| Hotline: 0983.970.780

'Chị Trương Mỹ Lan mới là chủ thật sự của SCB'

Thứ Bảy 09/03/2024 , 08:47 (GMT+7)

Đó là câu trả lời của bị cáo Phạm Thu Phong, cựu Trưởng ban kiểm soát SCB khi HĐXX hỏi: 'Bị cáo là người của SCB, sao nghỉ việc lại xin bị cáo Trương Mỹ Lan?'.

Phiên xét xử Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Phạm Thu Phong, cựu Trưởng ban kiểm soát SCB. Sau khi nghỉ việc, bà Phong được bị cáo Trương Mỹ Lan tặng quà là 20 tỷ đồng. 

Tặng quà cán bộ nghỉ việc 20 tỷ đồng

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thu Phong làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB cũ) từ năm 2007. Sau đó tiếp tục công tác tại SCB đến cuối năm 2018 với nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, như kiểm soát viên, Phó trưởng phòng Kiểm soát nội bộ, thành viên Ban Kiểm soát.

Chức vụ cuối cùng bị cáo Phong nắm giữ trước khi nghỉ việc vào tháng 4/2019 là Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng SCB từ ngày 20/11/2012 đến ngày 26/12/2018. Trong giai đoạn này, SCB đã phát sinh 338 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 403 khoản vay tại SCB. Các khoản vay này còn dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 89.106 tỷ đồng nợ gốc, hơn 74.597 tỷ đồng nợ lãi và phí.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên toà ngày 8/3. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên toà ngày 8/3. Ảnh: HT.

Nội dung cáo trạng nêu, bị cáo Phạm Thu Phong đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban Kiểm soát và Trưởng ban Kiểm soát trong quá trình SCB cấp tín dụng đối với nhiều khách hàng thuộc nhóm Trương Mỹ Lan nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Ngân hàng SCB trong hoạt động cấp tín dụng này, dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, Ngân hàng SCB không có khả năng thu hồi nợ. Hành vi của Phạm Thu Phong đã gây thiệt hại cho SCB hơn 90.317 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX về lý do xin nghỉ, bị cáo Phong cho biết đã có ý định nghỉ từ cuối năm 2016 vì khi kiểm tra một số chi nhánh mà không tiếp cận được hồ sơ và khi tiếp cận hồ sơ ở chi nhánh khác thì cũng không đầy đủ, không được các bộ phận hợp tác. 

Bị cáo nhận thấy không ổn, không thể có đầy đủ thông tin, không đủ điều kiện để làm nhiệm vụ nên trình bày với Chủ tịch HĐQT muốn xin nghỉ việc thì được động viên tiếp tục ở lại hỗ trợ do đoàn thanh tra sắp vào. Tuy nhiên bị cáo vẫn muốn nghỉ việc vì không thể thực hiện nhiệm vụ nên gặp trực tiếp bị cáo Trương Mỹ Lan để xin. 

“Chị Lan nói chị cũng biết em làm việc rất áp lực, căng thẳng, em nghỉ thì chị cũng hỗ trợ tài chính cho em. Lúc đó, bị cáo mừng quá nên nghỉ luôn. Sau đó, khi bị cáo đang ở nhà thì chị Lan gọi nói là tài xế mang quà gửi cho em. Số tiền này bị cáo đã khai báo và nộp lại trong quá trình điều tra”, bị cáo Phong trình bày trước tòa.

Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan, người đã 'giúp sức' cho vợ gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho SCB. Ảnh: HT. 

Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan, người đã "giúp sức" cho vợ gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho SCB. Ảnh: HT. 

Chủ tọa hỏi: “Bị cáo là người của SCB sao xin nghỉ việc lại xin bị cáo Trương Mỹ Lan, trong khi bị cáo Lan không giữ bất kỳ chức vụ nào”, bị cáo Phong trả lời: “Từ những người đi làm trước đó ai cũng biết chị Trương Mỹ Lan là người quyết định mọi việc, là chủ thật sự của Ngân hàng SCB”. Chủ toạ hỏi: “Bị cáo có làm đúng vai trò, nhiệm vụ của mình?”. Bị cáo Phong trả lời: “Có kiểm soát đúng định hướng nhưng trên thực tế gặp một số trở ngại. Khi thấy tình hình tài chính SCB rất xấu, Ban kiểm soát có cảnh báo, báo cáo”. Chủ tọa nói: “Ban kiểm soát có quyền chớ cần gì báo cáo!”, bị cáo Phong im lặng!

Sau khi Phạm Thu Phong nghỉ, bị cáo Lưu Quốc Thắng được chọn thay thế vị trí Trưởng ban Kiểm soát SCB. Trong thời gian Thắng làm Trưởng ban (từ ngày 17/4/2019 đến ngày 7/7/2022), Ngân hàng SCB đã phát sinh 438 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 652 khoản vay tại SCB. Trong đó các khoản vay của các khách hàng này còn dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 438.458 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, bị cáo Thắng đã không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban kiểm soát và Trưởng ban Kiểm soát trong quá trình SCB cấp tín dụng đối với các khách hàng thuộc nhóm Trương Mỹ Lan nên đã không phát hiện được, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của SCB trong hoạt động cấp tín dụng. Điều này dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, ngân hàng SCB không có khả năng thu hồi nợ. Hành vi của Lưu Quốc Thắng đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 344.695 tỷ đồng.

