Diễn đàn Nông nghiệp bền vững EU - Việt Nam - Nông Nghiệp 4.0: Chìa khóa Tiếp cận Thị trường Châu Âu do Bộ NN-PTNT, VCCI và EuroCham đồng tổ chức. |
Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp bền vững Việt Nam - EU với chủ đề Nông nghiệp 4.0 - Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu ngày 19/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Việt Nam hiện đang thực hiện 13 hiệp định FTA, bao gồm hiệp định CPTPP và tiếp tục đàm phán các FTA mới, trong đó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa ký kết ngày 30/6/2019 đang được các bên nỗ lực thúc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn để sớm có hiệu lực và đi vào thực thi.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam có sự dịch chuyển mạnh mẽ bởi ngay sau khi có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh nông nghiệp ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường nông lâm thủy sản toàn cầu.
Nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới nên hoàn toàn tự tin đủ điều kiện, năng lực, chất lượng để vào được thị trường EU.
Một cơ hội lớn khác có được từ Hiệp định theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đó là tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với khoa học, công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.
Có trên 150 đại biểu tham dự Sự kiện “Diễn đàn Nông nghiệp bền vững EU - Việt Nam - Nông Nghiệp 4.0: Chìa khóa Tiếp cận Thị trường Châu Âu”. |
“Cùng với cơ hội mà Hiệp định mang lại, chúng tôi cũng nhận thức được rằng để nông sản Việt Nam đi vào thị trường châu Âu cần đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh. Để tận dụng được cơ hội do EVFTA mang lại và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp cận được thị trường EU, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP, GlobalGAP. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, đầu tư vào chế biến, chế biến sâu, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, tập trung khai thác tối đa những mặt hàng có thế mạnh còn nhiều dư địa xuất khẩu, như: Thủy sản, đồ gỗ, rau, quả, gạo…”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.
"Mở rộng hội nhập và phát triển, mục tiêu đến năm 2030 của ngành nông nghirpj Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6%-8%/năm. Đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh. |
Theo Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier thì ai cũng biết rằng ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được nhiều lợi ích nhất từ EVFTA, vì việc giảm thuế sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng lớn, chi tiêu cao của châu Âu.
Tuy nhiên, ông Nicolas Audier cho rằng, EU có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm. Vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau, học hỏi lẫn nhau và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và theo dõi là điều cấp thiết.
Sự kiện này sẽ giúp phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu, qua đó, giúp mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA.
Ông Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ vào tài nguyên thiên nhiên phong phú và điều kiện khí hậu thuận lợi.
Hiện tại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là về công nghệ, để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt và để đạt được năng suất cao, từ đó, dẫn đến những kết quả chưa được như kì vọng.
Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU khi có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ. |
“Chúng tôi cam kết hướng tới một tương lai sản xuất thực phẩm nông nghiệp bền vững, đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường an toàn thực phẩm và sử dụng hiệu quả hơn các thiết bị, máy móc trong dây truyền sản xuất thông qua các giải pháp kỹ thuật số hàng đầu trong ngành”, ông Brian Hull cam kết.
Cũng theo Tổng giám đốc Control Union, Richard de Boer, vì sự tăng trưởng của ngành Nông ngiệp Việt Nam đi đôi với những cơ hội thương mại mới, do đó, sự rõ ràng trong các quy định hoặc thông tin cập nhật ở mỗi thị trường luôn luôn cần thiết. EVFTA tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp hiểu rõ các tiêu chuẩn và yêu cầu áp dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng trong toàn bộ chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.
Sự kiện ngày hôm nay thành công trong việc xây dựng một diễn đàn để các bên có liên quan có thể khám phá và chia sẻ cái nhìn sâu sắc về những cơ hội và thách thức hiện nay và thảo luận về các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách tăng trưởng trong ngành nông nghiệp Việt Nam".
Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc, NS BlueScope Lysaght Việt Nam lưu ý, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào kinh doanh hộ gia đình quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định và cơ cấu chi phí cao, hạn chế đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường yêu cầu cao và phát triển. Gia tăng lợi thế cạnh tranh đòi hỏi giải pháp hoàn thiện, đồng bộ từ chăn nuôi (giống, thức ăn, môi trường nuôi động vật) đến giai đoạn cuối cùng là chế biến thịt là một trong những giai pháp đồng bộ tất yếu ngành chăn nuôi Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập các sân chơi thương mại chung của thế giới.
Kể từ khi thành lập với chỉ 60 thành viên vào năm 1998, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã phát triển thành đại diện cho hơn 1.000 thành viên, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, EuroCham có văn phòng ở Hà Nội, TP.HCM và Đại diện các khu vực ở miền Trung, Đông Bắc Bộ và Đông Nam Bộ. Sứ mệnh của EuroCham không chỉ đại diện cho quyền lợi của các công ty thành viên mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thương mại tại Việt Nam. |