| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/01/2024 , 21:18 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 21:18 - 08/01/2024

Chỉ đồng tiền lương thiện mới cứu chuộc lương tâm sám hối

Hành vi xấu xa khi bị khởi tố thì nhiều quan chức ngay lập tức nộp tiền tỷ để khắc phục hậu quả, đây là tín hiệu vừa đáng mừng vừa đáng lo.

Hành vi xấu xa của nhiều quan chức liên tục được phanh phui, trước sự tăng tốc chiến dịch phòng chống tham nhũng. Với những cấp độ khác nhau, hành vi xấu xa từ những kẻ được giao phó trách nhiệm quản lý xã hội, đã trực tiếp làm xói mòn niềm tin dân chúng về sự liêm chính.

Không chỉ “đả hổ” và “diệt ruồi”, công cuộc đẩy lùi tiêu cực còn mở rộng hoạt động “săn cáo”. Bằng chứng là ngoài việc không cho phép quan chức tha hóa được ung dung “hạ cánh an toàn”, còn khởi tố và bắt giam những quan chức đương nhiệm như Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình hoặc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp.

Thế nhưng, có một biểu hiện đáng chú ý là khi hành vi xấu xa bị đưa ra ánh sáng, nhiều quan chức suy đồi đã vội vàng đưa ra những khoản tài chính không nhỏ để khắc phục hậu quả. Hầu hết các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu và vụ án Việt Á đều nộp tiền khắc phục hậu quả. Dính líu đến vụ án AIC, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, mỗi người nộp lại 14 tỷ đồng trước ngày xét xử.

Mới đây, dù chưa bị bắt giam, nhưng vừa bị khởi tố vì liên quan đến dự án Hạc Thành Tower, thì cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nộp lại tổng cộng 45 tỷ đồng.

Biết nộp lại số tiền đã chiếm đoạt gian trá là một thái độ tích cực, có thể được tòa án cân nhắc cho một phán quyết công lý. Thế nhưng, nếu quan chức biết dừng tay trước các hành vi xấu xa và biết ăn năn tự thú trước lúc bị điều tra, chắc chắn còn đáng khen ngợi hơn.

Kẻ cướp có nộp lại tang vật thì cũng không thể thoát khỏi sự trừng phạt dành cho kẻ cướp. Tuy nhiên, có phải nhiều quan chức đã giữ gìn cẩn thận những đồng tiền ma mãnh cưỡng đoạt suốt mấy năm, để chờ đến thời điểm thích hợp mà nộp lại không? Rất khó tin có một sự thật như vậy.

Tiền tỷ đâu dễ huy động trong một sớm một chiều. Liệu có nhà hảo tâm nào cho quan chức sai phạm được vay mượn để khắc phục hậu quả chăng? Và liệu khoản tài chính mà quan chức nộp lại cho cơ quan chức năng có phải là những đồng tiền lương thiện? Không thể nào gột rửa hành vi xấu xa bằng đồng tiền được vơ vét từ bao nhiêu mưu tính đê hèn.

Chiến dịch phòng chống tham nhũng luôn đặt ra mục tiêu kép, vừa lấy lại tài sản cho Nhà nước, vừa lấy lại đạo đức cho cộng đồng. Có lẽ, nên làm rõ gốc gác của tiền tỷ mà các quan chức nộp lại sau khi bị khởi tố. Bởi lẽ, chỉ có đồng tiền lương thiện mới có thể cứu chuộc lương tâm sám hối. Còn đồng tiền xấu xa thì buộc phải tịch thu, chứ không thể xem đồng tiền xấu xa như phương tiện khắc phục hậu quả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm