Bỏ trống chuồng
Hầu hết hộ chăn nuôi gà ở Bình Định hiện đang bỏ trống chuồng, không tái đàn do giá thức ăn tăng cao, giá gà lại tuột thấp và bí đầu ra.
Hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Mạnh Huy (50 tuổi) ở khu vực Hòa Ninh, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định), lấy nghề nuôi gà thương phẩm làm kế sinh nhai cho cả gia đình. Thời điểm chuyện làm ăn thuận lợi, trong chuồng anh Huy nuôi đến cả 10.000 con gà thương phẩm.
Thế nhưng từ đầu năm 2021 đến nay anh Huy đành bỏ trống chuồng bởi giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng, giá gà liên tục giảm, sức tiêu thụ trên thị trường cũng yếu hẳn, nhất là trong mấy tháng gần đây do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát càng làm gà thương phẩm bí đầu ra.
"Thời điểm đầu năm nay giá thức ăn chăn nuôi cho gà chỉ hơn 210.000đ/bao (25kg), từ đầu năm đến cuối tháng 6 mà giá thức ăn tăng đến hơn 10 lần, hiện có giá đến gần 290.000đ/bao. Giá thức ăn tăng gần 80.000đ/bao nhưng sức tiêu thụ ngoài thị trường chững lại, bởi do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 thứ 4 vừa bùng phát nên gà thương phẩm ở Bình Định không thể đến được các thị trường truyền thống như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trước tình hình này, người nuôi gà ở Bình Định đành bỏ trống chuồng chứ không dám tái đàn. Số lượng gà nuôi còn lại rất ít nhưng giá vẫn không tăng, gà ta nuôi nhốt chuồng hiện vẫn chỉ 51.000đ/kg. Giá bán thấp, chi phí đầu vào tăng, thị trường ế ẩm nên chẳng còn mấy người chăn nuôi hào hứng với con gà”, anh Huy bộc bạch.
Theo tính toán của anh Huy, với giá thức ăn chăn nuôi hiện nay gần 290.000đ/bao (25kg), nếu thị trường khởi sắc với giá bán 51.000đ/kg thì người chăn nuôi vẫn bị lỗ từ 1-2 triệu đồng/1.000 con gà, đó là chưa kể công cán suốt mấy tháng ròng và tiền điện, tiền nước và thuốc thú y.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định), địa phương đang phát triển mạnh nghề nuôi gà ta thả đồi, cũng xác nhận trên địa bàn huyện này giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng hơn 70.000đ/bao so với thời điểm đầu năm. Trong khi đợt dịch Covid-19 mới bùng phát đã làm tắc mọi ngả đường tiêu thụ nên người chăn nuôi gà trên địa bàn đang gặp khó.
Ông Vương ví dụ trường hợp của ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại nuôi gà ta thả đồi quy mô 30.000 con ở xã Ân Tường Tây đang còn bị “kẹt chuồng” đến hơn 20.000 con gà đã đến kỳ xuất bán nhưng không thương lái nào đến mua, bởi thị trường đã “mất sức” tiêu thụ.
"Gà ta nuôi thả đồi có giá cao hơn gà ta nuôi nhốt chuồng, những năm trước có giá hơn 120.000đ/kg, thế nhưng hiện nay chỉ còn 60.000đ/kg mà bán vẫn không chạy. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay không ngừng tăng khiến người chăn nuôi thua lỗ. Hiện hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đều bỏ trống chuồng, không dám tái đàn bởi sợ lỗ, nhất là trong giai đoạn này dịch Covid-19 bùng phát nên đầu ra càng bị tắc.
Bình thường, tổng đàn gà của huyện Hoài Ân đạt khoảng 850.000 con, hiện nay tính theo con số thống kê thì còn 750.000 con, nhưng thực tế con số này còn thấp hơn nữa, bởi 1 năm ngành chức năng chỉ thống kê 2 lần, trong khi đàn gà giảm từng ngày nên con số ấy chưa sát với thực tế”, ông Vương chia sẻ.
Người chăn nuôi bỏ trống chuồng không tái đàn gà nên gà giống cũng trở nên ế ẩm. Theo bà Văn Thị Minh Nguyệt, nhân viên thị trường của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định), hiện nay mặc dù giá niêm yết của công ty 12.000đ-13.000đ/con gà giống, nhưng để kích cầu người chăn nuôi trong tỉnh tái đàn gà, giá gà giống trong nội tỉnh công ty chỉ bán giá 6.000đ-7.000đ/con.
“Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên trong thời gian gần đây gà giống của công ty không tiêu thụ được ở các thị trường tỉnh ngoài, mức tiêu thụ giảm đến gần 50% so với trước đây”, bà Nguyệt cho hay.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay tổng đàn gà của Bình Định trong nhiều năm qua vẫn thường xuyên duy trì khoảng 6 triệu con. Thế nhưng hiện do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, thêm vào đó sức tiêu thụ của thị trường yếu nên người chăn nuôi bán hết gà không dám thả nuôi trở lại.
Phải trộn thêm các loại cám
Tại Đăk Lăk nhiều chủ gia trại đang phải gồng mình để mua thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình khi giá liên tục tăng. Ông Mai Văn Châu (ngụ xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) cho biết gia đình đang nuôi 6.000 con vịt đẻ trứng nhưng đang gồng mình để mua thức ăn.
Theo ông Châu từ tết đến nay giá thức ăn cho gia súc đã tăng 6 lần, mỗi lần tăng hơn 10.000 đồng/bao.
"Trước đây giá thức ăn chỉ 280.000 đồng/bao (loại 40 kg). Do thức ăn tăng nhanh nên người nuôi phải mua các loại cám trộn vào với nhau để tăng số lượng. Tuy nhiên, trộn như thế thì vật nuôi sẽ được ăn no nhưng chất lượng thấp”, ông Châu nói.
Theo ông Châu hiện giá trứng vịt tăng lên khoảng 24.000 đồng/chục, với giá này thì gia đình vừa đủ chi phí. Tuy nhiên, giá cả đang bắt đầu giảm sắp tới có thể gia đình phải gánh chịu khoảng lỗ lớn.
“Do nguyên liệu tăng nên giá thành sản phẩm cũng tăng cao. Trước khi công ty tăng giá sẽ thông báo cho chúng tôi để lấy hàng. Tuy giá tăng cao nhưng gia đình vẫn bóp bụng để mua thức ăn chứ không thể bỏ đàn. Đàn vịt nuôi hơn 2,5 năm mới đẻ giờ bỏ đàn thì coi như lỗ lớn”, ông Châu nói.
Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cho biết giá thức ăn tăng cao là do cung cầu. Theo ông Vũ, do năm 2019 và 2020 dịch tả lợi Châu Phi diễn ra nên giá thức ăn tương đối thấp. Tuy nhiên, hiện nay do đàn heo phát triển mạnh nên nhu cầu thức ăn tăng dẫn đến giá thành cũng tăng theo. Một nguyên nhân nữa cũng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đại lý cũng than phiền
Theo một đại lý bán thức ăn chăn nuôi tại TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), giá thức ăn gia súc tăng khiến người chăn nuôi gặp khó khăn. Từ đó, người chăn nuôi lựa chọn rau, chuối để làm thức ăn nên các đại lý cũng gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm.
“Hiện nay giá các sản phẩm chăn nuôi tăng hơn 60.000 đồng/bao, tùy theo từng loại. Khi tăng giá công ty có thông báo cho các đại lý để tranh thủ lấy hàng. Theo thông báo thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chi phí vận chuyển cũng như nguyên liệu đầu vào tăng. Từ đó dẫn đến giá thành sản phẩm tăng theo”, người này nói.
Theo một chủ đại lý bán thức ăn gia súc, bà kinh doanh gần 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh giá tăng cao đến vậy. Theo chủ đại lý hiện nay giá heo hơi, gia cầm giảm nên người dân cũng hạn chết mua thức ăn. Do đó đại lý giảm hơn 30% số lượng hàng bán ra so với những năm trước.
Tương tự một đại lý khác cho biết cám thức ăn cho gia cầm tăng khoảng 50.000 đồng/bao, còn cho heo tăng khoảng 70.000 đồng/bao.
“Giá thức ăn liên tục tăng khiến các chủ chăn nuôi cũng e ngại đầu tư trang trại, tái đàn. Hiện các chủ trang trại đang còn đàn gia súc, gia cầm thì cố gắng mua nợ để đến thời điểm xuất bán. Tuy nhiên, do giá cám tăng mà giá heo cũng như gà giảm có thế sau khi bán xong thì không đủ chi phí để tái đàn. Tôi bán gần 20 năm nay là lần đầu tiên thức ăn gia súc tăng cao như vậy. Theo giải thích của các công ty thì do nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển cao nên giá thành sản phẩm tăng”, vị này nói.
ĐBSCL: Chật vật tái đàn
Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tỉnh có đàn heo khoảng 400.000 con, thấp hơn thời điểm trước khi dịch tả heo Châu Phi xảy ra khoảng 200.000 con. Riêng đàn gia cầm khoảng 8,3 triệu con. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái đàn heo cũng như phát triển đàn vật nuôi của tỉnh nói chung.
