Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử”
Thói quen tiêu dùng thay đổi
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, nhấn mạnh đến sự cấp thiết, cần thiết của Đề án 319 trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, theo ông Linh, trong năm 2023, sức sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên, trong nội địa, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đóng cửa, trả lại mặt bằng.
Ở ngoài Bắc, chợ Ninh Hiệp - một trong những thủ phủ của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phân phối đi cả nước nhưng hiện nay, tình hình kinh doanh đìu hiu, im ắng. Trong khi đó, ở miền Nam, tình trạng này còn nặng nề hơn nhiều.
Dù tình hình sản xuất kinh doanh còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, song sức mua sắm của người dân không hề giảm mà chuyển từ phương thức mua sắm trực tiếp sang hình thức mua sắm online.
"Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online", ông Trần Hữu Linh nhận định và dẫn chứng, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.
Ngoài những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trong 10 tháng năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có một loạt bài viết nêu vấn đề thuốc bảo vệ thực vậy độc hại, trong đó nổi cộm là tình trạng mua bán tràn lan, dễ dàng, khó kiểm soát trên các nền tảng thương mại điện tử.
Hiện nay, xuất hiện hiện tượng buôn bán thuốc BVTV cấm, thuốc ngoài danh mục… bằng hình thức bán hàng giữa người mua và người bán không trực tiếp giao dịch mà thông qua điện thoại, online, ship hàng. Thuốc BVTV sẽ được vận chuyển đến địa điểm hai bên thống nhất nên lực lượng thanh tra chuyên ngành rất khó phát hiện.
Các loại chế phẩm diệt côn trùng (không thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp) có chứa hoạt chất không được sử dụng trong nông nghiệp, có bao bì, nhãn mác giống như thuốc BVTV được buôn bán cùng với các loại thuốc BVTV, gây khó khăn trong việc xử lý đối với công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Thêm một khó khăn nữa là khi tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng, nhất là lấy nhiều mẫu gửi các đơn vị phân tích được Bộ NN-PTNT chỉ định, thời gian phân tích mẫu thường kéo dài, ảnh hưởng tới thời hạn thanh tra tại cơ sở.
Ngoài ra, kinh phí phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, thời gian trả kết quả kiểm định chất lượng còn chậm, vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng phân bón, thuốc BVT lưu thông trên thị trường.
Nhóm giải pháp
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, theo ông Trần Hữu Linh, từ nay đến năm 2025 lực lượng Quản lý thị trường cả nước phải chú trọng vào 4 nhiệm vụ chính.
Đầu tiên là hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các văn bản chính sách pháp luật để bám sát thực tiễn; tránh sự chồng chéo giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Thứ hai, tạo sự chuyển biến trong nhận thức tiêu dùng của người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh hoạt động chuyên môn kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường. Do vậy, từ cuối năm 2018 đến nay, Tổng cục cũng như Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã mở cửa các không gian trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, từ đó, góp phần nâng cao ý thức người tiêu dùng, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả.
Tiếp theo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Quản lý thị trường thông qua các buổi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh 24/7, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mọi lúc mọi nơi.
Và cuối cùng, mục tiêu cao nhất của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả trên không gian mạng là hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Theo báo cáo “Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn 2021 - 2023, phương hướng nhiệm vụ thực hiện thời gian còn lại của năm 2023” của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), năm 2021, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 676 lượt cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn thành phố Hà Nội, phát hiện 21 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 109 triệu đồng.