| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: [Bài 4] 'Chuyên gia làng' chỉ mánh khóe làm nhái thương hiệu

Thứ Năm 30/11/2023 , 09:10 (GMT+7)

Đánh vào tâm lý người nông dân thường chọn thuốc BVTV rẻ hơn dù chỉ 1-2 ngàn đồng, nhiều hãng nhái thương hiệu bằng cách thay đổi chỉ một vài ký tự tên thuốc...

Bà Trịnh Thị Ngãi (SN 1960, xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: K.Trung.

Bà Trịnh Thị Ngãi (SN 1960, xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: K.Trung.

"Mua chuộc" đại lý để tiếp thị thuốc BVTV kém chất lượng 

Bà Trịnh Thị Ngãi (SN 1960, xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) là người có thâm niên hơn 30 năm bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Không chỉ có kinh nghiệm lâu năm, bà còn là người có tâm trong nghề. Do đó, đại lý thuốc BVTV của bà Ngãi luôn là địa chỉ uy tín đối với người dân địa phương.

Theo bà Ngãi, mỗi tháng bà phải tiếp rất nhiều nhân viên tiếp thị thuốc BVTV muốn hợp tác với đại lý do bà làm chủ. Họ đưa ra phần trăm chiết khấu cao hơn so với những nhãn thuốc mà cửa hàng của bà đang bày bán, thậm chí còn hứa hẹn sẽ “khuyến mại” bằng hiện vật như tủ đựng thuốc, biển bảng quảng cáo… Tuy nhiên, bà đều thẳng thừng từ chối.

"Mỗi hãng thuốc mới ra đều đẩy mạnh việc tiếp thị, đó là điều tất yếu, tôi cũng không kỳ thị việc nhân viên thị trường của họ đi tới từng đại lý thuốc BVTV ở tận làng, xã… để mời chào. Nhưng không phải ai mình cũng hợp tác, vì nếu bán thuốc không đảm bảo chất lượng, mình không chỉ bị mất uy tín, nhất là với những khách hàng toàn là người dân trong làng, trong xã. Điều nguy hiểm nhất, đó là ảnh hưởng tới năng suất cây trồng của người dân, mình không thể nhắm mắt để bà con bị thất bát được", bà Ngãi chia sẻ.

Cửa hàng thuốc BVTV của bà Ngãi luôn là địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân Tiên Lữ. Ảnh: K.Trung.

Cửa hàng thuốc BVTV của bà Ngãi luôn là địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân Tiên Lữ. Ảnh: K.Trung.

Bà Ngãi kể: Mấy năm trước, có một nhân viên tiếp thị tên Q. “đồng nát” ở trên thị trấn Tiên Lữ xuống tiếp thị thuốc trừ sâu ở cửa hàng tôi. Tôi không nhận hàng vì nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc sản xuất… nhưng anh ta một mực xin gửi lại sản phẩm để làm mẫu. Sau khi anh ta đi khỏi, tôi lấy một gói ra để kiểm tra, hòa liều lượng theo chỉ định in trên vỏ thuốc. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy một loại hợp chất màu trắng đục đục, không mùi, không có bất kỳ dấu hiệu nào của hóa chất BVTV.

“Nếu bán thuốc không đúng chất lượng thì làm hại bà con, sâu bệnh không những không khỏi còn nhờn, kháng thuốc. Ngay hôm sau tôi gọi cho anh ta phải lên thu hồi sản phẩm về, nếu không tôi sẽ báo cho quản lý thị trường và đơn vị bảo vệ thực vật. Mình mà hám lợi thì người nông dân sẽ chịu hậu quả”, bà Ngãi thẳng thắn.

Vạch mặt thủ đoạn nhái thương hiệu thuốc BVTV 

Thị trường thuốc BVTV là một “miếng bánh” mang lại lợi nhuận rất lớn. Mỗi năm, xuất hiện hàng loạt sản phẩm mới, công ty sản xuất thuốc BVTV mới ra đời.

“Người có thâm niên hơn 30 năm như tôi còn không nắm được hết nói gì bà con nông dân”, bà Ngãi giải thích.

Theo bà Ngãi, đánh vào tâm lý của người nông dân, đó là bà con thường mua những sản phẩm thuốc BVTV giá bán thấp hơn, thậm chí tiết kiệm được 1-2 ngàn đồng là người mua ngả sang loại mới mà không cần biết chất lượng thuốc, nguồn gốc xuất xứ do công ty nào sản xuất. Các hãng ra đời sau thường lấy giá cả để cạnh tranh với những sản phẩm đã có trước đó.

Sản phẩm TiltSuper 300 EC của Syngenta...

Sản phẩm TiltSuper 300 EC của Syngenta...

và một sản phẩm khác na ná với tên TilcaliSuper 300EC.

và một sản phẩm khác na ná với tên TilcaliSuper 300EC.

