Thủ thuật của các con buôn
Sau quá trình tìm hiểu thực trạng sử dụng thuốc BVTV ở một số xã trồng hoa vùng ngoại thành Hà Nội và một số địa phương khác thuộc Đồng bằng sông Hồng nhóm PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tìm đủ mọi cách để tiếp cận các đường đường dây buôn bán thuốc BVTV Tàu.
Tuy nhiên, như lời của một cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội chia sẻ: Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán thuốc BVTV Tàu ngày càng tinh vi, rất khó để tiếp cận. Những trường hợp kinh doanh qua mạng xã hội, qua sàn thương mại điện tử, qua điện thoại ship hàng online thì chỉ người mua và người bán biết với nhau, địa điểm giao hàng ở đâu, phương thức thanh toán như thế nào rất khó để giám sát. Còn đối với các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV cấm thường được cất giấu ở nhiều địa điểm bí mật khác nhau, chỉ người dân quen biết trong vùng đến hỏi đúng tên thuốc họ mới đem ra bán. Người lạ mặt đến lập tức sẽ bị nghi ngờ, không bao giờ mua được thuốc Tàu đâu.
Sau một số lần tiếp cận theo lối thông thường nhưng thất bại, nhóm phóng viên cải trang thành những người lao động lấm lem bùn đất, kết hợp nhờ một số người dân địa phương hỗ trợ mới có thể tiếp cận sâu hơn vào các đại lý buôn thuốc cấm và phát hiện nhiều thủ thuật tinh vi của những đầu mối kinh doanh thuốc BVTV Tàu.
Vùng trồng hoa và rau màu ở các xã Tiền Phong, Mê Linh, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh của huyện Mê Linh từ nhiều năm nay các đại lý kinh doanh thuốc BVTV mọc lên như nấm. Ông Th, một nông dân trồng hoa trong vùng tiết lộ, mùa này đang cao điểm đánh sâu, bọ nhảy nên thuốc Tàu về nhiều lắm. Có những loại phổ biến như sâu Tàu, nhện Tàu thì hầu như đại lý nào cũng có, còn một số loại cao cấp như nhện “bóng đèn” thì chỉ vài đại lý có mối lâu năm bên Tàu mới có. “Các anh lạ mặt hỏi người ta không nói đâu, chỉ dân chúng tôi vào mua mới đem ra bán thôi”, ông Th khẳng định.
Được sự giúp đỡ của ông Th, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được chủ đại lý tên L ở xã Mê Linh. Theo thông tin từ những người dân ở trong vùng, gia đình ông L có mối lấy thuốc BVTV Tàu từ thời các cụ để lại nên có nhiều loại hàng thuộc dạng độc quyền ở khu vực này. Khách hàng bên Đông Anh, Sóc Sơn và nhiều vùng khác ở Hà Nội cũng phải tìm đến đây, và cũng chỉ những mối quen biết lâu năm ông L mới bán.
Dù đã được ông Th “bảo kê” là người nhà có nhu cầu mua thuốc về đánh sâu, đánh cỏ cho nhà vườn nhưng vừa gặp mặt ánh mắt chủ cửa hàng tên L liên tục xét nét, hỏi nhiều câu mang tính “chuyên môn” để kiểm tra người lạ mặt như: “đánh loại nào”, “cần liều lượng bao nhiêu”, “đánh cho cây gì”, “hoa hay là rau”… Đã được “tập huấn” qua từ trước nên chúng tôi trả lời khá trôi chảy. Sau đó nhờ ông L bán cho một ít “sâu Tàu” và “cỏ màu Tàu”, hai loại thuốc trừ sâu và trừ cỏ người dân địa phương đang dùng phổ biến.
Mặt vẫn bịt kín khẩu trang, sau khi sai người trong cửa hàng chạy đi đâu đó một lúc, ông L vào trong và mang ra đủ cả hai loại. Loại sâu Tàu dạng chai vừa có vỏ màu xanh chuyên “đánh sâu”, loại “cỏ màu Tàu” dạng lọ nhỏ, màu đỏ thẫm như máu. “Sâu Tàu 3 chai, mỗi chai giá 105 nghìn đồng, cỏ màu Tàu 5 lọ, mỗi lọ 17 nghìn đồng, tổng hết 400 nghìn đồng”, ông L tính toán. Tiếp tục lân la hỏi thuốc Tàu dạng “bóng đèn” người dân địa phương chuyên dùng đánh nhện giá khoảng 800 nghìn đồng một chai, ông L nói: Bóng đèn chưa về, vài hôm nữa mới có.
“Loại bóng đèn chuyên đánh nhện này chỉ nhà SVĐ là bán nhiều”, ông Th nói rồi dẫn chúng tôi tiếp cận chủ đại lý kinh doanh thuốc BVTV lớn nhất nhì ở vùng hoa Mê Linh. Tuy nhiên, thời điểm tiếp cận, ông S (chủ đại lý SVĐ) cho biết “bóng đèn dạng chai to đang tạm hết hàng, chừng một tuần hoặc mười ngày nữa hàng bên kia mới về đến”. "Nhà S này mà hết thì cả vùng này hết. Nhà nó có mối lấy trực tiếp bên Tàu về, có thời điểm loại "bóng đèn" này là độc quyền của nhà nó mà", ông Th tiếc rẻ.
Tiếp tục lần theo đầu mối của loại thuốc BVTV Tàu chuyên đánh nhện, chúng tôi lên vùng chuyên trồng phật thủ và hoa đồng tiền ở các xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) và xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ). Nhiều nông dân sử dụng các loại thuốc Tàu dạng bóng đèn và dạng “dấm Tàu” chuyên diệt bọ nhảy nơi đây cũng tiết lộ: Dân vẫn còn dùng nhiều lắm, nhưng các anh là người lạ mặt, vào hỏi chắc chắn các đại lý sẽ bảo không có. Ở vùng này, họ chỉ bán cho những người thực sự thân quen hoặc đã mua bán nhiều lần, nhiều người dân muốn mua cũng phải nhờ qua một người khác nữa mới có thể mua được.
Ông T, một nông dân trồng phật thủ, mỗi năm tiêu tốn cả trăm triệu đồng tiền thuốc BVTV chia sẻ: “Hầu hết chúng tôi đều mua thuốc Tàu ở đại lý D. nhiều nhất là thuốc “dấm Tàu” chuyên đánh nhện giá từ 350 đến 390 nghìn đồng một thùng, ngoài ra còn dùng loại “bóng đèn” giá 800 nghìn đồng mỗi chai. Ở đây hầu hết các đại lý đều buôn bán bình thường, không bao giờ để thuốc Tàu trong nhà đâu, chỉ khi nào dân hỏi họ mới đi lấy, hoặc cho người mang đến tận vườn”.
Còn ông Q, một nông dân ở làng hoa Tây Tựu lên thuê đất trồng hoa đồng tiền ở xã Đồng Tháp tiết lộ: Cao điểm có những tháng tôi đầu tư 50 triệu đồng tiền thuốc. Thường thì vào vụ biết người dân có nhu cầu, đại lý chở cả ô tô hàng Tàu xuống phân phát cho mỗi hộ vài thùng, đa phần là loại “bóng đèn đánh nhện”, thuốc Tàu đánh nấm, đánh sâu vẽ này. Thuốc mình đánh cũng sạch nhện, sạch sâu nhưng phải cộng thuốc Tàu vào, lá nó mỡ hơn.
Sử dụng “bài” cũ ở Mê Linh để nhờ nông dân tiếp cận đại lý D, nhưng chúng tôi đều bị từ chối bởi “đa số chúng tôi đều phải mua nợ thuốc, lỡ có chuyện gì bà ấy không cho nợ nữa thì toi”. Bà D cũng chỉ là đại lý trung gian, nhập hàng từ một nguồn khác chuyên "đánh" từ biên giới về.