Tương tự, tổng đàn heo của tỉnh Bạc Liêu hiện nay chỉ đạt khoảng 200.000 con. Phấn đấu theo kế hoạch thì đến cuối năm 2021 tổng đàn cũng chỉ tăng lên được 210.000 con.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua giá thức ăn trong lĩnh vực chăn nuôi tăng cao, tỷ lệ nghịch với giá heo hiện nay, đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo hơi lại giảm nên tác động đến kế hoạch tái đàn của các hộ chăn nuôi, vì lo sợ sẽ thua lỗ nên người dân cũng không dám tái đàn.
Theo thông tin từ các hộ chăn nuôi ở ĐBSCL thì từ đầu năm đến nay, các đại lý đã có 5, 6 lần điều chỉnh giá bán thức ăn chăn nuôi theo hướng tăng lên. Mỗi lần tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/bao, đẩy giá thức ăn từ 250.000 đồng lên 320.000 đồng/bao (loại 25 kg). Điều đáng buồn cho người chăn nuôi là chi phí đầu tư tăng nhưng giá bán heo, gà, vịt lại liên tục giảm, không còn lợi nhuận.
Tổ hợp tác liên kết chăn nuôi an toàn sinh học An Phước (ấp An Phước, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) có 18 thành viên nuôi heo với sản lượng mục tiêu trên 1.100 con/năm. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với giá heo giảm đã khiến tình hình tái đàn của bà con gặp nhiều khó khăn. Hiện tổng đàn heo thịt của các hộ nuôi thành viên đã giảm đáng kể.
Ông Huỳnh Văn Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho biết: “Để cầm cự, nhiều thành viên đã chuyển sang nuôi heo nái, giảm số lượng heo thịt xuống. Một vài thành viên đã bắt đầu chuyển sang tự sản xuất cám hỗn hợp với giá thành khoảng 270.000 - 280.000 đồng/bao, rẻ hơn so với giá thị trường khoảng 30.000 - 40.000 đồng/bao. Hiện nay, Tổ đang hỗ trợ 1 thành viên mua máy móc thiết bị để chuyển đổi sang hình thức này, để giảm giá thành chăn nuôi”.
Không chỉ trên đàn heo, đàn gia cầm cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề của giá thức ăn tăng cao và dịch Covid-19 khiến đầu ra gặp khó. Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn Tân Hưng (ở xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã có hơn 50% thành viên phải tạm ngưng chăn nuôi vì liên tục gặp cảnh thua lỗ trong suốt mấy tháng qua.
Ông Phan Văn Mạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, ban đầu Tổ có 11 thành viên nhưng đến nay đã có 6 thành viên phải tạm ngưng tái đàn. Riêng tại hộ của ông cũng đang phải giảm sản lượng nuôi, hiện chỉ còn khoảng 4.000 con. Ông Phan Văn Mạng cho biết: “Đợt trước nhiều người lỗ quá nên phải nghỉ nuôi. Đợt này, giá đang 80.000 đồng/kg nhưng nuôi khéo mới có lời”.
Việc giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng đồng loạt đã tác động không nhỏ đến kinh tế của các hộ chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bạc Liêu, với giá thức ăn tăng cao như hiện nay thì người dân nuôi sẽ không có lãi nhưng chưa đến mức lỗ. Trước đây giá heo giống, heo thịt ở mức cao nên nhiều người chăn nuôi chủ động tái đàn hoặc đổ xô đi mua giống về nuôi nhưng giờ đã thận trọng hơn nhiều.
Bà Trần Thị Phương (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Mấy tháng nay, giá heo hơi vẫn giữ mức 50.000-55.000 đồng/kg, nhưng giá thức ăn tăng liên tục nên bà con ở đây ai cũng lo lắng. Trước đó, ai cũng tranh thủ phát triển thêm đàn heo với hy vọng sẽ có lãi trong đợt này. Gia đình tôi mới nuôi thêm 2 con heo nái để gây đàn. Giá thức tăng cao nên gia đình lo sợ lỗ vốn, giờ chỉ nấu cám cho heo ăn cầm chừng”.
Theo các đại lý bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, các công ty sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi báo tăng giá là do hầu hết các mặt hàng nguyên liệu đầu vào để chế biến thức ăn tăng mạnh. Hơn nữa, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho việc vận chuyển gặp khó khăn, phí vận chuyển tăng 200-300% so với mức bình thường, nhất là cước vận chuyển quốc tế bằng container.