| Hotline: 0983.970.780

Chất vấn nóng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vụ 'nội chiến vùng keo'

Thứ Sáu 12/04/2024 , 18:21 (GMT+7)

Liên quan tới vụ việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có 7 văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2024, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I, mặc dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Nổi bật là kinh tế tăng trưởng cao và khá đồng đều trong các khu vực; tốc độ tăng trưởng (GRDP) quý I của tỉnh đạt 13,15%, đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Công tác giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TTTT Thanh Hóa trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, xử lý các vấn đề tồn tại trên cơ sở phản ánh của báo chí.

Toàn cảnh buổi họp báo quý I của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh buổi họp báo quý I của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở nội dung thông tin tại hội nghị và qua nắm bắt từ thực tiễn, đại diện các cơ quan báo chí đã thông tin đến lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương của tỉnh nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở cần giải quyết; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ thêm một số vấn đề liên quan trong công tác quản lý thu mua và chế biến gỗ keo trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý bữa ăn bán trú cho học sinh; giải pháp tôn tạo và phục hồi một số di tích lịch sử; tình trạng chậm tiến độ dự án Hồ Thành khu vực II; quan tâm tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; chế độ, chính sách đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; chủ trương cải tạo đầu tư xây dựng sân vận động tỉnh...

Về nội dung các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, một số ý kiến cho rằng, vẫn còn tình trạng trên "nóng" dưới chưa quyết liệt hoặc làm chiếu lệ khi xử lý vi phạm. Ý kiến khác đề nghị xem xét, làm rõ trách nhiệm kỷ luật trong việc chấp hành thực hiện chỉ đạo của tỉnh đối với Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn...

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về giải pháp xử lý triệt để các cơ sở thu mua, chế gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Sau khi báo phản ánh về tình trạng các cơ sở thu mua chế biến gỗ keo tự phát, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn tại.

Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo, Sở NN-PTNT đã đôn đốc kiểm tra, Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện đã vào cuộc, nhưng việc xử lý chưa triệt để. Các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tồn tại nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, dưới góc độ tham mưu, Sở NN-PTNT nhận trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc và chưa kịp thời báo cáo UBND tỉnh nhằm xử lý dứt điểm các vi phạm tồn tại”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trong tuần tới, Sở tiếp tục tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo xử lý quyết liệt theo thông tin phản ánh của báo chí.

“Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương được quy định rõ trong quy chế hoạt động của UBND tỉnh, tuy nhiên ở đâu đó, việc tổ chức thực hiện vẫn chưa kịp thời, nghiêm túc. Do đó, trong thời gian tới, việc xử lý vi phạm tại các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương”, ông Nam cho biết.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên đất nông nghiệp của ông Đàm Minh Tuyến (Nông trường Thạch Quảng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành). Ảnh: QT.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên đất nông nghiệp của ông Đàm Minh Tuyến (Nông trường Thạch Quảng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành). Ảnh: QT.

Kết luận vấn đề này, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt trong việc xử lý tình trạng này bằng việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý thông tin báo nêu. Tuy nhiên, tại các địa phương, việc hậu kiểm các cơ sở vi phạm chưa tốt. Kiểm tra, phát hiện, xử lý rồi, nhưng phải chấm dứt việc tái diễn vi phạm. Sở NN-PTNT cần phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo giám sát, đôn đốc đối các cơ sở bị xử phạt nhưng chưa khắc phục vi phạm. Gắn với việc này là xử lý trách nhiệm của lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã để tái diễn tình trạng sau khi xử phạt vi phạm hành chính”, ông Đầu Thanh Tùng cho biết.

Được biết, liên quan tới vụ việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có 7 văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu. Sở NN-PTNT đã nhiều lần tham mưu cho tỉnh, trực tiếp đi kiểm tra và đôn đốc các đơn vị thực hiện chỉ đạo, thế nhưng, nhiều địa phương (Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn) chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý. Nhiều nơi, có chỗ chỉ làm chiếu lệ để qua mắt cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Đến đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tại sao các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát rộng hàng nghìn m2, vi phạm sử dụng đất, vẫn bất chấp hoạt động nhiều năm nhưng không bị xử lý? Liệu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã có “làm ngơ” hoặc hoặc bao che, để giúp các cơ sở thu mua chế biến gỗ keo lộng hành, bất chấp pháp luật? Còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đến bao giờ trong việc chấp hành chỉ đạo xử lý vi phạm của cấp huyện, xã? Hiệu lực, hiệu quả về mặt quản lý nhà nước của địa phương sẽ ra sao khi cấp trên "nóng" cấp dưới "bình chân như vại"? Chính quyền địa phương "bó tay" đối với chủ doanh nghiệp vi phạm?

                            Doanh nghiệp không xem chỉ đạo của tỉnh ra gì

Trước đó, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam thực địa và gặp gỡ các chủ cơ sở này để làm rõ việc chấp hành pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Theo đó, tại Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (thị trấn Bến Sung, Như Thanh), doanh nghiệp này mới chỉ tháo dỡ một phần diện tích cơi nới làm nhà xưởng, trong khi đó vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp vẫn chưa được khắc phục.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, tại sao doanh nghiệp chưa khắc phục vi phạm sử dụng đất nông nghiệp? ông Hồ Bá Tân, chủ cơ sở cho biết: “Không có nhà nào làm việc này cả (trả lại nguyên trạng của đất nông nghiệp trước khi vi phạm - PV). Tôi biết là không đúng, nhưng mặt bằng đã đổ bê tông xuống nền rồi, không ai đi bẩy lên được”.

Cùng với câu hỏi trên, ông Đàm Minh Tuyến, chủ cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại huyện Thạch Thành cho biết: “Nếu các xưởng keo vi phạm trên địa bàn dọn hết, dừng hết thì tôi sẽ làm theo. Để nói vi phạm đất để cưỡng chế thì cả khu nông trường này nhiều lắm!”.

Trong khi đó, một số địa phương thì cho rằng, do lực lượng mỏng nên việc kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo gặp nhiều khó khăn. Hệ lụy là các điểm thu mua chế biến gỗ keo không những không khắc phục triệt để vi phạm mà còn mọc thêm nhiều điểm thu mua mới. 

Xem thêm
'Ngượng với địa phương vì hướng dẫn chống khai thác IUU nhiều mà chưa hiệu quả'

Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU cho biết, giờ là lúc Việt Nam phải thể hiện được sự tích cực tại những điểm nóng trong công tác chống khai thác IUU.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

5 quận Thủ đô thí điểm chia rác thành 4 loại từ đầu nguồn

23 phường thuộc 5 quận ở Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn, sau đó sẽ triển khai toàn thành phố trong năm 2026.