| Hotline: 0983.970.780

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những đại gia xin nộp ngàn tỷ khắc phục hậu quả

Thứ Năm 07/03/2024 , 08:44 (GMT+7)

Trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có 2 đại gia đã tự nguyện nộp hàng ngàn tỷ đồng cho Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả.

2 đại gia nộp lại số tiền “khủng”

Theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngày 5/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã đưa 14,5 triệu USD cho ông Tạ Hùng Quốc Việt (sinh năm 1975), Tổng giám đốc Công ty CP Greenhill Village (tương đương 350 tỷ đồng) nhằm chuyển nhượng dự án Greenhill Quy Nhơn do Công ty Greenhill Village làm chủ đầu tư.

Chỉ 2 ngày sau đó, bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam. Đến ngày 23-25/10/2022, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, ông Việt đã trình báo và nộp toàn bộ số tiền đã nhận của bà Trương Mỹ Lan, gồm hơn 116 tỷ đồng (khoảng 4,75 triệu USD) và 9,75 triệu USD, tương đương số tiền 14,5 triệu USD.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 6/3. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 6/3. Ảnh: HT.

Ông Tạ Hùng Quốc Việt là một trong những cổ đông sáng lập Greenhill Village, thành lập năm 2018, tiền thân là Công ty TNHH Greenhill Village, đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú ngắn ngày. Đến tháng 8/2019 doanh nghiệp chuyển thành Công ty cổ phần Greenhill Village. Thời điểm mới thành lập, ông Việt thường nắm tỷ lệ sở hữu 50-61% cổ phần.

Bị cáo nộp nhiều tiền khắc phục thứ 2 là Dương Tấn Trước, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt, đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 4.700 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 605 tỉ đồng. Và được bị cáo Lan “thưởng” cá nhân tới 1.500 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Dương Tấn Trước quen biết bị cáo Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020. Khoảng tháng 4/2021, bà Lan trao đổi, thỏa thuận với Trước về việc chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho Dương Tấn Trước và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỉ đồng, nhưng Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB, số tiền nhận nợ sẽ là 3.500 tỉ đồng.

Bị cáo Trước thoả thuận, thống nhất với bị cáo Lan về việc sử dụng các pháp nhân của Công ty Tường Việt, phối hợp với cán bộ Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB để sử dụng. Sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau của bà Lan.

Tài sản bảo đảm cho 2 khoản vay nêu trên là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 7.092 m2 đất thuộc dự án Thanh Yến.

Bị cáo Trước còn giúp bà Trương Mỹ Lan thực hiện một số công việc liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 dự án Mũi Đèn Đỏ nên bà Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc SCB, làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng. “Thực chất là rút tiền SCB để Trương Mỹ Lan cho Dương Tấn Trước số tiền trên'”, cáo trạng nêu.

Bị cáo Chu Lập Cơ tại toà ngày 6/3. Ảnh: HT.

Bị cáo Chu Lập Cơ tại toà ngày 6/3. Ảnh: HT.

Sau khi vụ án bị khởi tố, ông Dương Tấn Trước đã trả lại SCB hơn 813 tỷ đồng và nộp khắc phục 52 tỷ đồng và xin nộp lại số tiền hơn 2.204 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, vợ bị cáo Dương Tấn Trước là bà T., cũng gửi đơn xin tự nguyện khắc phục hậu quả.

Ngoài những khoản tiền đã nộp, bà T., cũng tự nguyện khai báo các khoản tiền trong ngân hàng cũng như các khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, tổng cộng 1.965 tỉ đồng cùng 4 bất động sản (theo bà T., 4 bất động sản này có giá trị hơn 629 tỉ đồng) để cơ quan chức năng phong tỏa và kê biên.

“Nay chồng tôi và gia đình có nguyện vọng khắc phục toàn bộ thiệt hại liên quan đến vụ án. Chúng tôi xin tự nguyện đưa một số tài sản là các bất động sản có giá trị cao để đảm bảo cho quá trình thi hành án”, bà, T., vợ bị cáo Trước viết trong đơn.

Đã khắc phục hơn 1.580 tỉ đồng, 8,6 triệu USD...

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định gây thiệt hại 498.000 tỷ đồng. Ngoài các tài sản đã bị kê biên, trong quá trình điều tra, các bị cáo đã khắc phục hơn 1.580 tỷ đồng, 8,6 triệu USD và 10,2 triệu cổ phần SCB.

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng thu giữ gần 600 tỷ đồng và gần 15.000 USD. Trong đó thu giữ của bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân hơn 7 tỷ đồng; thu giữ của ông Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Greenhill Village; Trần Văn Hùng, nhân viên tòa nhà Sherwood (quận 3, TPHCM) 190.000 USD.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD). Ảnh: HT.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD). Ảnh: HT.

Quá trình điều tra, gia đình bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nhị, Trương Huệ Vân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD; thu giữ của ông Nguyễn Phú Tiên, Giám đốc Công ty TNHH An Nhựt Long An số tiền 50 tỷ đồng, là nguồn tiền bà Lan thanh toán chuyển nhượng dự án khu dân cư Chợ Mới; thu giữ của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương 414 tỷ đồng, là nguồn tiền bà Lan giao cho các cá nhân tại doanh nghiệp trên nắm giữ 66,93% vốn điều lệ. Trong giai đoạn truy tố, cơ quan chức năng thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Cụ thể, gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB nộp 4,5 tỷ đồng, gia đình bị cáo Phan Tấn Trung, cựu Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nộp 546 triệu đồng, Nguyễn Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dầu khí Đông Phương nộp 500 triệu đồng.

Bị cáo Chu Lập Cơ (chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square, chồng bị cáo Lan) đã nộp khắc phục 1 tỷ đồng. Bị cáo Trương Huệ Vân (tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; cháu bị cáo Lan) nộp gần 1,1 tỷ đồng và 3.000 USD.

Trong số các bị cáo là nguyên lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng SCB, bị cáo Phạm Thu Phong (cựu Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB) là người nộp khắc phục nhiều nhất với 20 tỷ đồng.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II - Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã nộp 390.000 USD. 

Bị cáo Trương Huệ Vân tại toà ngày 6/3. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Huệ Vân tại toà ngày 6/3. Ảnh: HT.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Công ty Capella), người bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan, đã nộp hơn 657,5 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (tương đương khoảng hơn 82,5 tỷ đồng) và kê biên 7 bất động sản.

Trước đó, quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ tại nơi làm việc của Nguyễn Cao Trí khoảng 94 tỷ đồng, gồm khoản tiền 3.312.200 USD (tương đương 78 tỷ đồng) và số tiền 16,7 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, ông Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có đơn xin khắc phục một phần hậu quả là số tiền trong 2 tài khoản ngân hàng của bị cáo này (khoảng 500 triệu đồng). Trước ngày mở phiên tòa, chồng của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) đã làm đơn xin thay mặt bị cáo nộp 300 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả đã xảy ra.

10 thủ đoạn phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm 

Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của  bị cáo Trương Mỹ Lan; chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma” tạo lập hồ sơ vay khống; câu kết với các công ty liên quan, có hoạt động thực tế vay tiền SCB cùng sử dụng, chiếm đoạt; thông đồng với 5 công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc 17 cán bộ, lãnh đạo Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và chi nhánh TP.HCM để bưng bít sai phạm của SCB, mà điển hình là đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước 5,2 triệu USD. 

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.