| Hotline: 0983.970.780

Tạo 'giấy thông hành' cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Thứ Ba 17/05/2022 , 08:15 (GMT+7)

CẦN THƠ Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ xây dựng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, tạo 'giấy thông hành' đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường khó tính.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP Cần Thơ, vấn đề truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp không phải là quy định mới, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhóm hàng hóa ở một số thị trường nhập khẩu lớn trên trên thế giới như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Khảo sát thực trạng quy trình sản xuất của nông dân và dán mã truy xuất nguồn gốc tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Khảo sát thực trạng quy trình sản xuất của nông dân và dán mã truy xuất nguồn gốc tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó năm 2021, Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030.

Trên cơ sở đó, từ năm 2021, ngành nông nghiệp Thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, với sự phối hợp của Sở KH-CN nhằm tạo hành lang pháp lý cho quy định về truy xuất nguồn gốc.

Từ đây, Dự án khoa học công nghệ cấp thành phố “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc hàng hóa của TP Cần Thơ” ra đời, trở thành giải pháp tối ưu.

Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến KH-CN (Sở KH-CN Cần Thơ) đã công bố Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa chỉ: https://check.cantho.gov.vn để phục vụ cho việc đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Thành phố dựa trên mã QR Code.

Hiện nay, hệ thống này đã cập nhật 166 sản phẩm của 32 cơ sở do Sở NN-PTNT TP Cần Thơ quản lý, trong đó có những sản phẩm chủ lực như cá thát lát, trà mãng cầu, xoài cát, nhãn ido, nhãn thanh, sầu riêng, tổ yến…

Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Anh Trần Thế Duy, chủ nhiệm Dự án cho biết, để xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc cho từng loại sản phẩm nông nghiệp, các thành viên Dự án phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khảo sát thực tế từng trang trại, cập nhật nhật ký sản xuất, vật tư, tạo mã định danh lô sản xuất, đến cập nhật nhật ký vận chuyển, bán hàng… Công đoạn cuối cùng là dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) đánh giá: “Về mặt công nghệ, hệ thống truy xuất nguồn gốc của TP Cần Thơ đã được áp dụng cho ngành nông nghiệp. Hệ thống của Thành phố cập nhật đến đâu sẽ liên thông dữ liệu đồng bộ với hệ thống của Bộ NN-PTNT, điều này tạo lợi thế cạnh tranh trong kết nối sản phẩm của Thành phố. Vấn đề hiện nay là ngành chức năng Thành phố phải quản lý, thực hiện như thế nào để vận hành và mở rộng hệ thống, giúp người tiêu dùng có thể nhận dạng các sản phẩm của địa phương”.

Theo quan điểm của bà Lý, Cần Thơ nên có cách làm hay để doanh nghiệp thấy được giá trị lợi ích trong việc quản lý vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng như chuyển đổi số. Tương lai, TP Cần Thơ sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu bài bản của nền sản xuất nông nghiệp gắn với nhật ký sản xuất, vùng trồng, quản lý an toàn thực phẩm. Đó là những cơ sở dữ liệu đầu tiên của thành phố thông minh.

Trại ốc hữu cơ Mười Khương ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) là một trong những cơ sở đã được cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc với 4 sản phẩm. Ảnh: Trọng Linh.

Trại ốc hữu cơ Mười Khương ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) là một trong những cơ sở đã được cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc với 4 sản phẩm. Ảnh: Trọng Linh.

“Hệ thống quản lý này sẽ góp phần số hóa nền sản xuất, từ việc bà con nông dân. HTX hay doanh nghiệp thay vì phải đến cơ quan an toàn thực phẩm để đăng ký thì bây giờ mọi người hoàn toàn có thể đăng ký online. Đây là một trong những giải pháp không chỉ là chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhà quản lý và cải cách thủ tục hành chính công cho người dân”, bà Lý đánh giá.

Việc triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ” sẽ góp phần tạo ra những nền tảng công nghệ, kết nối chặt giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc truy xuất nguồn gốc cũng góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” để thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu khó tính trên thế giới.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản TP Cần Thơ, mục tiêu đến năm 2030: 100% sản phẩm từ sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản) là nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu và trên 80% sản phẩm nông nghiệp chủ lực được hỗ trợ áp dụng truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa áp dụng truy xuất nguồn gốc của Thành phố, kết nối với hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Thanh Hóa phấn đấu thanh toán bệnh dại

Tỉnh Thanh hóa phấn đấu năm 2025 tiếp tục khống chế tốt bệnh dại và năm 2030 bước đầu thanh toán bệnh dại.

Nhộn nhịp xuống giống vụ lúa - tôm

SÓC TRĂNG Đến nay, nông dân huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) đã xuống giống hơn 7.800ha lúa, đạt 106,5% kế hoạch đề ra.