Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng: “Hiện nay chúng ta có 3 loại cán bộ. Thứ nhất là cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm. Thứ hai là cán bộ kiểu ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó. Thứ ba là cán bộ tiêu cực, toàn nghĩ đến lợi ích bản thân”.
Trong 3 loại cán bộ được tạm tổng kết trên, chắc chắn loại “cán bộ tiêu cực, toàn nghĩ đến lợi ích bản thân” chỉ chiếm một bộ phận nhỏ. Thế nhưng, đáng tiếc thay, loại “cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm” cũng không chiếm đại đa số. Dù hơi ê chề, thì cộng đồng cũng thấy loại “cán bộ kiểu ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó” lại rất nhiều. Loại cán bộ đông đảo ấy, ngỡ không tốt không xấu, ngỡ vô thưởng vô phạt, lại tạo ra sức ì cho bộ máy công quyền.
Loại “cán bộ kiểu ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó” không dám đứng về phía “cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm”, thì lại dễ thỏa hiệp với phía “cán bộ tiêu cực, toàn nghĩ đến lợi ích bản thân”. Loại người “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật” thường có trình độ thường thường bậc trung và cũng không có chí hướng phấn đấu cho tương lai. Họ làm công việc được giao một cách đại khái, và họ xuề xòa với mọi biểu hiện sai quấy hoặc bất công. Họ tham nhẹ lánh nặng, khiến quá trình cải cách hành chính bị trở ngại và các mục tiêu tăng trưởng bị trì hoãn.
Một xã hội văn minh, “cán bộ tiêu cực, toàn nghĩ đến lợi ích bản thân” sớm muộn cũng được dọn dẹp và thanh trừng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chấn chỉnh loại “cán bộ kiểu ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó” thì loại “cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm” cũng không có cơ hội được phát huy giá trị. Mong muốn loại “cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm” sẽ lôi kéo và cảm hóa loại “cán bộ kiểu ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó” là một bài toán rất mơ hồ. Bởi lẽ, những kẻ đã chọn lối sống an phận thì họ không bao giờ thay đổi vì noi gương những người luôn đối mặt rủi ro.
Để xây dựng Nhà nước vững mạnh, không thể tiếp tục dung túng loại “cán bộ kiểu ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó”. Vì sao? Vì đã chấp nhận làm cán bộ thì phải có lý tưởng của công chức dấn thân cho sự nghiệp chung, chứ không thể ung dung “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Sở dĩ, nhiều năm qua, chất lượng cán bộ đi xuống là do không chú trọng thẩm định và bồi dưỡng lý tưởng công chức.
Nếu thích sự nhàn hạ và sự tự tại, thì đừng làm cán bộ. Bây giờ, đời sống kinh tế rất đa dạng, hãy khuyến khích loại “cán bộ kiểu ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó” bước ra khỏi công sở và mưu sinh bằng những nghề khác để chăm lo “nồi canh, niêu cơm” cho nhà mình, sống thong dong theo ý muốn cá nhân.