| Hotline: 0983.970.780

Nội chiến vùng keo: Tháo dỡ công trình vi phạm, kiểm điểm nhiều cán bộ

Thứ Hai 18/03/2024 , 07:45 (GMT+7)

Huyện Như Xuân đã chỉ đạo tháo dỡ một số cơ sở chế biến gỗ keo vi phạm, trong khi đó huyện Thạch Thành, Như Thanh... vẫn chưa thể xử lý dứt điểm vụ việc.

Cưỡng chế vi phạm nếu không chấp hành

Đoàn giám sát do ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) làm trưởng đoàn cùng đại diện các phòng, ban chuyên môn vừa kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở chế biến gỗ keo trên địa bàn xã Bãi Trành theo phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Tại cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của gia đình ông Trịnh Văn Hà, thôn Cầu, xã Bãi Trành, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo huyện, hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ các hạng mục công trình, nhà xưởng theo quy định dưới sự giám sát của đoàn kiểm tra.

Đoàn cũng tiến hành kiểm tra các các cơ sở chế biến gỗ keo đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất đối với hộ ông Nguyễn Văn Xuân (thôn 10, xã Bãi Trành) và ông Trần Viết Huệ (thôn Chôi Trờn, xã Bãi Trành). Tại thời điểm kiểm tra ngày 8/3, các hộ đã thực hiện việc dừng sản xuất theo quy định.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: “UBND huyện tiếp tục rà soát quy hoạch sử dụng đất đối với các đơn vị nêu trên. Các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động, huyện buộc dừng hoạt động và đã dừng hoạt động. Những cơ sở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và các điều kiện khác, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các chủ cơ sở này hoàn tất thủ tục, hồ sơ”.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của ông Trịnh Văn Hà đang tháo dỡ vi phạm. Ảnh: UBND huyện Như Xuân cung cấp.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của ông Trịnh Văn Hà đang tháo dỡ vi phạm. Ảnh: UBND huyện Như Xuân cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về việc xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện Thạch Thành, ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: “Sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng, ban có trách nhiệm kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở chế biến. Đối với các cơ sở bị kết luận có vi phạm sử dụng đất và yêu cầu hoàn trả nguyên trạng đất trước khi vi phạm phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo. Nếu các cơ sở vi phạm không chấp hành quy định sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ”.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo Đại Sứ bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất, thế nhưng chủ cơ sở vẫn chưa chấp hành bất chấp sự vào cuộc của lực lượng chức năng. Ảnh chụp ngày 5/3.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo Đại Sứ bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất, thế nhưng chủ cơ sở vẫn chưa chấp hành bất chấp sự vào cuộc của lực lượng chức năng. Ảnh chụp ngày 5/3.

Nhiều cán bộ bị đề nghị kiểm điểm

Còn tại huyện Như Thanh, mới đây đoàn công tác của Sở NN-PTNT Thanh Hóa do ông Lê Đức Thuận - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đã trực tiếp đi kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm.

Theo đánh giá của đoàn công tác, hành vi vi phạm pháp luật của 11 cơ sở với 22 hành vi vi phạm đã được Chủ tịch UBND huyện xử lý theo thẩm quyền, nhưng hầu hết các biện pháp khắc phục hậu quả (tháo dỡ nhà xưởng, máy móc thiết bị, bàn cân, gỗ nguyên liệu, thành phẩm gỗ trên đất nông nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất) vẫn chưa được thực hiện. Chính quyền địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý dứt điểm, tạo dư luận không tốt trên địa bàn.

Về nguyên nhân khách quan của tình trạng các cơ sở chế biến gỗ keo sau khi bị xử phạt, không đủ điều kiện vẫn tiếp tục hoạt động, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng: "Một số cơ sở lợi dụng việc thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ của tổ công tác và phòng chức năng, dẫn đến việc có lúc, có nơi hoạt động thu mua, chế biến trái pháp luật vẫn diễn ra, gây dư luận không tốt, có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường", báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa nêu.

Mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) rất nham nhở. Nhiều hạng mục công trình sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nằm trên đất ở và đất nông nghiệp. Ảnh chụp ngày 4/3.

Mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) rất nham nhở. Nhiều hạng mục công trình sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nằm trên đất ở và đất nông nghiệp. Ảnh chụp ngày 4/3.

Về nguyên nhân chủ quan, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, Chủ tịch UBND các xã thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa theo quy định, để xảy ra tình trạng các cơ sở chế biến lâm sản chưa đủ thủ tục đi vào hoạt động. Còn nể nang né tránh đối với các vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm UBND huyện Như Thanh và cán bộ có liên quan trong việc chấp hành chưa nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, để xảy ra tình trạng các chủ cơ sở chế biến vi phạm, xử lý không dứt điểm, gây dư luận không tốt.

Đề nghị UBND huyện Như thanh chỉ đạo kiểm điểm và xem xét xử lý trách nhiệm UBND xã, cán bộ liên quan trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý trên địa bàn, nể nang để các chủ cơ sở chế biến vi phạm pháp luật kéo dài nhưng không xử lý dứt điểm, xử lý không hiệu quả.

Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở vi phạm đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Tiếp tục kiểm tra rà soát, xử lý dứt điểm vi phạm tại các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn một số huyện như Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh.

Xem thêm
Cặp vợ chồng tử vong trong khi đốt nương làm rẫy

Quá trình đốt nương để lấy đất canh tác, thấy lửa cháy lan 2 vợ chồng cố gắng dập lửa. Song không may, cả 2 đã tử vong trong đám cháy.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.