| Hotline: 0983.970.780

'Đế chế' của Trương Mỹ Lan và những giao dịch khủng

Thứ Ba 05/03/2024 , 18:18 (GMT+7)

Trong thời gian 10 năm (từ 2012 đến 2022), bà Trương Mỹ Lan và 'hệ sinh thái' Vạn Thịnh Phát đã tạo ra 'cơn địa chấn' về thiệt hại, lớn chưa từng có...

Cụ thể, thông qua ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát đã cho 1.366 khách hàng vay 2.527 khoản với tổng số tiền hơn 1,06 triệu tỷ đồng. Tính đến khi bị khởi tố vụ án (17/2/2022), còn 875 khách hàng với 1.284 khoản vay, dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 484.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 193.000 tỷ đồng nợ lãi.

Trong hơn 10 năm, bà Trương Mỹ Lan và “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát đã được SCB “bơm” gần 1,07 triệu tỷ đồng, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỷ đồng, đều là nợ không thể thu hồi. Bà chủ Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng.

“Vòi bạch tuộc” mang tên Vạn Thịnh Phát

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiền thân là Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, được bà Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956) thành lập năm 2012, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Sau đó, công ty nâng tầm lên thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với những dự án cao ốc, nhà hàng, khách sạn “khủng” như: khách sạn thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence, VTP Office Building, Union Square, khách sạn Duxton... là những dự án bất động sản nằm ở những vị trí đắc địa của TPHCM.

Hoặc tòa nhà Times Square khá nổi tiếng sau khi diễn ra lễ cưới của ca sĩ Thanh Bùi và bị cáo Trương Huệ Vân, cháu gái bà Lan vào tháng 12/2013, được nhiều người biết đến.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 5/3. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 5/3. Ảnh: HT.

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Thuận Kiều Plaza; Khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence; nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị và nhà hàng Đức Bảo...

Song song đó, bà Trương Mỹ Lan cũng đã kịp tạo ra một “hệ sinh thái” mang tên Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.

Nhưng, “đáng nể” nhất là việc Vạn Thịnh Phát thao túng các định chế tài chính. Trong đó, ngân hàng SCB là “kho” tiền chủ yếu cấp vốn cho các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát. Theo luật pháp Việt Nam, một tổ chức, cá nhân không được phép sở hữu quá 5% cổ phần của một ngân hàng, trong khi bà Trương Mỹ Lan sở hữu đến hơn 90% cổ phần của SCB.

Để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, Trương Mỹ Lan đã đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB (Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát hoặc đứng đầu chi nhánh). Họ được trả lương từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng cùng nhiều ưu đãi khác như thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB…

Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị cáo buộc giúp vợ 'rút ruột' SCB, gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng. Ảnh: HT.

Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị cáo buộc giúp vợ “rút ruột” SCB, gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng. Ảnh: HT.

Để rút tiền từ SCB, bà Lan chỉ đạo các cấp dưới thân tín tại SCB, Vạn Thịnh Phát, đơn vị thẩm định giá tạo lập các hồ sơ vay vốn khống nhằm che mắt, đối phó với các cơ quan thanh tra; rút tiền của SCB thông qua các doanh nghiệp bất động sản, nhà hàng, khách sạn; các dự án, tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý được nâng khống giá trị...

Bằng cách này, bà Lan đã thao túng toàn bộ SCB để huy động tiền gửi của các cá nhân, doanh nghiệp, sau đó vay lại. Trương Mỹ Lan chỉ đạo cán bộ ở SCB đưa các cá nhân được thuê đứng tên các khoản vay, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, trên các tờ giấy trắng được đánh dấu sẵn vị trí ký. Sau đó, SCB duyệt các hồ sơ cho vay theo chỉ thị của bà Lan. Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Các pháp nhân đứng tên khoản vay không biết mình vay và nợ SCB các khoản tiền đặc biệt lớn này.

Số tiền được giải ngân sau đó được đưa từ SCB lên xe chở thẳng về nhà riêng của bà Lan hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo kết luận điều tra, có 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD được chuyển về cho bà Lan bằng cách này. Số tiền giải ngân được bà Lan dùng cho việc trả nợ cũ, trả nợ các ngân hàng khác, đầu tư dự án bất động sản hoặc chi tiêu cá nhân, không theo phương án vay vốn ban đầu.

