| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: [Bài 3] Thuốc giả, thuốc nhái biết cấm vẫn dùng

Thứ Tư 29/11/2023 , 08:43 (GMT+7)

Cùng với vấn nạn thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, các loại thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc nhái vẫn xuất hiện ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội.

Người trồng rau ở Đông Cao. Ảnh: Hoàng Anh.

Người trồng rau ở Đông Cao. Ảnh: Hoàng Anh.

Biết cấm từ lâu nhưng vẫn buôn bán, sử dụng

Ngày 12/2/2019, Bộ NN-PTNT có Quyết định số 501/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất FipronilChlorpyrifos Ethyl ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Kèm theo đó là danh mục 228 loại thuốc thương phẩm có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và 152 loại thuốc thương phẩm có Fipronil.

Quy định cũng nêu rõ, từ ngày 12/2/2021 không được phép buôn bán, sử dụng những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chứa những hoạt chất này, thậm chí người sử dụng thuốc có chứa các hoạt chất nói trên sẽ bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 26 của Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Vùng rau Đông Cao. Ảnh: Hoàng Anh.

Vùng rau Đông Cao. Ảnh: Hoàng Anh.

Tuy nhiên, sau 4 năm từ lúc quyết định được ban hành, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, một số vùng sản xuất vẫn còn tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Fipronil.

Chúng tôi có mặt tại vùng trồng rau thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Với diện tích chuyên canh khoảng 300ha, Đông Cao là một trong những thủ phủ rau của Hà Nội, mỗi năm cung ứng hơn 30 tấn rau, củ, quả các loại. Từ nhiều năm trước, Đông Cao đã có nhiều diện tích rau, củ, quả được chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, một số diện tích sản xuất theo mô hình Cánh đồng sạch, không sử dụng thuốc kích thích…

Thuốc chứa hoạt chất Fipronil bị loại ra khỏi danh mục được phép buôn bán, sử dụng nhưng vẫn xuất hiện ở xã Tráng Việt. Ảnh: An Khang.

Thuốc chứa hoạt chất Fipronil bị loại ra khỏi danh mục được phép buôn bán, sử dụng nhưng vẫn xuất hiện ở xã Tráng Việt. Ảnh: An Khang.

Nhưng đi thực tế ở vùng rau Đông Cao mới thấy, vẫn còn nhiều hộ dân sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất không được phép buôn bán, sử dụng như: Thuốc trừ sâu Reagt 800WWG diệt và ngừa nhện đỏ, thuốc trừ sâu Suphu 5SC trị sâu đục thân sâu cuốn là, Virigent, Regent… toàn những loại thuốc được quảng cáo “phun không trúng sâu, sâu vẫn chết”.

Mấy năm nay, thôn Đông Cao thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV để mang đi tiêu hủy, trung bình cứ khoảng 3 ngày sẽ dọn sạch một lần nhưng ở nhiều ruộng rau, vỏ bao bì vương vãi khắp nơi. Thử mở một số thùng đựng vỏ thuốc của bà con, các loại thuốc chứa hoạt chất Fipronil hầu như nhà nào cũng có.

Người dân bảo biết là cấm nhưng vẫn phải dùng. Ảnh: Hoàng Anh.

Người dân bảo biết là cấm nhưng vẫn phải dùng. Ảnh: Hoàng Anh.

Vừa pha thuốc chuẩn bị “đánh” sâu, ông B., thành viên của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao vừa tiết lộ: Mùa này dân chuộng nhất là dòng Regan, đánh sâu hiệu quả. Có nhiều loại lắm nhưng phổ biến nhất là dạng đóng chai (Suphu 5SC), bà con gọi là “Regan đỏ” và các loại Regan dạng gói như Virigent… Khi được hỏi ông có biết các loại Regan này chứa hoạt chất Fipronil đã bị loại ra khỏi danh mục được phép sử dụng từ nhiều năm trước rồi hay không, ông B thành thật: Biết cấm nhưng hợp tác xã vẫn bán thì dân vẫn dùng, có gì thì hợp tác xã chịu trách nhiệm.

