Các tham luận và ý kiến trao đổi tại Diễn đàn đã khẳng định những thành tựu to lớn về kỹ thuật nuôi heo đã được các cơ sở nghiên cứu, sản xuất chuyển giao cho sản xuất trong thời gian qua, nhất là con giống, chuồng trại và vệ sinh thú y. Theo Cục Chăn nuôi, trong lúc tỷ lệ tăng trưởng đầu heo chỉ 3,31%/năm nhưng tăng trưởng về sản lượng heo xuất chuồng đạt 10,1%, tỷ lệ heo nái ngoại tăng từ 7,4% lên 10,2%, chăn nuôi heo trang trại tăng từ 3.534 TT/2003 lên 7.475/2008.
Chất lượng thịt heo cũng đã được cải thiện đáng kể, nếu như các năm trước phần lớn chỉ quan tâm đến tỷ lệ nạc thì ngày nay còn quan tâm đến mỡ dắt (mỡ lẫn trong thớ thịt khiến cho thịt mềm hơn, thơm hơn), còn quan tâm đến chăn nuôi heo sạch, không sử dụng kháng sinh và Hoóc môn.
Trình độ các chủ trang trại cũng được nâng lên một bước đáng kể, nếu như trước đây các chủ trang trại thường lấy heo nái hậu bị lai sẵn từ các cơ sở giống thì ngày nay người ta lại quan tâm nhiều hơn đến giống thuần và tự lai để có giống phù hợp nhất với từng điều kiện tiểu khí hậu và chăn nuôi cụ thể, tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành.
Theo báo cáo của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, gia trại, trang trại không những tăng về số lượng mà còn tăng mạnh về quy mô từ bình quân 20 nái/TT tăng lên 50 nái. Điều đặc biệt nhất là trong điều kiện áp lực dịch bệnh rất cao nhưng tất cả các trang trại vẫn đảm bảo an toàn.
Có thể nói các TBKT trong chăn nuôi heo đã được chuyển giao khá toàn diện theo hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Lúng túng với các giải pháp kinh tế, hành chính
Chắc chắn rằng để phát triển chăn nuôi hàng hóa bền vững thì chỉ riêng các giải pháp kỹ thuật không thôi thì chưa đủ mà còn cần triển khai song song với các giải pháp kinh tế, hành chính. Trở ngại lớn nhất đấy là chăn nuôi heo chủ yếu vẫn trong tình trạng nhỏ lẻ, mang tính tận dụng. Muốn phát triển chăn nuôi heo thành ngành hàng lớn, sản xuất tập trung, chuyên nghiệp thì khâu đầu tiên các xã, huyện, tỉnh phải làm công tác quy hoạch, một công tác mà chưa có địa phương nào làm được mặc dù đã hô hào nhiều.
Đến nay một số ấp ở BR-VT có mật độ dân số cao đã đưa ra kiểu “hương ước” cấm chăn nuôi heo nhỏ lẻ, nhưng số ấy rất ít ỏi và mang tính tự phát. Người chăn nuôi cũng không có điều kiện tiếp cận được với nguồn tín dụng, thuê đất ưu đãi. Người chăn nuôi cũng không thể tin vào công tác kiểm tra chất lượng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cũng như an toàn vệ sinh ở các điểm giết mổ và phân phối.