| Hotline: 0983.970.780

Chấn thương tâm lý trẻ em có khả năng tự phục hồi không?

Chủ Nhật 11/08/2024 , 16:37 (GMT+7)

Chấn thương tâm lý ở đối tượng trẻ em thường để lại những hậu quả lâu dài, nếu không có sự hỗ trợ chữa lành bằng tình yêu thương của người lớn.

Trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn. Ảnh: Nguyễn Văn Thương.

Trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn. Ảnh: Nguyễn Văn Thương.

Chấn thương tâm lý ở trẻ em rất ít khi được quan tâm, vì nhiều người vẫn chủ quan cho rằng lứa tuổi này “vô tư, không biết gì”. Thậm chí, những người có chút hiểu biết còn tùy tiện phán đoán trẻ em có khả năng tự phục hồi hoặc tự vực dậy sau chấn thương tâm lý.

Quan niệm sai lầm ấy từng kéo dài khá lâu và gây ra không ít hệ lụy đau lòng. Với tư cách một nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần trẻ em, tiến sĩ Bruce D. Perry đã công bố cuốn sách có tên gọi đầy phẫn nộ “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” tại Mỹ và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng quan tâm đến đối tượng nhỏ tuổi cần phải bảo vệ giữa đời sống bận rộn hôm nay.  

Rõ ràng, việc lạm dụng, bỏ bê và chấn thương đối với bộ não đang phát triển của trẻ em là một mối lo chung cho xã hội. Bởi lẽ, khi bị chấn thương tâm lý, trẻ em phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài trong quá trình hình thành nhân cách cũng như phương pháp ứng xử suốt cả cuộc đời.

Tiến sĩ Bruce D. Perry chứng minh, khi bị ngược đãi lạnh lùng hoặc chứng kiến tội ác kinh hoàng, thì trẻ em rất khó thoát khỏi những ám ảnh. Tất cả các sự kiện gây sang chấn đều tạo ra những tác động phức tạp, khó lường đối với trẻ em. Những gì các em không biểu đạt, chia sẻ được bằng ngôn ngữ sẽ được biểu lộ qua các phản ứng bản năng mang tính cực đoan, không phù hợp độ tuổi.

Trong quá trình hành nghề bác sĩ nhi đồng, tiến sĩ Bruce D. Perry nhận ra, tuy phần lớn trẻ em không gặp những chuyện kinh khủng như nhiều bệnh nhân của ông nếm trải, nhưng hiếm có đứa bé nào hoàn toàn chưa gặp phải sang chấn. Theo ước tính, khoảng 40% trẻ em sẽ gặp ít nhất một trải nghiệm có khả năng gây sang chấn trước khi bước vào tuổi mười tám, bao gồm việc mất mát người thân, bị xâm hại tình dục, đối mặt với thiên tai hay một tai nạn nghiêm trọng, sống trong lạnh nhạt gia đình hay các tội ác bạo lực khác…

Cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” (do Nhà xuất bản Dân Trí vừa ấn hành tại Việt Nam) cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của lĩnh vực tâm thần nhi khoa, không chỉ lật đổ quan niệm sai lầm về khả năng “tự phục hồi” ở trẻ em mà còn cho thấy tác động của sự vô tâm, sự nghèo đói lẫn sự vô cảm … có thể hủy hoại trẻ em một cách thầm lặng và đau đớn.

Chấn thương tâm lý trẻ em có thể chữa lành bắt đầu từ não bộ. Lý do, não bộ của trẻ em bị chấn thương có thể được tái định hình bằng những trải nghiệm lặp đi lặp lại, có khuôn mẫu trong một môi trường an toàn. Khi các khuôn mẫu hoạt động thần kinh được lặp đi lặp lại, xảy ra đồng thời hoặc cùng diễn ra, một mối liên hệ tốt đẹp hơn sẽ được hình thành giữa các khuôn mẫu này. Nếu đó là những mối liên hệ mang lại cảm giác dễ chịu, một vòng lặp lại mang tính cải thiện sẽ được phát huy.

Vì vậy, đối với người lớn, cần thấu hiểu quá trình phát triển của não bộ và cơ chế hoạt động của tâm trí, mới có hy vọng ngăn ngừa và chữa lành tổn thương tinh thần cho trẻ em.

Tiến sĩ Bruce D. Perry đưa ra cảnh báo về 'đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó'.

Tiến sĩ Bruce D. Perry đưa ra cảnh báo về "đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó".

Trong một số chương trình truyền hình liên quan đến tâm lý tuổi mới lớn, khi được hỏi các em cần điều gì ở cha mẹ, phần lớn câu trả lời chính là thời gian. Nhiều bậc phụ huynh vẫn đinh ninh điều kiện tài chính là quan trọng nhất để nuôi dạy con cái mà quên đi việc dành thời gian bên con cái. Sự thật, chính sự quan tâm và tình yêu thương mới là dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em từng chấn thương tâm lý.

Càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì một đứa trẻ càng có nhiều khả năng hồi phục sau sang chấn và phát triển mạnh mẽ. Các mối quan hệ chính là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp hiệu quả nhất chính là tình yêu thương của con người.

Theo tiến sĩ Bruce D. Perry: “Những đứa trẻ rắc rối thường phải chịu đựng một nỗi đau nào đó – và nỗi đau khiến người ta trở nên dễ nổi cáu, lo âu và hung hăng. Không hề có phương pháp chữa lành ngắn hạn thần kỳ nào cả, mà chỉ có sự chăm sóc một cách kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán mới mang lại hiệu quả. Điều này đúng với một đứa trẻ ba, bốn tuổi và cũng đúng với một thiếu niên”.

“Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” là một lời cảnh báo nghiêm khắc cho những ai còn xem thường chấn thương tâm lý ở trẻ em. Những bậc phụ huynh, những nhà giáo dục, những người làm công tác xã hội và những người làm chính sách hay bất cứ người nào làm việc liên quan đến trẻ em, cần biết rõ hơn những gì mà trẻ em mong muốn được hỗ trợ, để từ đó có thể xây dựng hệ thống chăm sóc và bảo vệ sự phát triển lành mạnh của trẻ em giữa đời sống nhiều thử thách hiện nay.

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?