Toà nhà Công ty Times Square, một trong số những tài sản ông Chu Lập Cơ đã nâng khống giá trị thế chấp vay vốn ngân hàng SCB, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho SCB. Ảnh: TL.

Toà nhà Công ty Times Square, một trong số những tài sản ông Chu Lập Cơ đã nâng khống giá trị thế chấp vay vốn ngân hàng SCB, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho SCB. Ảnh: TL.

Tặng Tết cho cán bộ 40 tỷ đồng

Một bị cáo khác cũng được bà Trương Mỹ Lan tặng quà Tết đến 40 tỷ đồng là Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB. Bị cáo Dũng bị cáo buộc tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cáo trạng xác định hành vi của bị cáo Bùi Anh Dũng đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 318.000 tỉ đồng. Bùi Anh Dũng thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Theo cáo trạng, bị cáo Bùi Anh Dũng làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa từ tháng 5/2009. Sau khi hợp nhất SCB, ông Dũng tiếp tục làm việc tại Ngân hàng SCB, trải qua nhiều vị trí: năm 2013, giữ chức vụ Giám đốc Chi nhánh Bến Thành, đến năm 2018, giữ chức Phó Tổng giám đốc SCB phụ trách khối doanh nghiệp. Đầu năm 2019 là ủy viên HĐQT kiêm phụ trách khối doanh nghiệp.

Bị cáo Bùi Anh Dũng, người đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 318.000 tỉ đồng. Ảnh: HT.

Bị cáo Bùi Anh Dũng, người đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 318.000 tỉ đồng. Ảnh: HT.

Do được Đinh Văn Thành giới thiệu là người hiền lành, không quậy phá nên bà Trương Mỹ Lan đồng ý để Bùi Anh Dũng làm chủ tịch hội đồng quản trị từ tháng 12/2020. B1ị cáo được trả lương thấp nhất 70 triệu đồng, cao nhất đến 500 triệu đồng/tháng, Tết 2020, 2021, bị cáo Dũng còn được Trương Mỹ Lan thưởng tổng cộng 40 tỷ đồng, được bà Lan tặng 500.000 cổ phiếu SCB (tương đương 5 tỉ đồng).

Làm việc dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng biết rõ khoản vay nào là của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đối với các khoản vay này, Bùi Anh Dũng chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền của ngân hàng SCB theo chỉ đạo của Lan.

Thực tế các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn. Các khoản vay thực chất là rút tiền cho Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát được theo dõi riêng trên hệ thống dữ liệu “Core Banking” của Ngân hàng SCB, được tạo thêm một trường dữ liệu ký hiệu là “HSTT”. Những khoản vay này được bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định.

Cáo trạng xác định, từ ngày 10/4/2013 đến ngày 4/12/2020, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng đã ký 254 tờ trình thẩm định, 129 biên bản họp hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 14 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 322 khách hàng vay 404 khoản để Trương Mỹ Lan sử dụng không đúng mục đích.

Số khoản vay này có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 209.101 tỷ đồng. Hành vi trên của Bùi Anh Dũng đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 187.607 tỷ đồng.

Khách sạn thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel), một trong số hàng trăm bất động sản giá trị cực lớn do bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát sở hữu. Ảnh: TL.

Khách sạn thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel), một trong số hàng trăm bất động sản giá trị cực lớn do bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát sở hữu. Ảnh: TL.

Từ ngày 9/12/2020 đến ngày 22/9/2022, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng với vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 158 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 144 Nghị quyết đồng ý cho 143 khách hàng thuộc Vạn Thịnh Phát vay 207 khoản tại Ngân hàng SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 203.203 tỷ đồng.

Hành vi này của Bùi Anh Dũng đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 104.259 tỷ đồng của Ngân hàng SCB và gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh là 26.331 tỷ đồng.

Tại toà bị cáo Dũng đã nhận thức hành vi sai phạm của mình, gây ra hậu quả quá lớn, bị cáo đã nộp lại khoảng 35 tỷ đồng và muốn khắc phục số cổ phiếu bà chủ cho, mong được HĐXX tạo điều kiện... 

Tại phiên tòa ngày 7/3, bị cáo Dương Tấn Trước, cựu Tổng giám đốc Công ty Tường Việt trình bày trước tòa rằng, mình là chủ nợ của bị cáo Trương Mỹ Lan. Theo đó, bị cáo Trước khai nhận, có thỏa thuận với Trương Mỹ Lan về việc chuyển nhượng dự án Thanh Yến với giá 2.500 tỷ đồng. Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB, nhưng số tiền nhận nợ sẽ là 3.500 tỷ đồng. Trong đó, 2.500 tỷ đồng là tiền chuyển nhượng, 1.000 tỷ đồng cho bị cáo Lan mượn sử dụng và bị cáo Lan có trách nhiệm trả lại Ngân hàng SCB. Dương Tấn Trước cho biết, số tiền 1.000 tỷ này hiện bị cáo Lan vẫn chưa trả lại. Về mặt pháp nhân của Trước phải đứng ra trả ngân hàng khoản vay này. Theo Trước, bà Lan là người có uy tín nên muốn hợp tác làm ăn chung, từ đó mới chấp nhận dùng các công ty của mình đứng ra vay tiền cho bị cáo Lan.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.