| Hotline: 0983.970.780

'Chìa khóa’ tăng khả năng cạnh tranh cho nông lâm thủy sản Việt Nam

Thứ Sáu 03/06/2022 , 19:27 (GMT+7)

Cần Thơ Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là 'chìa khóa' quan trọng tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Ngày 3/6, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị “Công tác chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022”. Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị là phổ biến Đề án đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 và ký kết chương trình phối hợp đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giữa Bộ NN-PTNT, TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2022 – 2025.

Hội nghị công tác chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022. Ảnh: Kim Anh.

Hội nghị công tác chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022. Ảnh: Kim Anh.

Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản phải gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản. Đề án được chia thành 2 giai đoạn thực hiện, với mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người dân, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam.

Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, quyết tâm tăng 10%/năm diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt – GAP. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm. Đồng thời, 100% các địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ. Đến giai đoạn 2026 – 2030, giữ vững, phát huy và tăng tỷ lệ các mục tiêu trên lên thêm 5%/năm.

Riêng đối với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu ngành cần triển khai ngay, cụ thể hóa 4 dự án, chương trình ưu tiên của đề án là: Dự án xây dựng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản. Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật kiểm nghiệm, kiểm tra, giám định phục vụ nhà nước về chất lượng, ATTP. Chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, đảm bảo chất lượng ATTP nông lâm thủy sản. Chương trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng, an toàn, giá trị nông lâm thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần có những kế hoạch, chương trình cụ thể, trên cơ sở những nội dung cơ bản của đề án để cụ thể hóa ở địa phương, đơn vị mình. Quan trọng nhất là xây dựng được vùng nguyên liệu, kiểm soát đầu vào và đầu ra sản phẩm nông lâm thủy sản.

Xây dựng vùng nguyên liệu để kiểm soát và quản lý chất lượng đầu vào và đầu ra các sản phẩm nông lâm thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Xây dựng vùng nguyên liệu để kiểm soát và quản lý chất lượng đầu vào và đầu ra các sản phẩm nông lâm thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, hiện nay ngành nông nghiệp đã xây dựng trên 160.000 ha vùng nguyên liệu lúa, trái cây, lâm nghiệp, cà phê thí điểm và đang nhân rộng ra. Cùng với đó là xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để gắn với vùng nguyên liệu. Hướng tới, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 1 triệu ha, gắn với doanh nghiệp để đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo ATTP cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, Thứ trưởng lưu ý các địa phương tập trung kiểm soát, tuyên truyền từ các chợ xã. Các địa phương nên xây dựng các tổ cộng đồng để nông dân, hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh cùng tham gia, bắt đầu từ cơ sở sẽ góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát ATTP.

Tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp để thúc đẩy đưa mặt hàng nông lâm thủy sản đến với các thị trường quốc tế. Ảnh: Trọng Linh.

Tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp để thúc đẩy đưa mặt hàng nông lâm thủy sản đến với các thị trường quốc tế. Ảnh: Trọng Linh.

Đối với TP Cần Thơ, trên tinh thần Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có nội dung xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý ngành nông nghiệp thành phố xây dựng chuỗi liên kết ATTP phải gắn với trung tâm liên kết này.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giữa Bộ NN-PTNT với TP Cần Thơ và các tỉnh thành trong cả nước giai đoạn 2022 – 2025.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT với UBND TP Cần Thơ. Ảnh: Trọng Linh.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT với UBND TP Cần Thơ. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nhận định, việc xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL là cơ hội để chương trình phối hợp giữa TP Cần Thơ với các tỉnh thành trong khu vực về quản lý vấn đề ATTP trong thời gian tới được thực hiện chủ động và hiệu quả hơn. Các địa phương sẽ có những kết nối để xây dựng vùng nguyên liệu và trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ là trung tâm của vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Một trong những cách làm để đảm bảo ATTP trong sản phẩm nông lâm thủy sản thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ xây dựng các dịch vụ để kết nối các vùng, các khu chế xuất, khu sản xuất nông sản của các tỉnh thành, xúc tiến kết nối thị trường và đưa vào sàn giao dịch để kết nối tiêu thụ trong nước cũng như quốc tế.

Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, 5 tháng đầu năm nay, ngành nông, lâm, thuỷ sản đã thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với 2.467 cơ sở, trong đó, có 2.363 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện ATTP theo quy định, chiếm 95,78% tổng số cơ sở được thẩm định, tăng so với con số của cùng kỳ năm ngoái là 91,17%.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có 463.000 ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương, tăng 33.000 ha so với năm 2020; diện tích nuôi trồng thuỷ sản được cấp chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn tương đương đạt 16.991 ha, tăng 1.158 ha so với năm 2020.

Hơn thế, ngành quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu nông lâm thủy sản và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 17,88 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.