Cây trồng chủ lực
Từ lâu, Ba Trại đã xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Nhờ cây chè mà đời sống của người dân được nâng lên. Giá trị kinh tế mà cây chè mang lại đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con trên địa bàn xã.
Người dân Ba Trại thu hoạch chè. |
Bởi thế mà 9/9 thôn của xã đều trồng chè và chế biến chè với hơn 3.000 hộ tham gia SX. Theo thống kê, toàn xã có 471ha chè, bà con chủ yếu thâm canh các giống chè trung du lá nhỏ, chè LDP1; trong đó, chè LDP1 chiếm 70% diện tích và đang được trồng theo hướng VietGAP.
Ông Đinh Công Phu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại thổ lộ, địa phương có truyền thống trồng chè đã từ lâu đời. Trước đây, người dân chủ yếu trồng chè trung du lá nhỏ, một giống chè bản địa cho năng suất thấp, chất lượng không ngon, giá bán lại bếp bênh.
Đến năm 2013, được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, nông dân Ba Trại đã chuyển đổi và thay thế dần giống chè cũ bằng giống chè LDP1 cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó, những vườn chè sạch được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu ra đời.
Gia đình ông Dương Văn Vượng (xóm 3) là một trong những hộ đầu tiên của xã tiên phong phá bỏ nương chè già cỗi, cải tạo lại đất vườn để trồng toàn bộ giống chè mới theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo ông Vượng, trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí giảm mà năng suất tăng gấp 2 - 3 lần, búp đẹp, chất lượng lại ngon. Và, bán được giá hơn, thị trường ổn định, khách hàng ưa chuộng và tin dùng.
Hiện tại, toàn bộ chè thành phẩm của gia đình ông được thương lái thu mua tại nhà với giá bán dao động từ 180 - 250 nghìn đồng/kg. Nhà ông trồng 1 mẫu chè, mỗi năm “đút túi” gần 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Trung (xóm Đô) chia sẻ, gia đình đã chuyển sang trồng chè VietGAP từ năm 2013. Toàn bộ 5 sào chè của gia đình được chăm sóc cẩn thận và ghi chép đầy đủ thời gian, ngày bón phân… Đặc biệt, chè được hái bằng tay theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non. Ngoài ra, khâu chế biến chè cũng phải đảm bảo sạch sẽ.
“Từ khi, trồng giống chè mới và trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thương hiệu chè Ba Trại được khách hàng biết đến nhiều hơn. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá bán cao hơn so với giống chè cũ, vì vậy thu nhập của gia đình được nâng lên, đời sống ổn định hơn”, anh Trung phấn khởi.
Chè sạch đúng nghĩa!
Đến nay, toàn xã Ba Trại đã có hơn 40ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. Các vườn chè được kiểm soát chặt chẽ từ quy trình bón phân tới sử dụng thuốc BVTV. Hàng tháng, cán bộ xã, cán bộ Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đều xuống các xóm để kiểm tra quy trình SX.
Nhờ cây chè mà đời sống của người dân xã Ba Trại được nâng lên. |
Ông Phu bảo, đã SX chè sạch thì phải SX sạch theo đúng nghĩa, không thể nói một đằng làm một nẻo. Tất cả phải SX theo quy trình sạch, an toàn, từ khâu chọn đất, lấy mẫu đất, mẫu nước đủ điều kiện mới cấp chứng chỉ cho phép SX, có như thế mới phát triển được thương hiệu chè Ba Trại và bay xa hơn được.
“Nhiều hộ gia đình đã thay đổi nhận thức trong quá trình canh tác. Không còn chăm sóc chè theo lối cũ, kinh nghiệm xưa. Tất cả đều hướng tới một mục tiêu là quảng bá, xây dựng thương hiệu chè sạch Ba Trại”, ông Phu bộc bạch.
Đến nay, chè Ba Trại đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Một ngày không xa nữa, chè Ba Trại sẽ có “tên tuổi” và chỗ đứng trên thị trường.
Bên cạnh phát triển những vườn chè theo hướng sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, xã Ba Trại còn hướng đến phát triển du lịch làng nghề. Mỗi năm, Ba Trại đón hàng trăm lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, họ cùng người dân địa phương tham gia vào công việc hái chè, sao chè và chụp ảnh lưu niệm.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành làm con đường mẫu lên xóm Đô - xóm có địa hình thuận lợi, có những vườn chè đẹp để hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, nhằm quảng bá thương hiệu chè Ba Trại đến với khách du lịch và người tiêu dùng...”, ông Đinh Công Phu. |