Ở vườn rau bên cạnh, ông T, một hộ trồng rau khác chia sẻ thêm: Vùng trồng rau sợ nhất là bọ nhảy, bà con biết là cấm rồi nhưng không có “Regan đỏ” không trị được nên đành phải mua thôi. "Các bác mua ở đâu?", chúng tôi hỏi. Cả ông B và ông T cho biết những loại thuốc trừ sâu này hầu như các đại lý ở đây đều có bán, nhưng chỉ người dân địa phương mới có thể mua thôi.

 
Loại thuốc phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam mua ở đại lý H.L. Ảnh: An Khang.

Loại thuốc phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam mua ở đại lý H.L. Ảnh: An Khang.

Sau khi tìm hiểu kỹ những “quy định” của các đại lý và nhờ sự giúp đỡ của một người dân ở Đông Cao, chúng tôi tiếp cận cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp H.L. Đó là đại lý kinh doanh khá lớn trong khu vực, rộng khoảng hơn 100m2 và buôn bán đủ các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV, thuốc Thú y, thức ăn chăn nuôi… Đặt vấn đề mua một ít thuốc Regent, bà chủ cửa hàng lập tức dò xét: Nhà ở đâu, con cái nhà ai, mua để phun cho cây gì… Nhờ chuẩn bị kỹ từ trước và sự hỗ trợ của người dân địa phương, chúng tôi vượt qua được khâu sát hạch và được bà chủ cửa hàng chấp nhận bán thuốc.

 

Loại thuốc mà phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam mua được có tên thương mại là Regent với thành phần Fipronil 800g/kg và phụ gia 200g/kg “đặc trị sâu cuốn lá, cắt đời nhện gié”. Một chuyên gia trong lĩnh vực thuốc BVTV khẳng định đây là loại thuốc đã bị đưa ra khỏi danh mục theo quy định của Bộ NN-PTNT, số thuốc mà các đại lý đang bán cho người dân vùng rau Đông Cao có thể là thuốc tồn hoặc thuốc giả. “Cho dù thuộc loại nào cũng rất nguy hiểm bởi hoạt chất Fipronil có độ độc cao”, vị chuyên gia khẳng định.

Ngoài vấn nạn thuốc bị đưa ra khỏi danh mục nhưng vẫn buôn bán, sử dụng, vùng rau Đông Cao còn phải đối mặt với thuốc giả, thuốc nhái. Anh H., thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao đồng thời cũng là đại lý kinh doanh thuốc BVTV ở vùng này tiết lộ thêm: Thỉnh thoảng lại thấy bà con mang thuốc giả đến cửa hàng để đối chiếu. Bây giờ bọn chúng làm tinh vi đến mức nếu chỉ nhìn bề ngoài giống các loại thuốc thật đến 99,9%. Thông thường, các chủ buôn sẽ chất hàng lên xe “su cóc”, đi đến từng đại lý chào mời, nhiều chủ đại lý kinh doanh dù không cố tình bán thuốc cấm nhưng vẫn bị lừa, chỉ đến lúc người dân đến tố thì mới biết.

Vỏ bao bì thuốc BVTV ở Đông Cao. Ảnh: An Khang.

Vỏ bao bì thuốc BVTV ở Đông Cao. Ảnh: An Khang.

Tương tự là nạn thuốc nhái tên thương mại na ná để ăn theo các loại thuốc chất lượng. Ví dụ bà con biết thuốc trừ nấm Tilt Super tốt thì y như có hàng loạt sản phẩm như Tilcrow Super, Jettile Super… nông dân không có cách nào phân biệt được. Hậu quả cuối cùng là người dân lâm cảnh “tiền mất, tật mang”.

Làm giả cả tem chống hàng giả, mã QR…

Trong quá trình tìm hiểu tình trạng kinh doanh thuốc BVTV giả, thuốc nhái ở Hà Nội, phóng viên nhận được nhiều tố cáo của người dân về việc mua phải hàng giả qua mạng xã hội Facebook.

Ông Tâm, một nông dân trồng phật thủ ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) bức xúc: Đợt vừa rồi thấy thuốc trừ sâu thế hệ mới khan hàng, mấy anh em nghe nói trên mạng bán nhiều bèn rủ nhau vào mấy trang Facebook để đặt. Ai dè mua phải thuốc giả, bao bì, nhãn mác làm y như thật, nhìn qua cực kỳ giống, chỉ đến khi phun mãi mà không thấy sâu chết mới biết mất oan cả chục triệu đồng.

