"Cát tặc" tái xuất
Sau thời gian trầm lắng, gần đây nhu cầu sử dụng cát xây dựng tăng đột biến, giá leo thang, hoạt động khai thác cát trái phép lại trỗi dậy. Đến ngày 31/12/2023, địa bàn tỉnh Tây Ninh có 14 giấy phép khai thác cát xây dựng trên hồ Dầu Tiếng còn hiệu lực (với tổng trữ lượng hơn 7,9 triệu m3, diện tích cấp phép khai thác là 866,8ha). Tổng trữ lượng cát còn lại (nằm ngoài phạm vi cấp giấy phép khai thác) tại hồ Dầu Tiếng ước khoảng 6,49 triệu m3.
Đơn cử, vào khoảng cuối tháng 11/2023, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng phát hiện tàu không số hiệu ngang nhiên hút cát giữa thanh thiên bạch nhật gần khu rừng do đơn vị quản lý. Qua kiểm tra, việc hút cát đã gây sạt lở, một phần rừng tại khu vực khoảnh 8, 9, tiểu khu 58 trôi xuống hồ Dầu Tiếng. Đến 11/3 sự việc trên tái diễn.
Ông Phạm Chí Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị chỉ đạo bộ phận kỹ thuật tiến hành đo đạc và xác định phạm vi bị sạt lở nằm ngoài diện tích đất do BQL được giao phụ trách. Thời điểm đó, đơn vị đang tập trung nhân lực cho công tác nghiệm thu cây rừng cuối năm, trồng và chăm sóc rừng, nhất là chuẩn bị cho việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Vì vậy, từ cuối tháng 11/2023 đến nay, Ban quản lý không thường xuyên đến kiểm tra khu vực này.
“Mặc dù khu đất đó không nằm trong diện tích chúng tôi quản lý, nhưng về mặt nhiệm vụ được giao thì Ban quản lý có trách nhiệm bảo vệ cây rừng trên đất, kể cả đất đó chỉ nằm gần hoặc giáp với đất quy hoạch lâm nghiệp", ông Phạm Chí Trung cho biết.
Bà Trương Thị Ngọc Thúy - Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh) cho biết thêm, nhận được phản ánh, Sở chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu phối hợp Công an huyện khảo sát thực tế tại vị trí sạt lở.
Kết quả sau khảo sát cho thấy, vị trí mà tàu không số hiệu hút cát thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, cách xa phạm vi được cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực này 1 km, nằm ngoài phạm vi được cấp phép, tức đây là hoạt động khai thác cát trái phép.
Vào thời điểm cơ quan chức năng đến khảo sát thì không còn tàu khai thác cát tại đó. Do vậy, việc xác định tàu không số hiệu trên là của ai hoặc công ty, doanh nghiệp nào vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Nhiều ngày có mặt ở hồ Dầu Tiếng, chúng tôi còn phát hiện một số tàu khác không gắn số hiệu đang khai thác cát không đúng vị trí, tàu không số hiệu hoạt động khai thác cát diễn ra cả ngày lẫn đêm tại khu vực xã Minh Hòa thuộc huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Luật Khai thác khoáng sản đã quy định cụ thể về thời gian khai thác nhưng không hiểu sao ở hồ Dầu Tiếng vẫn còn tình trạng hút cát lậu vào ban đêm.
Theo cơ quan chức năng, mỗi doanh nghiệp hoạt động khai thác cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng cần được cấp 4 loại giấy phép gồm: giấy phép khai thác khoáng sản; giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; giấy phép phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Chỉ khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các loại giấy phép, mới được phép hoạt động.
Song song đó, trong các giấy phép này cũng quy định rõ, doanh nghiệp khai thác cát phải cam kết bảo vệ môi trường; lắp đặt camera, thiết bị giám sát hành trình trên tàu/ghe; lắp đặt camera giám sát tại trạm cân, kho bãi để phục vụ theo dõi, giám sát quản lý; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo (sản lượng khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản...) với Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn.
Quá trình khai thác 1 giấy phép chỉ được khai thác 1 bến bãi. Do vậy khi khai thác, tập kết vào bến bãi này, doanh nghiệp nếu muốn xuất bán thì phải cho xe vào múc lên, chạy ra trạm để ghi nhận sản lượng, số lượng và số hiệu xe. Từ đó cho thấy, việc khai thác cát được quản lý, kiểm soát từ sản lượng khai thác, tàu khai thác và sản lượng xuất bán. Thế nhưng, vì sao "cát tặc" vẫn lọt lưới?
Chấn chỉnh toàn diện
Hồ Dầu Tiếng là công trình an ninh quốc gia, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM; phòng - cắt lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho hạ du.
Với dung tích 1,58 tỷ mét khối nước, diện tích mặt nước 2.700ha, phần mặt hồ rộng nhất thuộc tỉnh Tây Ninh, lên tới 70% diện tích. 30% diện tích còn lại thu hẹp dần, trong đó 25% thuộc tỉnh Bình Dương, và 5% ở Bình Phước. Hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng khiến cho môi trường nước và công trình thủy lợi này bị đe dọa.
Trước tình hình khai thác cát lậu tái diễn, UBND tỉnh Bình Dương, Tây Ninh cũng như Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đã có những động thái quyết liệt để kiểm tra, chấn chỉnh.
Theo đó, ngày 25/3, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đã ban hành kế hoạch phối hợp kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ các công trình hồ Dầu Tiếng.
Mục đích của đợt kiểm tra này là quản lý chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi vùng lòng hồ Dầu Tiếng, bảo vệ an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước, an ninh trật tự, chất lượng nguồn nước phục vụ khai thác đa mục tiêu hồ chứa; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thủy lợi, đất đai, tài nguyên, môi trường...
Công ty phối hợp với Cục Thủy lợi, đại diện Phòng An ninh nông lâm ngư nghiệp - Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an; đại diện các sở, ngành liên quan của 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và chính quyền địa phương cấp huyện có liên quan đến hồ Dầu Tiếng. Dự kiến thời gian kiểm tra từ ngày 1/4 - 15/4/2024.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngay khi nhận được kế hoạch, tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn đi kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng đã chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra các phương tiện, bến bãi các đơn vị hoạt động khai thác, kinh doanh cát trong hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức đánh giá thăm dò trữ lượng và phân vùng mỏ hồ Tha La, Dầu Tiếng, xem xét đánh giá lại trữ lượng đối với một số mỏ đã phê duyệt trữ lượng, đưa ra đấu giá theo quy định.
“Để công tác quản lý khoáng sản đi vào nề nếp, các ngành, các cấp sẽ chủ động kiểm tra đột xuất, rà soát tổng thể việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên hồ Dầu Tiếng, nhằm kịp thời phát hiện để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định. Thời gian tới, các ngành, các cấp sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về quản lý khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và người dân nơi có khoáng sản để cùng giám sát và báo cáo ngành chức năng kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh, ông Trần Minh Sơn cho biết thêm.