| Hotline: 0983.970.780

Nội chiến vùng keo: Theo chân cán bộ 'dẹp loạn' các bãi keo tự phát

Thứ Sáu 08/03/2024 , 09:55 (GMT+7)

Dù đã thừa nhận thiếu sót trong quản lý, thế nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thể dẹp loạn các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát.

“Bắt quả tang” xưởng keo hoạt động "chui"

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài “Nội chiến vùng keo nguyên liệu”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát theo quy định pháp luật. Đến nay, hàng chục cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành… đã bị xử phạt số tiền hàng trăm triệu đồng sau khi đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm đã được kiểm tra và không để tái diễn tình trạng như nội dung Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh. 

Hoạt động thu mua, chế biến gỗ dăm tại cơ sở của ông Trần Văn Xuân vẫn diễn ra bình thường sau khi có 'lệnh' dừng của UBND huyện Như Xuân. Ảnh chụp ngày 6/3.

Hoạt động thu mua, chế biến gỗ dăm tại cơ sở của ông Trần Văn Xuân vẫn diễn ra bình thường sau khi có "lệnh" dừng của UBND huyện Như Xuân. Ảnh chụp ngày 6/3.

Sáng 6/3, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã kiểm tra thực tế việc chấp hành pháp luật của 5 cơ sở thu mua, chế biến gỗ đã bị xử phạt và yêu cầu tạm dừng hoạt động trên địa bàn huyện.

Theo đó, trong số 5 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo từng được xác định có vi phạm sử dụng đất, hoạt động không đúng giấy phép kinh doanh, có 3 cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động. Điển hình phải kể đến cơ sở chế biến gỗ keo của ông Trần Văn Xuân có địa chỉ tại thôn 10, xã Bãi Trành. Tại cơ sở này, ông Xuân không xuất trình được bất cứ hồ sơ pháp lý nào liên quan đến hoạt động chế biến gỗ dăm cho tổ công tác. Ngoài ra, xưởng băm gỗ keo của hộ gia đình ông Xuân đặt trên đất nông nghiệp và chưa đủ các thủ tục pháp lý, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp việc sự xuất hiện của cán bộ huyện.

Lý giải về việc này, ông Xuân cho hay: “Do khách hàng không nắm được việc dừng sản xuất nên tối hôm trước vẫn có 2 xe chở nguyên liệu từ Nghệ An nhập keo vào bãi tập kết. Chúng tôi xử lý nốt số nguyên liệu này sẽ dừng hoạt động”. 

Tuy nhiên, trái ngược với những gì ông Xuân nói, trưa ngày 6/3, hệ máy móc tại xưởng sản xuất vẫn hoạt động hết công suất, chủ cơ sở không di dời nguyên vật liệu ra khu vực khác mà vẫn tiếp tục đưa vào máy băm. Gỗ tươi vẫn tiếp tục được xe vận chuyển vào phía trong xưởng để phục vụ sản xuất. Tương tự, tình trạng hoạt động “chui” cũng tái diễn tại cơ sở chế biến gỗ keo của ông Trần Viết Huệ (thôn Chôi Trờn, xã Bãi Trành).

Dù không được cấp phép băm gỗ dăm và bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng dây chuyền, nhưng hằng ngày Công ty LHD vẫn nhập hàng trăm tấn nguyên liệu, tiến hành băm dăm và vận chuyển dăm đi tiêu thụ. Ảnh chụp ngày 6/3.

Dù không được cấp phép băm gỗ dăm và bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng dây chuyền, nhưng hằng ngày Công ty LHD vẫn nhập hàng trăm tấn nguyên liệu, tiến hành băm dăm và vận chuyển dăm đi tiêu thụ. Ảnh chụp ngày 6/3.

Đáng chú ý trong số cơ sở băm dăm, Công ty LHD (thôn Nhà Máy, xã Bãi Trành) mặc dù được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương thực hiện dự án sản xuất và cung cấp các sản phẩm đồ gỗ nội thất, gỗ nan xuất khẩu và vật liệu xây dựng, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiến hành nhập nguyên liệu và thực hiện các hoạt động băm dăm. UBND xã Bãi Trành đã lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng dây chuyền băm dăm, tuy nhiên đơn vị không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động.

Sau khi kiểm tra các cơ sở này, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Bãi Trành cử lực lượng trực chốt, giám sát việc chấp hành quy định (tạm dừng hoạt động) của các cơ sở, thu mua, chế biến gỗ keo tại các cơ sở này.

Ông Tuấn cho biết thêm, lãnh đạo phòng sẽ báo cáo Chủ tịch UBND huyện Như Xuân xem xét kỷ luật Chủ tịch UBND xã Bãi Trành nếu để các cơ sở nêu trên tái diễn vi phạm. Đáng nói hơn, mặc dù đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt và yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất nhưng đến nay nhiều cơ sở thu mua, chế biến gỗ dăm trên địa bàn huyện Như Xuân vẫn chưa chấp hành.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ keo tự phát. Trong thời gian tới, nếu các cơ sở này vẫn cố tình tái phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản xử phạt và chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nếu cán bộ xã không thực hiện đúng nhiệm vụ phân công sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên”. 