Tương tự, ông Trí, một nông dân trồng hoa hồng ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) cũng ngán ngẩm: Thấy quảng cáo thuốc xịn mà giá rẻ hơn giá công ty giới thiệu đã thấy nghi nghi rồi, nhưng các đại lý hết hàng nên anh em phải lên mạng để tìm. Vụ hoa vừa rồi, 4-5 gia đình trong xã mất toi cả trăm triệu đồng vì mua phải thuốc BVTV giả.

Lần theo đầu mối mua hàng của một số người dân chúng tôi liên hệ với các hội nhóm trên Facebook và dễ dàng kết nối với các đầu mối chuyên bán sản phẩm giả. Một trang Facebook có tên Nông nghiệp xanh chào bán thuốc trừ sâu thế hệ mới với giá 430 nghìn đồng/10 gói, một thùng 400 gói giá 12,8 triệu đồng, cam kết hàng thật, chất lượng. Trang khác có tên là Đại lý thuốc BVTV Đoan Hùng cũng rao bán loại thuốc này với giá 32.000 đồng/gói, mua 50 gói giá 1.600 nghìn đồng…

Đem những sản phẩm này liên hệ với đơn vị sản xuất chính hàng, chúng tôi được biết tất cả đều là sản phẩm giả. Tuy nhiên, chỉ có một vài chi tiết cực nhỏ trên bao bì và cũng chỉ những người được tập huấn kỹ càng mới có thể phân biệt được, còn đại đa số người dân chắc chắn không nhìn ra.

“Để đối phó với tình trạng này, các doanh nghiệp sản xuất nghiên cứu nhiều biện pháp như dán tem, làm mã QR nhưng có những sản phẩm các đối tượng làm giả luôn cả tem, cả nhãn, chỉ đến lúc mang đi kiểm tra thành phần thuốc mới phát hiện đó là thuốc giả. Chính vì vậy, giải pháp khả dĩ nhất vẫn là từ công tác quản lý, phát hiện và triệt phá các tổ chức, cá nhân làm giả mà thôi”, đại diện một công ty thuốc BVTV cho biết.

Cần chế tài kiểm soát kinh doanh thuốc BVTV qua mạng. Ảnh: Hoàng Anh.

Cần chế tài kiểm soát kinh doanh thuốc BVTV qua mạng. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngoài tình trạng kinh doanh qua mạng diễn biến phức tạp, Hà Nội cũng đã phát hiện một số vụ việc sản xuất hàng giả, hàng nhái với số lượng khủng. Tháng 6/2022, cơ quan chức năng từng phát hiện kho hàng của ông Phan Việt Anh (tại ngõ 785, đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai) lén lút sản xuất một lượng lớn thuốc trừ sâu Trung Quốc giả mạo thương hiệu Việt.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là dán nhãn các nguyên liệu thuốc trừ sâu bán thành phẩm do Trung Quốc sản xuất thành sản phẩm Việt với đủ các thương hiệu như: LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu,…  Sau khi kiểm đếm, phân loại, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ 732 can và 12.015 chai thuốc trừ cỏ, tương đương với 17.900 lít. Theo hướng dẫn sử dụng, với số lượng trên sẽ diệt cỏ cho 12.000ha.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, một cán bộ thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội khẳng định: Thời gian qua, Hà Nội rất quyết liệt thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, kinh doanh thuốc BVTV.

Năm 2022, chi cục tổ chức hơn 700 cuộc thanh, kiểm tra đối với lĩnh vực thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng, phát hiện 22 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 250 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2023 cũng phát hiện các hành vi vi phạm như buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán…

"Hiện nay, có hiện tượng buôn bán thuốc BVTV cấm, thuốc ngoài danh mục,… bằng hình thức bán hàng giữa người mua và người bán không trực tiếp giao dịch mà thông qua điện thoại, online, ship hàng. Thuốc BVTV sẽ được vận chuyển đến địa điểm hai bên thống nhất nên lực lượng thanh tra chuyên ngành rất khó phát hiện”, vị cán bộ khẳng định.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.