| Hotline: 0983.970.780

Những doanh nghiệp thẩm định giá 'tiếp tay' cho Vạn Thịnh Phát

Thứ Sáu 08/03/2024 , 08:56 (GMT+7)

Liên quan đến những thiệt hại đặc biệt lớn xảy ra trong 'đại án' Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, có sự tiếp tay không nhỏ của 5 công ty thẩm định giá.

Theo Cáo trạng, có 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên của 5 công ty thẩm định giá gồm: Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty Exim và Công ty DATC, đã “tiếp tay” cho bị cáo Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, gây thiệt hại cho ngân hàng SCB hơn 127.000 tỷ đồng.

Thiệt hại hơn 127.000 tỷ đồng

Trong phần sai phạm của nhóm các bị cáo là các công ty thẩm định giá, bị cáo Trần Văn Nhị, cựu Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 110.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, Trần Văn Nhị là người môi giới thẩm định giá tài sản cho SCB đã thống nhất với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB, Bùi Ngọc Sơn, cựu PGĐ Phòng Tái thẩm định SCB, đã liên hệ, thỏa thuận để Trần Thị Kim Ngân, TGĐ Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú, phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản theo yêu cầu của SCB để đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HT.

Các hành vi của Trần Văn Nhị và Trần Thị Kim Ngân đã khiến tổng dư nợ các khoản vay trên tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 127.000 tỷ đồng, thiệt hại cho ngân hàng SCB hơn 110.000 tỷ đồng. 

Bị cáo Trần Tuấn Hải, cựu nhân viên thẩm định giá Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú, thực hiện chỉ đạo của Trần Thị Kim Ngân, từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020 đã ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản, ghi lùi ngày phát hành chứng thư để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khách hàng. 

Các khoản vay trên có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 127.000 tỷ đồng. Hành vi của Trần Tuấn Hải gây thiệt hại cho SCB số tiền 110.000 tỷ đồng. 

Bị cáo Hồ Bình Minh, cựu Phó giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá MHD, đã thỏa thuận thống nhất với Trần Thị Mỹ Dung và Bùi Ngọc Sơn để Công ty MHD phát hành chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản, phát hành lùi ngày chứng thư để SCB đưa vào hợp thức 2 hồ sơ vay vốn. 

Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay khống để rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng nêu trên còn dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng. 

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó TGĐ SCB, một trong những mắt xích quan trọng giúp bị cáo trương Mỹ Lan 'rút ruột' ngân hàng SCB. Ảnh: HT.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó TGĐ SCB, một trong những mắt xích quan trọng giúp bị cáo trương Mỹ Lan "rút ruột" ngân hàng SCB. Ảnh: HT.

Ngoài ra, Hồ Bình Minh còn soạn thảo báo cáo, chứng thư thẩm định giá được nâng khống giá trị tài sản để Công ty Tầm Nhìn Mới phát hành chứng thư thẩm định giá, giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm hợp thức hồ sơ vay của 3 khách hàng, có dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là 15.000 tỷ đồng. Hành vi của Hồ Bình Minh đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền là hơn 11.000 tỷ đồng. 

Bị can Lê Huy Khánh, cựu Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá Tầm nhìn mới, đã thống nhất với Hồ Bình Minh về việc nhận ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư để Ngân hàng SCB sử dụng, hợp thức hồ sơ vay vốn khống, rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB, với số tiền hơn 11.000 tỷ đồng. 

Bị cáo Đỗ Xuân Nam, cựu Phó tổng giám đốc, thẩm định viên Công ty CP tư vấn, dịch vụ bất động sản DATC, đã thỏa thuận, thống nhất với Nguyễn Phương Hồng và Lê Anh Phương ký ban hành chứng thư, trong đó nâng khống tài sản thẩm định giá, phát hành lùi ngày để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ vay vốn. 

Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay khống để rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng nêu trên còn dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của Đỗ Xuân Nam gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 4.200 tỷ đồng. 

Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, cũng là một trong những người giúp sức đắc lực cho bà Trương Mỹ Lan trong việc 'rút ruột' SCB. Ảnh: HT.

Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, cũng là một trong những người giúp sức đắc lực cho bà Trương Mỹ Lan trong việc "rút ruột" SCB. Ảnh: HT.

Bị can Lê Kiều Trang, cựu Phó TGĐ Công ty CP thẩm định giá Exim, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, từ năm 2017 đến năm 2019 đã trực tiếp thẩm định giá, ký thẩm định viên để Công ty Exim phát hành 17 chứng thư nâng khống trị giá tài sản, để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm hợp thức hồ sơ vay của 11 khách hàng tại SCB, có dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 1.550 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB là 984 tỷ đồng.