Huyện nói một đằng, thực tế thì một nẻo

Huyện Như Thanh có 31 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trong đó có 17 doanh nghiệp và 14 hộ kinh doanh cá thể. Sau khi đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát, huyện Như Thanh đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong đó chủ yếu là vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

Nói về trách nhiệm quản lý nhà nước trước sự việc các điểm thu mua, chế biến gỗ dăm tự phát, ông Hàn Văn Huyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) thừa nhận: “Vi phạm nêu trên có trách nhiệm của lãnh đạo huyện đến cơ sở, có lúc, có nơi chưa kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề này còn có lỗi của Chủ tịch xã và phòng Tài nguyên và môi trường huyện vì chưa bám sát và quản lý chặt việc sử dụng đất của hộ gia đình, doanh nghiệp liên quan tới hoạt động thu mua, chế biến gỗ keo trong thời gian vừa qua".

Điểm thu mua, chế biến, tập kết nguyên liệu trên địa bàn xã Xuân Phúc vi phạm sử dụng đất vẫn hoạt động rầm rộ, trái ngược với khẳng định của lãnh đạo huyện Như Thanh. Ảnh chụp ngày 4/3.

Điểm thu mua, chế biến, tập kết nguyên liệu trên địa bàn xã Xuân Phúc vi phạm sử dụng đất vẫn hoạt động rầm rộ, trái ngược với khẳng định của lãnh đạo huyện Như Thanh. Ảnh chụp ngày 4/3.

Cũng theo ông Huyên, sau khi xử phạt vi phạm hành chính, UBND huyện Như Thanh yêu cầu các cơ sở chế biến gỗ keo tự phát tạm dừng hoạt động.

“Huyện đã thành lập ban chỉ đạo giám sát việc đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối cơ sở gỗ keo tự phát trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm về đất đai đã dừng hoạt động. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm theo phản ánh của báo chí", ông Huyên chia sẻ với phóng viên hôm 26/2.

Điểm thu mua, chế biến gỗ keo tại xã Hải Long (Như Thanh) nằm ngay cạnh khu vực chống sạt lở. Ảnh chụp ngày 4/3.

Điểm thu mua, chế biến gỗ keo tại xã Hải Long (Như Thanh) nằm ngay cạnh khu vực chống sạt lở. Ảnh chụp ngày 4/3.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp kiểm chứng khẳng định nêu trên của ông Huyên bằng việc thực tế các cơ sở thu mua chế biến gỗ keo tự phát sau cuộc phỏng vấn hôm 26/2. Trái ngược với khẳng định của ông Huyên, hầu hết các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn huyện tại xã Hải Long, Mậu Lâm, Xuân Phúc, thị trấn Bến Sung... không những không khắc phục vi phạm mà còn hoạt động rầm rộ hơn, bất chấp sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. 

Điển hình phải kể đến như cơ sở thua mua, chế biến gỗ keo của ông Dương Đình Sơn (xã Xuân Phúc); Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung); cơ sở thua mua, chế biến keo gỗ của Công ty TNHH Bảo Sơn (xã Hải Long)… Một số cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo khác chuyển trạng thái hoạt động về đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) rất nham nhở. Nhiều hạng mục công trình sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nằm trên đất ở và đất nông nghiệp. Ảnh chụp ngày 4/3.

Mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) rất nham nhở. Nhiều hạng mục công trình sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nằm trên đất ở và đất nông nghiệp. Ảnh chụp ngày 4/3.

Tương tự, tại huyện Thạch Thành, có 13 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo thì có đến 10 cơ sở thu mua chế biến gỗ keo vi phạm (chủ yếu là vi phạm sử dụng đất). Điển hình như cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của hộ gia đình ông Bùi Văn Sứ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn); cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của hộ kinh doanh của ông Đàm Minh Tuyến (nông trường Thạch Quảng); cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của bà Hoàng Thị Thủy (thôn Lộc Phượng 2, xã Thành Vinh, ngành nghề kinh doanh đồ gỗ nhưng thực hiện băm gỗ keo).

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo Đại Sứ bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất, thế nhưng chủ cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động như chưa hề có sự vào cuộc của lực lượng chức năng. Ảnh chụp ngày 5/3.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo Đại Sứ bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất, thế nhưng chủ cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động như chưa hề có sự vào cuộc của lực lượng chức năng. Ảnh chụp ngày 5/3.

Mặc dù các cơ sở có vi phạm sử dụng đất và đa phần bị yêu cầu phá dỡ công trình vi phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, thế nhưng những cơ sở trên đã không chấp hành mà ngang nhiên hoạt động trở lại sau khi bị xử phạt.

Trong khi đó, UBND huyện Triệu Sơn vẫn đang thực hiện kiểm tra, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo có dấu hiệu tự phát tại thị trấn Nưa, xã Thái Hòa, xã Bình Sơn…. theo phản ánh của người dân.

Đáng nói, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã 4 lần có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm vụ việc, nhưng nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, mới đây đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với huyện Thạch Thành, Như Xuân để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát và đề nghị các địa phương có phương án xử lý triệt để vi phạm. Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, trước ngày 15/3, các địa phương trong tỉnh phải thực hiện báo cáo tỉnh về nội dung nêu trên.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm