“Tuy làm nghề dược nhưng thực ra em đam mê đam mê nông nghiệp. Trên địa bàn xã có phát triển một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chương trình phát triển nông thôn, là người con quê hương muốn đóng góp sức mình vào đó bằng nghề trồng nấm. Vừa rồi nghe tin ở tỉnh Bắc Giang có mô hình trồng măng lục trúc có thể ăn sống được, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã lên thăm, em cũng tìm lên để xem có thể đem về cho bà con áp dụng chứ ở quê em đất đai để hoang rất nhiều”, anh Mai Văn Suất, chủ chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm Sơn Tùng, tâm sự.
Anh quê ở xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, sau tốt nghiệp Đại học Dược năm 2005 thì vào làm cho một công ty dược, chuyên phân phối sản phẩm thuốc cho thị trường Hà Nội và vài tỉnh phía Bắc, thu nhập cũng khá nhưng mấy năm sau quyết định trở về quê mở một hiệu thuốc tại nhà. Hai vợ chồng anh có chung đam mê trong nghiên cứu các loại dược liệu mà nhất là các loại nấm.
Năm 2017, họ bắt đầu thử nghiệm trồng nấm vì nghĩ loại cây này cần ít đất, ít diện tích, rất phù hợp với bối cảnh đô thị hóa đang rất nhanh ở các huyện ngoại thành như quê mình. Loại giống nấm mà họ mới đầu trồng chỉ đơn giản là nấm ăn như nấm mỡ, nấm sò… Chúng có lợi thế dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng đầu ra bấp bênh, giá bán thấp, khó bảo quản lâu được nên dễ lâm vào cảnh sáng tươi, chiều héo, tối bỏ đi, hiệu quả kinh tế chẳng được bao nhiêu.
Thấy vậy vợ chồng anh liền chuyển sang trồng các loại nấm dược liệu như đông trùng hạ thảo, linh chi. Để có thể đạt sản lượng, chất lượng tốt nhất, anh đã tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật trồng nấm, vừa học lý thuyết, vừa học theo dạng cầm tay chỉ việc.
Cơ sở sản xuất nấm Thanh Tùng do anh tạo dựng đã ra đời tại thôn Tân Trảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm như thế. Ngày ngày bên cạnh việc bán thuốc, anh còn bỏ công sức, tâm trí ra cho những cây nấm ở trong xưởng. Những loại nấm dược liệu đòi hỏi kỹ thuật nuôi trồng khó hơn hẳn nấm ăn nhưng ngược lại, giá trị kinh tế lại cao hơn, thời gian bảo quản dài hơn, vận chuyển dễ hơn, không dễ bị dập nát, hư hỏng.
Dù biết là thị trường nấm dược liệu cạnh tranh khốc liệt, nhất là gần đây có nhiều cơ sở sản xuất nấm linh chi và đông trùng hạ thảo khiến giá bán hạ nhưng anh vẫn quyết tâm làm vì mong muốn đóng góp cho quê hương mình những sản phẩm nông sản mang tính khác biệt, có nhiều giá trị. Vì làm trong ngành dược nên anh quan tâm đến dược tính của hai chủng loại nấm trên và liên kết với một số đơn vị có uy tín nhập phôi đã cấy giống, nuôi trong phòng sạch rồi đem đi kiểm nghiệm. Chỉ khi đạt các hàm lượng thì mới đem ra thị trường với hai dạng là sản phẩm tươi và sấy thăng hoa.
Từ hộ kinh doanh anh đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp Sơn Tùng-lấy tên ghép từ tên của hai đứa con để chuyên tâm hơn với việc trồng, chế biến nấm dược liệu. Xưởng sản xuất nấm của anh ở Phú Thị, huyện Gia Lâm có tổng diện tích hơn 1.000m2 trong đó các phòng sạch gần 400m2, sử dụng 2-3 lao động thời vụ theo quy trình sản xuất an toàn.
Mỗi năm, xưởng cho thu hoạch 3 - 5 tạ nấm linh chi khô đưa ra thị trường với giá bán trên dưới 1 triệu đồng/kg và 1,5-2 tạ nấm đông trùng hạ thảo, bán dưới dạng tươi khoảng 1 triệu đồng/kg, ngoài ra còn có đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, đông trùng hạ thảo khô để đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Sản phẩm được bán cả theo cách truyền thống là cửa hàng lẫn qua nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Một chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm Sơn Tùng được hình thành, tuy số lượng tiêu thụ còn khiêm tốn nhưng anh Suất vẫn kiên trì tìm cách nhân rộng mô hình bằng cách chuẩn hóa quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, đồng thời mở rộng thị trường phân phối ra phạm vi ngoài Hà Nội và hướng tới thị trường xuất khẩu.