Thổi phồng giá trị tài sản bảo đảm lên nhiều lần

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách ngân hàng SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân (đơn vị được Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ định) chỉ định giá 726/1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách phân bổ toàn bộ là 643.029 tỷ đồng thì giá trị định giá lại được phân bổ là 244.805 tỷ đồng (bằng 38% giá trị tài sản đảm bảo đã được định giá trước đó).

Có 440/1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách ngân hàng SCB ghi nhận, phân bổ là 622.476 tỷ đồng (tính theo giá trị phân bổ theo Hợp đồng thế chấp/cầm cố thì giá trị sổ sách phân bổ lại là 605.727 tỷ đồng) nhưng Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân không định giá nổi vì lý do các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…

Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (còn gọi là dự án Saigon Peninsula) của Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HT.

Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (còn gọi là dự án Saigon Peninsula) của Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HT.

Một trong những điển hình của việc tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, Ngân hàng SCB đã giải ngân cho 100 khách hàng 137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ còn dư nợ 133.710 tỉ đồng (bao gồm gốc và lãi), chiếm 22% tổng dư nợ gốc nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát tại SCB.

Theo đó, tài sản đảm bảo trên sổ sách là 584.487 tỉ đồng, trong đó tài sản đảm bảo là phần vốn góp, cổ phần là 433.473 tỉ đồng; quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỉ đồng; các bất động sản, quyền tài sản khác là 3.363 tỉ đồng. 

Hơn một nửa mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP không đủ pháp lý nhưng vẫn được các công ty thẩm định giá tiếp tay nâng khống giá trị...

Tuy nhiên, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá trị 22.003 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần không định giá được (vì cổ phần đã định giá trị vào quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỷ đồng); quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỷ đồng; các bất động sản khác là 3.686 tỷ đồng.

Khu đất số 100 Hùng Vương rộng hơn 7.400 m2, nằm ngay trung tâm Q.5 trị giá hàng ngàn tỷ đồng, một trong những khu 'đất vàng' của Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HT.

Khu đất số 100 Hùng Vương rộng hơn 7.400 m2, nằm ngay trung tâm Q.5 trị giá hàng ngàn tỷ đồng, một trong những khu “đất vàng” của Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HT.

Cơ quan điều tra xác định trong tổng số 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay trong thời gian từ ngày 01/01/2012 đến ngày 7/10/2022, có 517/1.166 mã tài sản có đủ pháp lý được Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 và ngân hàng SCB có đủ pháp lý (đủ điều kiện để trích lập dự phòng rủi ro và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm), phân bổ theo tờ trình và/hoặc hợp đồng thế chấp/cầm cố là giá trị hơn 179.195 tỷ đồng.

Tổng nghĩa vụ nợ của các khoản vay thuộc nhóm Trương Mỹ Lan là 677.286 tỷ đồng. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can nên cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại 498.090 tỷ đồng.

Ngoài thủ đoạn rút ruột ngân hàng SCB bằng tiền, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo các đối tượng rút ruột ngân hàng SCB bằng việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị cao ra khỏi ngân hàng SCB, thay thế bằng tài sản giá trị thấp hơn nhiều lần để sử dụng.

Kết quả điều tra xác định trong số 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP có 240 tài sản bảo đảm/430 khoản vay bị hoán đổi tài sản bảo đảm (trong đó có nhiều khoản vay hoán đổi tài sản nhiều lần, nhiều nhất là 12 lần). Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trị trên sổ sách là hơn 487.451 tỷ đồng nhưng sau khi bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm đến nay giá trị trên sổ sách là hơn 351.848 tỷ đồng. Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng giá trị hơn 108.109 tỷ đồng (tại ngày 30/9/2022).

Trong số 240 tài sản bảo đảm bị hoán đổi thì có 67 tài sản đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của ngân hàng SCB, có nhiều tài sản có giá trị lớn, chuyển thành tài sản do nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu, như Toà nhà Sherwood Residnet tại 127 Pasteur, Toà nhà 66 Phó Đức Chính, TP.Hồ Chí Minh (đã được kê biên trong vụ án). Ngoài ra, còn có nhiều tài sản khác đã chuyển nhượng cho bên thứ 3 hoặc chuyển sở hữu nước ngoài không thể tiến hành kê biên, phong toả.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.