Theo Kết quả điều tra, trong số các khoản vay có 684 khoản với tổng dư nợ gần 383.000 tỷ đồng là chưa đủ hồ sơ, chưa đủ thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo. Số còn lại tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.

Bị cáo Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc giúp sức đắc lực cho bà Lan, gây thiệt hại số tiền gần 1.100 tỷ đồng và phát sinh nợ hơn 25 tỉ đồng. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc giúp sức đắc lực cho bà Lan, gây thiệt hại số tiền gần 1.100 tỷ đồng và phát sinh nợ hơn 25 tỉ đồng. Ảnh: HT.

Hàng loạt quan chức dính chàm

Để che giấu thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm nghiêm trọng của SCB được phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện Kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Lan đã trực tiếp gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước), đồng thời chỉ đạo Tổng Giám đốc SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho bà Nhàn và các thành viên trong đoàn.

Bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng) từ SCB, thông qua 4 lần “giao dịch”. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên khẳng định số tiền nhận hối lộ này là lớn nhất từ trước đến thời điểm hiện tại.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục 2, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỉ đồng). Ảnh: HT.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục 2, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỉ đồng). Ảnh: HT.

Một cán bộ thanh tra khác bị bà Lan mua chuộc trong vụ án Vạn Thịnh Phát, là Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN. Bị cáo Hưng bị buộc nhận 390.000 USD để lờ đi những sai phạm, báo cáo không trung thực về tình trạng Ngân hàng SCB. Dẫn đến hậu quả là NHNN, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra.

Ngoài ra, còn có 17 người khác trong đoàn thanh tra cũng nhận quà cảm ơn từ bà Trương Mỹ Lan. Song, theo cáo trạng, 7 người trong số này không bị VKSND Tối cao xem xét trách nhiệm hình sự mà đề nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền.

Nhận tiền từ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, đến lúc ban hành kết luận thanh tra, đoàn thanh tra đã đề xuất để lãnh đạo thể hiện không đúng tình hình, thực trạng tài chính của SCB. Cụ thể, kết luận bỏ ngoài số liệu nợ xấu của ba siêu dự án. Nếu thể hiện đầy đủ thì nợ xấu của SCB tới 35,8% nhưng kết luận chỉ nêu nợ xấu 20,9%.

Việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN, bị cáo buộc nhận hối lộ từ bà Lan số tiền 390.000 USD. Ảnh: HT.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN, bị cáo buộc nhận hối lộ từ bà Lan số tiền 390.000 USD. Ảnh: HT.

SCB còn có hàng loạt vi phạm về cho vay, sử dụng vốn, thoái lãi dự thu, phương án cơ cấu nhưng vẫn được “ém nhẹ”. Kết luận còn bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị thu hồi ngay số tiền vay sử dụng sai mục đích ở ba dự án, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm. Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, còn một loạt cán bộ, từng giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước như Kiểm toán Nhà nước, thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước, ngân hàng Nhà nước, hay các tập đoàn, công ty... đã bị bà Lan mua chuộc nhằm che giấu những sai phạm nghiêm.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ mở tại các ngân hàng, với tổng số tiền phong tỏa là 1.896 tỷ đồng và 8,5 triệu USD. Cụ thể: phong tỏa 42 tài khoản các bị cáo Trương Mỹ Lan, Dương Tấn Phước, Bùi Anh Dũng, Trương Huệ Vân, Hồ Bửu Phương, Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng và Cao Việt Dũng mở tại các ngân hàng với số tiền 1.731 tỷ đồng và gần 8,5 triệu USD.

Tạm giữ 1.266 bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng, 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án Bắc Phước Kiển Nhà Bè.

Cơ quan chức năng cũng kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Trương Mỹ Lan; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của cháu gái bà Lan là Trương Huệ Vân cùng những cá nhân liên quan; kê biên hơn 137 triệu cổ phần tại 5 công ty liên quan; kê biên 22 tài sản là du thuyền, tàu, ô tô của bà Lan và người liên quan.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Tặng 2.000m2 đất cho ông Nhưỡng, ông Vân để 'về ở cùng cho vui'

Bị cáo Nguyễn Văn Vương khai, việc tặng ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân 2.000m2 đất tại Quảng Ninh để cảm ơn vì 'quý hai ông nên muốn rủ về ở cùng cho vui'.