Nan giải với nạn buôn bán thuốc BVTV cấm qua mạng
Song song với việc tìm hiểu thực trạng buôn bán thuốc BVTV cấm ở các đại lý trên địa bàn thành phố Hà Nội, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng vào nhiều trang kinh doanh thuốc BVTV qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Bởi theo lời nhiều nông dân ở Mê Linh, Phúc Thọ, Đan Phượng… từ nhiều năm nay công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng của Hà Nội rất gắt gao và thường xuyên nên một số đại lý hoặc trực tiếp đặt hàng qua mạng, hoặc giới thiệu người dân các địa chỉ mua hàng để giao nhận hàng online nhằm tránh tai mắt cơ quan chức năng.
Những người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV Tàu tiết lộ, có hai con đường để thuốc BVTV Tàu vào Việt Nam, một là các đầu mối có nguồn hàng bên kia biên giới sang chào hàng cho các đại lý, các chủ đầu nậu ở khu vực biên giới, sau đó móc nối với nhau bán hàng cho các đại lý nhỏ hơn hoặc kinh doanh qua mạng. Hai là các đầu nậu từ Việt Nam sang bên kia biên giới đặt hàng và tìm cách đưa về trong nước tiêu thụ kiếm lời.
Khác với hình thức buôn bán ở các cửa hàng vật tư, qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok hay các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…, thuốc BVTV Trung Quốc được bày bán công khai và chỉ cần một cuộc điện thoại người nông dân có thể được ship hàng đến tận vườn. Chúng tôi đã thử vào một số hội nhóm trên Facebook và các sàn thương mại điện tử để đặt thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm, thuốc lậu và nhanh chóng hoàn thành các giao dịch.
“Thời đại 4.0 nên có nhiều thủ đoạn giao hàng rất tinh vi”, Theo cơ quan chức năng, Để đối phó với vấn nạn này, không thể chỉ dựa vào ngành nông nghiệp mà cần phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là các cơ quan: Công an, thông tin truyền thông, quản lý thị trường, chính quyền địa phương...
Tương tự, một cán bộ lâu năm nghiên cứu thị trường thuốc BVTV khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng khẳng định: Để ngăn chặn thuốc BVTV Tàu, trước hết vẫn phải chặt đứt các đường dây cung ứng từ bên kia biên giới về. “Phải đặt câu hỏi là làm sao các lô hàng thuốc BVTV Trung Quốc ngoài danh mục, thuốc cấm, thuốc độc hại vẫn có thể tuồn về Việt Nam, trong khi chúng ta có đầy đủ lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an ở khu vực biên giới?”, chuyên gia đặt câu hỏi.
Thứ hai là các đại lý kinh doanh, dù họ hoạt động tinh vi đến mấy thì vẫn có thể tiếp cận được, giống như cách PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã làm. Không thể nói là lực lượng công an, chính quyền địa phương không biết các đại lý đó buôn thuốc cấm được.
Thứ ba là thực trạng kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm, thuốc giả, thuốc nhái tràn lan trên mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử. Cần phải có chế tài quản lý, các chuyên án triệt phá những đường dây buôn bán thuốc BVTV độc hại qua mạng, nếu không hệ lụy sẽ rất khôn lường.
“Đa số thuốc BVTV Trung Quốc đang được buôn bán, sử dụng tại Việt Nam đều là thuốc cấm, có độ độc cao. Tuy nhiên, vì thuốc Trung Quốc có giá thành sản xuất rất rẻ nên khi tiêu thụ được sẽ đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Có lẽ đó là nguyên nhân chính khiến thực trạng kinh doanh mặt hàng này vẫn còn bát nháo, thủ đoạn ngày càng tinh vi”, vị chuyên gia chia sẻ.