các biện pháp tổ chức chống dịch, quản lý để giảm thiểu số bò bị bệnh, chết; đồng thời chỉ đạo địa phương tập trung hướng dẫn cho người chăn nuôi tại Lâm Đồng yên tâm, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Long cho hay.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.