| Hotline: 0983.970.780

Chất thải của đối tượng này là thức ăn của đối tượng kia

Thứ Tư 18/12/2024 , 11:47 (GMT+7)

Bình Định Ca Organic Farm là trang trại hữu cơ độc đáo với lộ trình chăn nuôi, trồng trọt tuần hoàn khép kín, chất thải của đối tượng này là thức ăn của đối tượng kia…

Lộ trình tuần hoàn khép kín

Là chủ của 5 nhà hàng lớn: Vua gà Organic, Mộc Viên, Mộc Việt, Cơm niêu Hội An, Bò tơ Tây Sơn tại thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định), nhưng trong huyết quản của anh Võ Vinh Ca (46 tuổi) vẫn rậm rịch niềm đam mê làm nông nghiệp. Để thỏa chí đam mê, năm 2021, anh Ca lên vùng đất heo hút tại thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) thuê 5ha đất để xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ tuần hoàn khép kín mang tên Ca Organic Farm.

Ca Organic Farm không phải là trang trại có quy mô lớn, nhưng mang nét độc đáo với lộ trình tuần hoàn trong vận hành của các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt. Trên diện tích 5ha, anh Ca dành ra 2ha xây dựng chuồng trại chăn nuôi, 1 ha chia thành từng ô trồng các loại rau ăn lá, 2.000m2 được sử dụng để xây dựng khu vực trải nghiệm cho học sinh và du khách đến tham quan mô hình, diện tích còn lại là hạ tầng khu trang trại.

Hiện trang trại Ca Organic Farm có 3.000m2 diện tích sàn nuôi trùn quế. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện trang trại Ca Organic Farm có 3.000m2 diện tích sàn nuôi trùn quế. Ảnh: V.Đ.T.

Có thể nói, chủ đạo của trang trại Ca Organic Farm là trùn quế. Trong khu nhà có mái che, bên trong được bố trí các dãy bể nuôi trùn quế được bố trí từ 2 đến 3 tầng với 3.000m2 mặt sàn. Trùn quế không chỉ giúp xử lý chất thải từ chăn nuôi của 6.000 con gà, 40 con bò BBB, 30 con heo trắng và 100 con bản địa (heo đen), 200 con dê và 400 con thỏ…, mà còn là nguồn thức ăn rất giàu dinh dưỡng cho các vật nuôi và cây trồng.

Theo anh Võ Vinh Ca, với 3.000m2 mặt sàn nuôi trùn quế, mỗi tháng trang trại thu được khoảng 20 tấn phân trùn quế và 2 tấn trùn quế tươi. Phân trùn quế được làm phân vi sinh được sử dụng để bón cho các loại rau, củ, quả được trồng trong trang trại nhằm cải tạo đất tơi xốp và tăng độ màu mỡ cho đất. Trùn quế tươi được sấy khô, xay nhỏ, phối trộn với bột bắp, bã mì khô, cám gạo, đạm cá, bã đậu phụng, bã bia, men thảo dược, men tỏi làm thức ăn dinh dưỡng nhằm bổ sung đạm cho các loài vật nuôi.

Đặc biệt, khu vực nuôi trùn quế được tập trung các loại phân gia súc, gia cầm, nhưng qua quá trình xử lý của trùn quế nên không còn mùi hôi, môi trường bên trong và ngoài trang trại rất trong lành. Hơn nữa, nước thải từ hoạt động chăn nuôi được anh Ca xử lý vi sinh để trở thành nguồn nước tưới cho cây trồng, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vừa tiết kiệm nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn nước mà còn tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn, chất thải của đối tượng này là thức ăn của đối tượng kia.

Phân của các loại vật nuôi được làm thức ăn cho trùn quế, thịt trùn quế là thức ăn dinh dưỡng cho vật nuôi, phân trùn quế làm “thức ăn” cho cây trồng, phế phụ phẩm của các loại cây trồng như gốc rau, cỏ, bèo, thân cây chuối trong trang trại quay được sử dụng làm thức ăn cho trùn quế… vòng tròn khép kín!

Qua quá trình xử lý của trùn quế nên phân các loài vật nuôi không còn mùi hôi. Ảnh:V.Đ.T.

Qua quá trình xử lý của trùn quế nên phân các loài vật nuôi không còn mùi hôi. Ảnh:V.Đ.T.

Ngoài ra, xen kẽ giữa các khu vực chăn nuôi, trồng trọt, anh Ca xây dựng 20 bể nuôi cá nước ngọt gồm các loại cá điêu hồng, cá trê, cá trắm… mỗi bể nuôi khoảng 200 con  cá và nuôi thêm vài trăm con gà H‘Mông để cung cấp cho nhà hàng Vua gà Organic và chim bồ câu để “làm giàu” thực đơn cho chuỗi nhà hàng của gia đình.

“Thức ăn thừa trong 5 nhà hàng của gia đình ở Quy Nhơn tôi chở hết lên trang trại xử lý bằng cách lên men, phối trộn làm thức ăn cho vật nuôi. Những gốc rau, vỏ bầu, vỏ bí từ nhà bếp các nhà hàng cũng được mang lên cho vào bể xử lý rồi cho trùn quế ăn. Quy trình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ tuần hoàn khép kín không bỏ một chất thải gì, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận và bảo vệ được môi trường”, anh Võ Vinh Ca chia sẻ.