Nếu chỉ cạnh tranh bằng giá, đó vẫn là cạnh tranh lành mạnh, tuy nhiên, có những nhãn thuốc lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của người nông dân nên làm nhái sản phẩm một cách trắng trợn. Họ giữ nguyên tên thuốc đã có thương hiệu, chỉ thay đổi một ký tự. Người mua thường không để ý, sẽ ngay lập tức bị mua nhầm sản phẩm mà vụ mùa trước đó mình đã từng mua.

Lấy dẫn chứng, bà Ngãi cho biết: Với bệnh khô vằn và lem lép hạt trên lúa, bà rất tín nhiệm thuốc TiltSuper 300 EC của Công ty Syngenta sản xuất. Theo chỉ dẫn, 1 “cốc” TiltSuper 300 EC dùng cho một sào Bắc bộ (360m2) với liều lượng từ 16 - 18 lít nước hòa tan.

“Tôi thường khuyên bà con sử dụng thuốc này vì hiệu quả rất tốt. Tùy theo tình trạng bệnh mà điều chỉnh liều lượng, nếu nặng, tôi cho bà con “đánh” 2 “cốc” kèm thêm thuốc giúp tăng trưởng cây lúa, phun thuốc này giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ, bông lúa mẩy, chắc hạt và hạt vàng hơn, ngoài ra phòng được bệnh khô vằn. Sau phun thuốc, lúa đẹp, sáng lên, bà con sẽ tín nhiệm, năm sau sẽ lại mua thuốc này. Mình bán hàng như vậy cũng yên tâm hơn”, bà Ngãi nói.

Thế nhưng, thị trường thuốc BVTV ngay sau đó xuất hiện nhiều nhãn thuốc “na ná” hoặc giống tới 90% sản phẩm TiltSuper 300 EC của Syngenta. Họ lấy tên chỉ khác đi một vài chữ, ví dụ như TilcaliSuper 300EC. Người mua nhìn tên thuốc, mẫu mã y hệt mà không để ý kỹ, nó chỉ khác nhau chữ “t” được thay bằng chữ “cali” in rất nhỏ.

Nhãn thuốc Anvil của Syngenta...

Nhãn thuốc Anvil của Syngenta...

và một sản phẩm khác cùng tên chỉ khác nhau chữ 'n'. 

và một sản phẩm khác cùng tên chỉ khác nhau chữ "n". 

Tương tự, nhãn thuốc Anvil 5SC cũng của Syngenta bị nhái nhãn hiệu thành Anvin…, chữ “l” ở cuối tên thuốc được đổi thành chữ “n”.

"Có hàng ngàn loại thuốc trừ sâu, mỗi năm các hãng lại cho ra đời hàng loạt các loại thuốc mới, dù thành phần, số lượng hoạt chất cơ bản cũng chỉ có ngần ấy và được Bộ NN-PTNT quy định. Người bán thuốc BVTV cũng giống như một bác sỹ “kê đơn, bốc thuốc” cho bệnh nhân, chỉ khác nhau là đối tượng điều trị. Mỗi năm, chúng tôi phải tiếp các đoàn thanh tra của quản lý thị trường, bảo vệ thực vật, phải tham gia 2 khóa tập huấn để được cập nhật các thông tin về thuốc BVTV, các loại chất cấm không được lưu hành. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất cao nên mình không dại gì lại tiếp tay cho các hãng thuốc không chân chính, làm hại người nông dân, làm hại cây trồng”, bà Ngãi khẳng định.

Cũng theo kinh nghiệm của bà Ngãi, “những hãng thuốc giả, thuốc nhái, “ăn cắp” nhãn hiệu, công thức…, hình ảnh trên bao bì, vỏ thuốc thường “màu mè”, in ảnh mùa màng bội thu, năng suất… Ngoài ra, những tên thuốc có chữ “100% nhập ngoại” hay “liên doanh, liên kết” với tập đoàn này, tập đoàn khác… là những thứ không đáng tin, cần phải cảnh giác”.

Theo anh L.M.Đ, nhân viên thị trường của Công ty Syngenta, sản phẩm của Công ty Syngenta chất lượng và hiệu quả nên có rất nhiều công ty thương mại sản xuất hàng nhái, hàng giả để cạnh tranh. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con nông dân (đặc biệt là nông dân trồng lúa) đưa ra các sản phẩm nhái tên cùng phân khúc.

Một số đại lý nhỏ lẻ do chạy theo lợi nhuận nên nhập các hàng chất lượng kém, có lợi nhuận cao để bán ra thị trường.

“Chúng tôi không thể ngăn chặn được việc làm giả, làm nhái sản phẩm. Khi phát hiện ra một sản phẩm bị làm nhái, làm giả, việc đầu tiên chúng tôi thông báo tới các đại lý để các đại lý, cửa hàng bán thuốc BVTV là người sẽ trực tiếp tư vấn cho người nông dân, để bà con nâng cao tinh thần cảnh giác”, anh Đ. cho hay.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.