| Hotline: 0983.970.780

Chè vùng cao xuất ngoại, cơ hội thay đổi tập tục canh tác

Thứ Năm 07/11/2024 , 17:55 (GMT+7)

LÀO CAI Sản xuất chè giúp bà con vùng cao Mường Khương thoát nghèo và mở ra cơ hội thay đổi thói quen canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cây chè thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: H.Đ.

Cây chè thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: H.Đ.

Xử lý dịch bệnh để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nông trường quốc doanh sản xuất, chế biến chè đã xây dựng vùng nguyên liệu tại xã Lùng Vai của huyện Mường Khương. Sau khi nhà nước thoái vốn thì nông trường này đã chuyển thành công ty cổ phần, với những đơn vị khác tiếp tục duy trì sản xuất chè tại địa phương.

Sẵn điều kiện, am hiểu về cây chè, người dân trên địa bàn xã Lùng Vai mạnh dạn mở rộng vùng trồng. Đến nay, toàn xã có hơn 1.100ha chè, trong đó 940ha đã cho thu hoạch, số còn lại là vùng chè kiến thiết đang tạo tán. Có nhiều hộ ở xã mua sắm được xe máy, tích cóp được tiền xây dựng nhà kiên cố nhờ cây chè.

Ông Sùng Seo Pao ở thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai cho hay, từ lâu bà con ở đây đã biết và trồng chè rồi. Sau này, khi các nhà máy đến đây thu mua thì bà con mở rộng diện tích và lấy cây chè làm sinh kế chính thay cho trồng ngô, trồng lúa.

Gia đình ông Sùng Seo Pao cũng là hộ trồng nhiều chè nhất thôn, mỗi tháng thu hoạch tới 7 tấn chè búp tươi, ước tính thu gần 50 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Từ cây chè, gia đình ông đã xây được căn nhà 2 tầng, mua sắm xe máy, vật dụng gia đình.

Cùng thôn Cốc Lầy, ông Sùng Seo Thành có 2ha chè, bình quân mỗi tháng cũng thu được hàng chục triệu đồng.

Sau mỗi lượt thu hái thì bà con bắt tay vào chăm sóc, phun thuốc sinh học phòng bệnh định kỳ, đảm bảo cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Một số loại bệnh trên cây chè như rầy nâu, rầy xanh, rầy lưng trắng, bọ xít, bệnh phồng lá cho cây chè... bà con đều nắm bắt được và sử dụng thuốc nằm trong danh mục được lưu hành, không sử dụng các loại thuốc cấm.

Xã Lùng Vai là một trong số ít xã có điều kiện giao thông thuận lợi, gần quốc 4D, mặt bằng rộng nên nhiều doanh nghiệp đã tìm đến đầu tư. Cho đến nay, chè Lùng Vai không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Vàng Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Vai cho hay, chè Lùng Vai hiện đang được xuất khẩu thô sang thị trường Trung Đông, khoảng 1,4 USD/kg. Còn nếu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (TQ) thì khoảng 2USD/kg. Tuy nhiên, trước mắt cần đảm bảo số lượng, duy trì vùng sản xuất cho bà con. Sau đó, tiến tới sản xuất chè chất lượng cao, hướng đến những thị trường có yêu cầu khắt khe, có giá trị cao.

Khi người dân chú trọng đến quy trình chăm sóc, thu hái, chè sẽ bán được giá cao hơn. Ảnh: H.Đ.

Khi người dân chú trọng đến quy trình chăm sóc, thu hái, chè sẽ bán được giá cao hơn. Ảnh: H.Đ.

Xây dựng vùng chè chất lượng cao

Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương, với độ cao, khí hậu mát mẻ, sản phẩm chè Mường Khương có chất lượng vượt trội so với chè trồng ở các khu vực khác.

Trong khi, chè là cây dễ tính không đòi hỏi quy trình thâm canh, kỹ thuật cao và khắt khe nên phù hợp với trình độ dân trí của người dân vùng cao. Sản phẩm thu hoạch chỉ là búp, lá nên người dân đầu tư thâm canh cao thì năng suất cao còn đầu tư thâm canh thấp thì năng suất thấp chứ cây chè không mất mùa.

"Chúng tôi có giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp tổ chức lại khâu sản xuất bằng cách thành lập tổ nhóm ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, lưu ý vấn đề tuân thủ các quy trình kỹ thuật để sản xuất ra chè an toàn, chè có chất lượng cao. Khi doanh nghiệp bán được, xuất khẩu được giá cao sẽ thu mua chè nguyên liệu của bà con cao hơn", ông Lê Thanh Hoa nhấn mạnh.

Hợp tác xã chè Mường Khương, một trong những đơn vị chế biến chè xuất khẩu tại xã Lùng Vai, đang bao tiêu đầu ra chè búp tươi của người dân trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, theo đại diện hợp tác xã này, sản phẩm chè chưa vào được những thị trường lớn, bà con phải thay đổi tập tục canh tác, quy trình thu hái, chăm sóc cây chè qua đông, cho chè nghỉ giữa vụ... Qua đó, nâng cao phẩm cấp chất lượng chè.

"Chúng tôi có những bạn hàng lớn; dung lượng thị trường còn đang thiếu hụt khoảng 5.000 tấn chè khô để xuất khẩu. Do đó, năm tới, chúng tôi đồng hành cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển vùng nguyên liệu mới, xây dựng thêm 2 nhà máy để bao tiêu sản phẩm; đồng thời cầm tay chỉ việc để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững. Khi chất lượng chè búp tươi được nâng lên sẽ giúp bà con tăng từ 15-20% thu nhập", ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó Giám đốc Hợp tác xã chè Mường Khương nói.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.