Thịt trùn quế được sấy khô, xay nhỏ phối trộn với bột bắp, bã mì khô, cám gạo, đạm cá, bã đậu phụng, bã bia, men thảo dược, men tỏi làm thức ăn dinh dưỡng cho vật nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Thịt trùn quế được sấy khô, xay nhỏ phối trộn với bột bắp, bã mì khô, cám gạo, đạm cá, bã đậu phụng, bã bia, men thảo dược, men tỏi làm thức ăn dinh dưỡng cho vật nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình du lịch canh nông thu hút khách

Mùa mưa năm nay do mưa dầm kéo dài, trồng rau ăn lá không hiệu quả, nên trong khu vực trồng trọt được Ca Organic Farm chuyển đổi trồng đậu nành. Theo anh Võ Vinh Hậu, quản lý trang trại, trong những tháng mùa mưa, việc trồng các loại rau ăn lá không hiệu quả, rau dễ bị dập nát do mưa, gió; trang trại chuyển hướng sang trồng đậu nành.

“Trồng đậu nành không chỉ góp phần cải tạo đất, mà cây đậu nành được thu hoạch toàn bộ từ hoa, trái, thân, lá... đem băm nhỏ, nghiền nhuyễn làm thức ăn sạch, giàu đạm cho gia súc, mọi phụ phẩm, phế phẩm đều được sử dụng hiệu quả để tạo ra giá trị tuần hoàn”.

Khu trồng trọt hữu cơ của trang trại Ca Organic Farm. Ảnh: V.Đ.T.

Khu trồng trọt hữu cơ của trang trại Ca Organic Farm. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Võ Vinh Ca cho biết thêm: Hiện trang trại đang trồng thử nghiệm 1 sào (500m2) dưa lưới trái vụ trong mùa mưa. Dù mùa mưa trồng dưa lưới rất khó, vì thời tiết không phù hợp nên dưa lưới dễ bị bệnh chết, cây dưa lưới chỉ phát triển trong mùa nắng.

“Thế nhưng trồng dưa lưới trong mùa mưa mà bón phân hữu cơ vi sinh trùn quế, nhờ trong phân trùn quế có chủng vi sinh có lợi cho đất, phù hợp để cây dưa sinh trưởng, phát triển. Nên dù mưa kéo dài, nhưng dưa lưới không phát sinh bệnh, phát triển chẳng thua kém trồng vào mùa nắng. Khoảng gần cuối tháng 12/2024 dưa lưới của trang trại sẽ cho thu hoạch, ước sản lượng đạt 1,5 tấn”, anh Ca cho hay.

Sau khi trang trại hình thành, để tối ưu hóa quy trình phát triển kinh tế tuần hoàn của mình, Ca Organic Farm còn kết hợp phát triển mô hình du lịch trải nghiệm canh nông. Những tour trải nghiệm tại trang trại được thiết kế đặc biệt để thu hút học sinh và du khách, giúp họ khám phá quy trình sản xuất thực phẩm organic để hiểu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững “sống xanh, ăn sạch”. Từ đầu năm 2024, anh Ca bắt đầu khai thác mô hình du lịch canh nông. Những ngày cuối tuần, Ca Organic Farm mở cửa đón khách du lịch tìm về trang trại để trải nghiệm làm nông nghiệp, đối tượng chủ yếu là học sinh từ mầm non đến cấp II cấp III.

Những chú nhóc mầm non trải nghiệm chăn nuôi bò  trong trang trại Ca Organic Farm. Ảnh: V.Đ.T.

Những chú nhóc mầm non trải nghiệm chăn nuôi bò  trong trang trại Ca Organic Farm. Ảnh: V.Đ.T.

“Từ đầu năm đến nay, trang trại đã đón trên 12.000 lượt khách trải nghiệm trang trại, chủ yếu là học sinh và nhóm khách gia đình, trong đó có không ít là khách nước ngoài”, anh Võ Vinh Ca cho hay.

Đến với Ca Organic Farm, anh Đào Xuân Tình, du khách đến từ thị xã An Nhơn (Bình Định), không giấu được vẻ hài lòng, bày tỏ: “Trang trại Ca Organic Farm đã cho du khách cảm giác như được quay lại những ngày xưa thân thiết, quay lại thời gian gắn bó với gia đình và ruộng vườn ở quê nhà với nhiều điểm tham quan như khu chăn nuôi, khu trồng trọt theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, giữa mùa mưa mà được ngắm, được nếm những quả dưa lưới ngọt lịm”.

Cũng theo anh Tình, chuyến tham quan về Ca Organic Farm, du khách không chỉ được thực tế về sản xuất nông nghiệp, mà còn là cơ hội để khách tham gia tương tác trực tiếp với quy trình sản xuất, từ việc trồng rau củ, chăm sóc động vật đến thu hoạch rau trái, bắt cá, chế biến các món ăn...

Du khách nước ngoài tham quan trang trại Ca Organic Farm. Ảnh: V.Đ.T.

Du khách nước ngoài tham quan trang trại Ca Organic Farm. Ảnh: V.Đ.T.

“Khách tham quan không chỉ được trải nghiệm thực tế, thưởng thức các món ăn sạch, tươi ngon tại chỗ mà còn có thể mua các sản phẩm hữu cơ từ trang trại. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho trang trại mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích nhiều người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm hữu cơ”, chị Lê Thị Bích Phượng, quản lý Ca Organic Farm chia sẻ.

Theo anh Võ Vinh Ca, mô hình du lịch trải nghiệm canh nông của Ca Organic Farm còn thúc đẩy ý thức cộng đồng về làm nông nghiệp bền vững.

“Khi khách tham quan thấu đáo quá trình sản xuất thực phẩm hữu cơ, họ có thể hiểu rõ hơn về những nỗ lực của người nông dân trong việc cung cấp thực phẩm sạch và an toàn. Sự kết nối này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn tạo ra những người ủng hộ tích cực cho nông nghiệp bền vững trong cộng đồng”, anh Ca chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...