| Hotline: 0983.970.780

Chảy máu rừng ươi

Thứ Tư 09/07/2014 , 10:10 (GMT+7)

Mùa cây ươi cho trái cũng là lúc những cánh rừng già ở Bình Định bị băm nát bởi mỗi ngày có đến hàng trăm người đổ xô vào rừng tìm chặt cây ươi.

Quả ươi đang có giá trị cao nên bị săn lùng ráo riết.

Săn ươi trống làng

Anh V. ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn, Bình Định) kể, hầu như cánh rừng nào cũng có cây ươi, nhưng tùy khí hậu từng vùng miền mà mùa ươi ở đó đến sớm hay muộn. Ví như ở Đồng Nai, mùa mưa ở tỉnh này đến sớm nên mùa ươi đã kết thúc từ 2 tháng trước, bởi khi mưa đổ xuống là ươi nở hết trên cây không thu lượm được.

Những người làm ươi ở Đồng Nai tiếp tục tràn ra những cánh rừng miền Trung để khai thác ươi. Không chỉ vậy, lực lượng săn ươi ở đây ngoài người dân địa phương, dân Đồng Nai, còn có cả người Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên tham gia.

"Hiện nay, ngày cao điểm có đến 400 - 500 người đổ dồn vào những cánh rừng nằm quanh làng Canh Tiến (Vân Canh, Bình Định) thuộc khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một để săn ươi. Ở quê tui, nhiều làng đi trống người, không chỉ thanh niên mà đến cả phụ nữ cũng tham gia.

Xưa nay người dân địa phương đi săn ươi chỉ làm theo cách truyền thống là lượm ươi bay, nghĩa là lượm ươi chín rụng quanh gốc. Ai táo tợn lắm cũng chỉ leo lên cây dùng rựa mé nhánh để hái ươi xanh nên bây giờ rừng vẫn còn ươi để làm.

Năm nay nhiều người tỉnh khác về, họ làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” nên không cần gìn giữ cho sau này, đụng cây nào xào cây nấy, dùng cưa máy hạ cây ngã xuống hái cả trái non”, V. chia sẻ.

Ùn ùn khai thác

Thời điểm này những cây ươi trên rừng vào mùa chín rộ nên thu hút lực lượng săn ươi càng đông. Bởi khi ươi chín thì bay (rụng) nhiều, mà đây là loại ươi đang có giá cao.

14-38-52_uoi-3
Mặt hàng ươi đang được thu mua rất đắt

Ông Đoàn Văn Tây, GĐ Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh:

“Chúng tôi tổ chức truy quét các đối tượng, nhưng khi tổ công tác đi rồi thì đâu lại vào đấy. Hiện vẫn còn nhiều đối tượng lén lút khai thác hạt ươi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhận khoán giữ rừng tăng cường bảo vệ; tiếp tục truy quét các đối tượng có hành vi chặt phá cây ươi để bảo vệ rừng”.

V. cho biết: “Cách đây 2 tháng, ươi mới vào đầu mùa nên còn xanh, ươi bay (ươi chín) rất hiếm nên có giá cao, đến 250.000 đ/kg. Giờ toàn bộ những cây ươi trên rừng đang chín rộ nên giá ươi bay có hạ nhưng vẫn còn bán được 170.000 đ/kg.

Không phải là ươi bay, những quả ươi vẫn còn ở trên cây nhưng đã già, quả ngả màu da bò cũng đang có giá khá cao, 80.000 đ/kg. Ươi xanh giá dù thấp nhưng hiện vẫn bán được từ 30.000 - 35.000 đ/kg. Do đó, nhiều người mới bất chấp, cưa hạ cả cây để hái ươi”.

Sau khi gửi xe tại làng Canh Tiến (Vân Canh), V. vừa dắt tôi vào rừng, vừa nói: “Tui chỉ dắt ông lên cánh rừng núi Hòn Ông để ông chụp hình cây ươi bị cưa hạ rồi tui đi làm. Ông mà có sức đi lên núi cao với tui thì chụp cả ngày vẫn không hết cảnh cây ươi bị tàn phá”.

Sau 2 giờ đồng hồ đi bộ, tôi bắt đầu trông thấy cảnh rừng bị “chảy máu” khắp nơi. Có thể nói thế này, nơi nào có cây ươi là cây ấy bị đốn hạ. Chỉ loanh quanh trong 1 khoảnh rừng nhỏ mà tôi đã thấy hàng chục cây ươi có đường kính 30 - 70 cm nằm phơi xác. Để có chỗ đặt cưa, “ươi tặc” còn phá rất nhiều loại cây nhỏ hơn mọc quanh cây ươi.

Thấy tôi đứng tần ngần, V. vỗ vai tôi nói: “Nhằm nhò gì, nhiều cây có đường kính cả mét cũng bị hạ gục. Càng đi lên núi cao cảnh tàn phá ươi càng dày. Những người làm ươi theo kiểu truyền thống như tui nhìn những gốc ươi bị cưa hạ còn thấy đau lòng huống gì mấy ông”.

Tìm hiểu thêm từ những nhóm dân địa phương đi làm ươi kiểu truyền thống như V. tình cờ gặp trong rừng, tôi được biết thêm, mỗi nhóm chuyên cưa ươi có khoảng 10 người. Mỗi ngày 1 chiếc cưa hạ khoảng 20 cây. Trong khi đó theo nhận định của những người làm ươi, hiện những cánh rừng ở Vân Canh mỗi ngày phải chịu sự tàn phá của vài chục chiếc cưa như vậy.

Anh T., cũng ở cùng quê với V., bộc bạch: “Tui đi 2 cha con, ngày nào trúng mỗi người lượm được 6 - 7 kg ươi bay kiếm được 1 triệu đồng/người. Bọn chuyên đi cưa ươi thì thu nhập cao vô kể, cưa 1 ngày 20 cây thì hái quả mang về không hết”.

Theo một số lão niên ở làng Canh Tiến, cây ươi không có chu kỳ ra trái cố định. Lần gần nhất rừng ươi ở Canh Tiến cho trái cách đây đã 13 năm. Năm nay ươi ở đây cho trái, dân chưa kịp vui thì đã kinh hoàng trước kiểu tận diệt ươi của những kẻ lạ. Mỗi ngày có hàng trăm người ùn ùn kéo về khai thác ươi.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.